Ðiện Biên đẩy mạnh giao đất, giao rừng

Nhằm ổn định đời sống, tạo việc làm, đồng thời để bảo vệ và phát triển rừng, những năm qua, tỉnh Ðiện Biên đã đẩy mạnh triển khai việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân. Giai đoạn 2013 - 2015, toàn tỉnh đã giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gần năm nghìn tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân với tổng diện tích hơn 328.126 ha (đạt 54% diện tích đất lâm nghiệp).

Việc giao đất, giao rừng giúp cho cấp ủy, chính quyền các cấp theo dõi, quản lý tốt diện tích rừng hiện có, là cơ sở quan trọng trong thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đến với đối tượng thụ hưởng; hạn chế thấp nhất tình trạng tranh chấp rừng và đất rừng; làm tốt hơn công tác quản lý bảo vệ rừng cũng như trong công tác phòng, chống cháy rừng và quản lý.

Tỉnh Ðiện Biên đặt kế hoạch từ nay đến năm 2023 sẽ hoàn chỉnh việc giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Tỉnh yêu cầu các cấp, ngành liên quan tăng cường công tác rà soát, hoàn chỉnh việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Tổng hợp báo cáo, bản đồ về kết quả giao đất lâm nghiệp, giao rừng, kết quả rà soát điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng; kết quả thống kê, kiểm kê đất đai. Xây dựng phương án giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2019 - 2023. Cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền đến nhân dân lợi ích việc giao đất, giao rừng tạo đồng thuận và giúp UBND các huyện, thị xã, thành phố lập phương án giao rừng, cho thuê rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tổng thể trên địa bàn gửi các sở, ngành liên quan tham gia ý kiến để phê duyệt theo quy định.

Phú Yên phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường

Tỉnh Phú Yên có 77 di tích được xếp hạng, trong đó có một di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia và 55 di tích cấp tỉnh. Toàn tỉnh có 185 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, trong đó có bốn di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (là nghệ thuật bài chòi, lễ hội cầu ngư, nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm và lễ cúng trưởng thành của người Ê Ðê). Nghệ thuật bài chòi tỉnh Phú Yên cùng với bài chòi Trung Bộ Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thời gian qua, tỉnh thu hút 46 dự án đầu tư du lịch, dịch vụ du lịch với tổng vốn 43 nghìn tỷ đồng, tổng diện tích 3.000 ha, trong đó có 16 dự án du lịch đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư. Bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh Phú Yên còn nhiều khó khăn, hạn chế trong phát triển văn hóa, du lịch như: kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển, sản phẩm chưa phong phú, chưa khai thác hết tài nguyên du lịch…

Ðể tháo gỡ khó khăn, tỉnh xác định phát triển du lịch theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan, trong đó chú trọng quy hoạch phát triển du lịch, xây dựng chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Tỉnh đẩy mạnh xây dựng thương hiệu du lịch, xây dựng các cơ sở lưu trú du lịch, khai thác hiệu quả sân bay Tuy Hòa.

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/41272302-%C3%B0ien-bien-day-manh-giao-dat-giao-rung.html