Ðiều chỉnh quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh đến năm 2040
Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho biết: Ðến nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị đều thống nhất, đồng ý với định hướng điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060. Hiện Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang tiếp tục lấy thêm ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân về đồ án quy hoạch này để hoàn thiện trước khi trình UBND thành phố phê duyệt.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho biết: Ðến nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị đều thống nhất, đồng ý với định hướng điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060. Hiện Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang tiếp tục lấy thêm ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân về đồ án quy hoạch này để hoàn thiện trước khi trình UBND thành phố phê duyệt.
Mục tiêu của nhiệm vụ quy hoạch xây dựng TP Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn 2060 là xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành thành phố đổi mới, sáng tạo, phát triển năng động, tiên phong trong vùng đô thị lớn, trung tâm kinh tế tri thức và giao thương quốc tế của Việt Nam, trung tâm tài chính và dịch vụ của châu Á - Thái Bình Dương, là thành phố có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn, có tính đa dạng văn hóa, bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước, có hạ tầng đô thị bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu. Theo đó, TP Hồ Chí Minh phấn đấu, đến năm 2040 sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối vùng giữa thành phố và các địa phương lân cận cũng như kết nối giữa các khu vực khác nhau của thành phố. Phát triển không gian đô thị TP Hồ Chí Minh thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phát triển đô thị tích hợp với hệ thống giao thông công cộng (TOD). Cụ thể hơn, định hướng phát triển đô thị mật độ cao, kết hợp các chức năng khác nhau chung quanh các nhà ga giao thông công cộng sức chở lớn; cân bằng giữa phát triển mở rộng đô thị và tái phát triển các khu đô thị hiện hữu; hình thành các hạt nhân của các trung tâm: trung tâm tri thức, trung tâm y tế, văn hóa, giáo dục của vùng đô thị và các hạt nhân của các khu đô thị mới; củng cố cấu trúc đô thị đa cực; giữ gìn và định hình bản sắc không gian đô thị của thành phố; mỗi người dân được bảo đảm nhu cầu nhà ở và dịch vụ công cộng; phát triển quỹ đất cây xanh trong các khu vực hiện hữu; môi trường không khí bảo đảm sức khỏe; người dân được tiếp cận với thực phẩm sạch giá rẻ với nền nông nghiệp đô thị kỹ thuật cao; bảo đảm nguồn cung cấp nước sạch ổn định, đủ lượng nước và bảo đảm chất lượng nước (từ nguồn nước mặt, hạn chế khai thác nước ngầm), tăng tỷ lệ nước sạch được sử dụng từ nguồn nước thay thế như nước mưa.
Về quy mô dân số đến năm 2040, dự kiến thành phố có 13 đến 14 triệu dân (tầm nhìn đến năm 2060 là 16 triệu dân). Phân bố dân cư đến năm 2040, dự kiến khu vực nội thành cũ khoảng 4,5 đến 5 triệu người, TP Thủ Ðức 1,9 triệu người (tầm nhìn đến năm 2060 là 3 triệu người), khu nội thành phát triển 2,2 đến 2,9 triệu người. Ðến năm 2040, khu ngoại thành khoảng 4,2 đến 5,6 triệu người (trong đó, dân số nông thôn khoảng 0,5 triệu người), riêng khu đô thị du lịch biển Cần Giờ khoảng 230 nghìn người. Về quy mô đất đai xây dựng đô thị khoảng 100 đến 110 nghìn ha. Trong đó, khu nội thành cũ khoảng 14 nghìn ha, khu nội thành phát triển khoảng 35 nghìn ha (bao gồm TP Thủ Ðức) và khu ngoại thành khoảng 50 đến 60 nghìn ha...
Góp ý cho nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn 2060, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cần phải xác định trục phát triển đô thị đối với TP Hồ Chí Minh trên cả bốn hướng, bao gồm: Hướng đông (TP Thủ Ðức); hướng nam ra biển; hướng tây - bắc và tây, tây - nam. Theo Hiệp hội Bất động sản, để thành phố phát triển mạnh thì yếu tố giao thông hết sức quan trọng, vì thế ngoài quy hoạch giao thông đã được phê duyệt, Hiệp hội Bất động sản cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung quy hoạch giao thông và đô thị theo hướng bổ sung quy hoạch các đường ven sông Sài Gòn (từ cầu Sài Gòn đến Bến Súc, huyện Củ Chi), kết nối vào quốc lộ 22, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, quốc lộ 13, tỉnh lộ 8, để tạo điều kiện phát triển đô thị khu vực tây bắc thành phố, cả huyện Trảng Bàng (Tây Ninh), huyện Bến Cát (Bình Dương), huyện Ðức Hòa (Long An). Bổ sung quy hoạch cầu vượt biển Cần Giờ, nối Cần Giờ với Vũng Tàu, bổ sung vào quy hoạch đường ven biển phía đông từ TP Hồ Chí Minh đến tỉnh Kiên Giang (cửa biển Cần Giờ rộng 12 km), đồng thời cũng là điểm nhấn kiến trúc và là cầu cảnh quan, phục vụ du lịch. Nghiên cứu bổ sung quy hoạch đường sắt chuyên dụng chở hàng hóa (trên cao), kết nối ga Sóng Thần - cảng Cát Lái - cảng Cái Mép Thị Vải - cảng Hiệp Phước, để tách dòng xe công-ten-nơ, xe tải nặng di chuyển trong đô thị hiện nay. Bổ sung quy hoạch “Thành phố tây bắc” trên cơ sở không gian huyện Củ Chi - huyện Hóc Môn hiện nay, để định hướng phát triển đô thị bền vững, ứng phó tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Ngoài ra, Hiệp hội Bất động sản cũng cho rằng, thành phố nên có đề án chuyển đổi bốn trong số năm huyện thành quận trong 10 năm tới, nhưng không bao gồm huyện Cần Giờ.
Ngoài ra, Hiệp hội Bất động sản nhất trí đánh giá của đồ án quy hoạch về tính đặc sắc của TP Hồ Chí Minh là thành phố sông nước, nhưng không chỉ gắn liền với sông Sài Gòn mà còn gắn liền với sông Ðồng Nai. Ðồng thời, cũng cần phải nhấn mạnh các yếu tố là thành phố ven biển với 17 km bờ biển và cửa biển Cần Giờ. Do vậy, nhiệm vụ quy hoạch chung cần xác định rõ: TP Hồ Chí Minh như là một thành phố hiện đại, bền vững, nhạy cảm với việc bảo vệ môi trường, bằng cách tận dụng tiềm năng của nó, nhất là đô thị sông nước, ven biển, gắn liền với sông Sài Gòn và sông Ðồng Nai, để thiết lập một hình ảnh thương hiệu của một thành phố, nơi cuộc sống tốt đẹp trong an ninh, trong một không gian sống đô thị đáp ứng sự mong đợi của người dân, doanh nghiệp và sự phát triển.