IFC dự kiến đầu tư 320 triệu USD vào 3 ngân hàng SHB, VIB và OCB
Các khoản đầu tư dự kiến của IFC dành cho ngân hàng SHB, VIB và OCB sẽ được thực hiện dưới dạng khoản vay nhằm tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay mua nhà ở giá rẻ.
Theo Nikkei Asia, ngày 22/1, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới đã đề xuất khoản đầu tư tổng cộng 320 triệu USD vào ba ngân hàng Việt Nam bao gồm SHB, VIB và OCB để hỗ trợ danh mục cho vay dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Trong đó IFC đề xuất đầu tư 120 triệu USD dưới dạng khoản vay với kỳ hạn 3 năm vào SHB để hỗ trợ tăng trưởng danh mục cho vay SME bao gồm các SME do phụ nữ làm chủ và những doanh nghiệp tham gia tài chính chuỗi cung ứng. Ngoài ra, tổ chức này cũng đang cân nhắc khoản đầu tư 100 triệu USD vào mỗi ngân hàng là VIB và OCB, để hỗ trợ tăng trưởng danh mục đầu tư nhà ở, bao gồm cả nhà ở giá rẻ.
Tính đến ngày 31/12/2021, cổ đông lớn của VIB là Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) chiếm 20% cổ phần, các nhà đầu tư tổ chức khác chiếm 9,34%. Số 70,66% còn lại do các cổ đông cá nhân nắm giữ.
Trong khi đó, tính đến ngày 30/9/2022, OCB có tổng tài sản 8,1 tỷ USD. Nhóm cổ đông gồm Chủ tịch OCB Trịnh Văn Tuấn và những người có liên quan nắm tổng cộng 19,76% vốn cổ phần của ngân hàng. OCB còn có nhà đầu tư chiến lược là Aozora Bank đã nắm giữ 15% cổ phần từ tháng 6/2020.
Kể từ khi thành lập văn phòng tại Việt Nam vào năm 1997, IFC đã giúp mở rộng khả năng tiếp cận tài chính, cải thiện cơ sở hạ tầng để cung cấp các dịch vụ công tốt hơn, đồng thời hỗ trợ các ngành sản xuất và dịch vụ tạo ra nhiều việc làm hơn.
Trước đó, ngày 14/10, IFC đã đề xuất gia hạn khoản vay cao cấp 100 triệu USD cho ngân hàng SeABank với thời hạn lên tới 5 năm và sẽ đến từ tài khoản riêng của IFC, sẽ được sử dụng riêng để hỗ trợ danh mục đầu tư nhà ở của ngân hàng.
Khoản đầu tư này nhằm hỗ trợ các chiến lược phát triển của SeABank và nâng khả năng tiếp cận tài chính, vay vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Đồng thời đẩy mạnh việc áp dụng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế tốt nhất trong quản lý rủi ro môi trường và xã hội.