IMF: AI làm bất bình đẳng giàu nghèo trầm trọng hơn

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bày tỏ lo ngại sâu sắc về nguy cơ công nghệ trí tuệ nhân tạo ( AI) gây xáo trộn lớn trên thị trường lao động và làm gia tăng tình trạng bất bình giàu nghèo.

Tổ chức này kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tài khóa xây dựng mạng lưới an sinh xã hội mạnh mẽ hơn, tăng đầu tư vào giáo dục đồng thời cải cách hệ thống thuế để hỗ trợ người lao động và giảm thiểu bất bình đẳng trong quá trình chuyển đổi sang AI.

IMF cảnh báo nguy cơ công nghệ trí tuệ nhân tạo ( AI) làm gia tăng tình trạng bất bình giàu nghèo. Ảnh: zvonimirfras

IMF cảnh báo nguy cơ công nghệ trí tuệ nhân tạo ( AI) làm gia tăng tình trạng bất bình giàu nghèo. Ảnh: zvonimirfras

Trong báo cáo công bố hôm 17-6, IMF nhận định AI có tiềm năng to lớn để thúc đẩy tăng trưởng năng suất và các dịch vụ công. Tuy nhiên, AI lại làm dấy lên mối lo ngại sâu sắc về những xáo trộn lớn trên thị trường lao động, làm gia tăng bất bình đẳng thu nhập. Không giống như các công nghệ đột phá trước đây, AI có thể dẫn đến mất việc làm ở những ngành nghề có kỹ năng cao.

Theo Era Dabla-Norris và Ruud De Mooij, hai phó giám đốc ở bộ phận tài khóa của IMF, các tác giả chính của báo cáo, chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò quan trọng để phân phối công bằng hơn các lợi ích và cơ hội từ AI tạo sinh.

“Điều này sẽ đòi hỏi những nâng cấp đáng kể đối với hệ thống thuế và an sinh xã hội trên toàn thế giới”, tác giả lưu ý.

Theo đó, bài học từ các làn sóng tự động hóa trong quá khứ và mô hình phân tích của IMF cho thấy, mức bảo hiểm thất nghiệp hào phóng hơn có thể làm giảm tác động tiêu cực của AI đối với người lao động, cho phép những người lao động bị mất việc tìm được công việc phù hợp hơn với kỹ năng của họ.

Đồng thời, các chương trình đào tạo, thực tập cũng như nâng cao và đào tạo lại kỹ năng theo ngành có thể đóng vai trò lớn hơn trong việc chuẩn bị cho người lao động chuyển sang các công việc và lĩnh vực mới trong thời đại AI.

Theo IMF, các nước cần xây dựng các chương trình hỗ trợ xã hội toàn diện dành cho những người lao động đối mặt với tình trạng thất nghiệp dài hạn hoặc nhu cầu lao động giảm do tự động hóa.

AI tạo sinh, có khả tạo văn bản hoặc hình ảnh bằng cách sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn, thu hút sự chú ý rộng rãi khi OpenAI ra mắt ChatGPT cuối năm 2022. AI đã ‘đốt nóng’ giá cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn trên toàn cầu dù cho đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chậm áp dụng AI.

Quản lý AI là mối quan tâm hàng đầu hiện nay của nhiều chính phủ. Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua Đạo luật AI nhằm kiểm soát các rủi ro do công nghệ phát triển nhanh gây ra. Đao luật cho phép cấm hoàn toàn các ứng dụng AI gây ra những rủi ro không thể chấp nhận được đối với sự an toàn, sinh kế và các quyền của người dân ở EU.

“Chúng tôi muốn mọi người có thể hưởng lợi nhiều hơn từ tiềm năng của công nghệ này. Và chúng tôi muốn đảm bảo rằng các cơ hội được tạo ra cho mọi người”, Era Dabla-Norris, đồng tác giả của báo cáo nói.

Bà nói thêm cuộc chuyển đổi sang AI có thể gây khó khăn cho nhiều người lao động. Đặc biệt, người lao động lớn tuổi sẽ đối mặt với viễn cảnh thất nghiệp cao hơn và trong thời gian dài hơn hơn vì những người này có thể không có những kỹ năng cần thiết trong thời đại AI và cần nhiều thời gian hơn so trước đây để trang bị kỹ năng này.

Tuy nhiên, báo cáo của IMF khuyên các nhà hoạch định chính sách không nên đánh thuế đặc biệt đối với AI, vốn được một số nước xem như một giải pháp tăng doanh thu để bù đắp những tác động tiêu cực của AI. IMF cho rằng đánh thuế đặc biệt đối với AI có thể kìm hãm đầu tư và đổi mới, cản trở tăng trưởng năng suất.

Thay vào đó, IMF đề xuất tăng thuế đối với lãi vốn (lợi nhuận thu được từ việc bán một tài sản tăng giá trị trong thời gian nắm giữ) cũng như thuế thu nhập doanh nghiệp để giúp bù đắp bất bình đẳng giàu nghèo ngày càng gia tăng.

Các làn sóng tự động hóa trước đây, chẳng hạn như việc áp dụng robot, đã thay thế nhiều lao động có trình độ tay nghề thấp (cổ cồn xanh). Tuy nhiên, cuộc cách mạng AI hiện nay gây rủi ro lớn hơn cho lực lượng lao động tay nghề cao (cổ cồn trắng), báo cáo của IMF cho biết.

IMF lưu ý, AI cũng thể giúp các robot thông minh hơn, dẫn đến tự động hóa nhiều hơn nữa đối các công việc cổ cồn xanh. Điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng thu nhập.

AI cũng có thể dẫn đến sự gia tăng hơn nữa về sức mạnh thị trường và đặc lợi kinh tế của các công ty công nghệ thống trị. Trước sự không chắc chắn về tương lai của AI, các chính phủ nên áp dụng cách tiếp cận linh hoạt để chuẩn bị cho kịch bản thị trường lao động xuất hiện xáo trộn lớn.

Theo bà Dabla-Norris, đồng tác giả của báo cáo, do phạm vi ảnh hưởng toàn cầu của AI, sự hợp tác giữa các nước để ứng phó rủi ro của công nghệ này đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

IMF ghi nhận những đột phá mới nhất về AI là thành quả của nhiều năm đầu tư vào nghiên cứu cơ bản, trong đó có các chương trình tài trợ của nhà nước.

Vì vậy, các quyết định hiện nay của giới hoạch định chính sách sẽ định hình sự phát triển của AI trong nhiều thập niên tới. Người làm chính sách cần ưu tiên những chính sách để các ứng dụng AI mang lại lợi ích rộng rãi cho xã hội, tận dụng AI để cải thiện kết quả trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế và dịch vụ công.

Theo Financial Times, Imf.org

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/imf-ai-lam-bat-binh-dang-giau-ngheo-tram-trong-hon/