IMF bày tỏ quan ngại về nỗ lực cải cách của Pakistan

Một ngày sau khi công bố gói cho vay cứu trợ cho Pakistan trị giá 3 tỷ USD, hôm 13/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã bày tỏ quan ngại về nỗ lực cải cách để vượt khủng hoảng của quốc gia Nam Á trong quá khứ. Thể chế tài chính toàn cầu này cũng khuyến cáo Islamabad hoàn tất các nỗ lực mới nhất nhằm ngăn chặn đà suy giảm lòng tin của cộng đồng quốc tế.

Giám đốc điều hành IMF Bahador Bijani thay mặt cho ban lãnh đạo cơ quan này chuyển thông điệp tới Bộ trưởng Tài chính Pakistan Ishaq Dar trong một cuộc họp trực tuyến. IMF trước đó đã phê duyệt khoản vay cứu trợ cho Pakistan theo chương trình Thỏa thuận Dự phòng (SBA) kéo dài 9 tháng. Thông điệp của IMF vừa đưa ra được coi là khá cứng rắn với Pakistan.

IMF bày tỏ quan ngại về nỗ lực cải cách của Pakistan. Ảnh: Dunya News

IMF bày tỏ quan ngại về nỗ lực cải cách của Pakistan. Ảnh: Dunya News

Trước đó, trong cuộc họp của ban giám đốc IMF, các lãnh đạo cơ quan này đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước thành tích yếu kém của Pakistan trong việc thực hiện các cải cách và đáp ứng các cam kết đã đưa ra với IMF.

Hôm thứ Sáu 14/7, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif cũng đã có cuộc điện đàm với Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva và đã đưa ra đảm bảo rằng Islamabad đang rất nghiêm túc trong việc xây dựng lại lòng tin. Văn phòng Thủ tướng Pakistan cho biết ban giám đốc IMF bày tỏ sự hoài nghi vào cam kết của Pakistan về hoàn thành các điều kiện theo thỏa thuận do ‘sự thâm hụt lòng tin trong quá khứ’.

Lần cuối IMF thảo luận về hồ sơ xin cứu trợ của Pakistan là vào tháng 8/2022. Tổ chức quốc tế này dự định họp để thông qua kết quả đợt đánh giá thứ 9 về tình hình của Pakistan vào tháng 11 cùng năm để quyết định xem liệu có nên trao cơ hội cho Pakistan nữa hay không. Tuy nhiên, vòng đánh giá này bị trì hoãn tới tận tháng 6 vừa qua.

Hôm 30/6, IMF thông báo về thỏa thuận cấp chuyên viên với Pakistan đã được phê duyệt, đồng nghĩa tổ chức này sẽ cấp cho quốc gia Nam Á khoản cứu trợ trị giá 3 tỷ USD. IMF cũng khẳng định đây là cơ hội cuối cùng mà tổ chức này trao cho Pakistan để cải thiện tình hình kinh tế tồi tệ của mình. Ban giám đốc IMF đã yêu cầu Pakistan triển khai chương trình cải cách mới và khẳng định họ sẽ không nhượng bộ một lần nữa.

Liên quan tới tình hình Pakistan, Chính phủ nước này vừa quyết định kéo dài thời gian tính giờ cao điểm tiêu thụ điện. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/7 nhằm đáp ứng các điều kiện nhận cứu trợ mà IMF đã đặt ra với nước này. Giờ cao điểm tiêu thụ điện là khoảng thời gian trong ngày mà lượng điện tiêu thụ đạt mức cao nhất. Trong thời gian này, tiền điện theo mỗi đơn vị được tính theo mức cao nhất. Pakistan sẽ kéo dài khoảng thời gian tính giờ cao điểm thêm 2 tiếng; từ 17h-23h, thay vì từ 18h-22h.

Chính phủ Pakistan đã thực hiện một số biện pháp kinh tế để đáp ứng đòi hỏi của IMF, bao gồm tăng thuế điện, giá xăng dầu và thuế thu nhập. Tuy nhiên, điều này đã tạo thêm gánh nặng cho phần lớn người dân khi lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao. Ngân hàng Nhà nước Pakistan (SBP) đã nhận được 1,2 tỷ USD từ IMF hồi đầu tuần này. Đây là đợt giải ngân đầu tiên của gói cứu trợ trị giá 3 tỷ USD để ổn định nền kinh tế nước này.

Phan Tùng/VOV-New Delhi

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/imf-bay-to-quan-ngai-ve-no-luc-cai-cach-cua-pakistan-post1033005.vov