IMF cảnh báo kinh tế toàn cầu suy thoái hơn năm 2009 do dịch COVID-19

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Rome, Ý - Ảnh: THX/TTXVN

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 23/3 cho biết, kinh tế thế giới đang chứng kiến những thiệt hại “khốc liệt” do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra, đồng thời cảnh báo kinh tế toàn cầu có nguy cơ đối mặt với tăng trưởng âm.

Theo bà Georgieva những tổn thất do dịch COVID-19 gây ra cho kinh tế toàn cầu trong năm 2020 thậm chí có thể nhiều hơn năm 2009 và sẽ đòi hỏi một cách phản ứng chưa từng có tiền lệ.

Trong bình luận gửi tới bộ trưởng tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), bà Georgieva đã kêu gọi các nền kinh tế tiên tiến cung cấp thêm hỗ trợ cho các nước có thu nhập thấp, và IMF “sẵn sàng huy động toàn bộ khoản cho vay trị giá 1.000 tỉ USD (để chống dịch COVID-19)”.

Theo bà Georgieva, gần 80 quốc gia trên thế giới đã đề nghị IMF viện trợ khẩn cấp để đối phó với đại dịch COVID-19.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều nước trên thế giới đối mặt với nguy cơ đóng cửa hàng loạt, bà Georgieva cảnh báo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 “ở mức âm-cuộc suy thoái ít nhất là tồi tệ như một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hoặc thậm chí còn tồi tệ hơn”.

Nền kinh tế toàn cầu đã rơi vào một cuộc "đại suy thoái" năm 2009 do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Trong diễn biến khác, Viện nghiên cứu kinh tế Ifo của Đức ngày 23/3 đưa ra nhận định: Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Đức "hàng trăm tỉ euro”. Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong một tuyên bố, Chủ tịch Ifo Clemens Fuest dự báo mức độ thiệt hại do dịch bệnh COVID-19 gây ra cho nền kinh tế Đức sẽ cao hơn rất nhiều so với những gì mà nước này từng phải hứng chịu trong các cuộc khủng hoảng kinh tế hay thiên tai những thập kỷ gần đây.

Theo tính toán của Ifo, nền kinh tế Đức sẽ giảm 7,2% xuống còn 20,6%, tương ứng với thiệt hại từ 255 đến 729 tỉ euro (khoảng 780 tỉ USD). Bên cạnh đó, Ifo cũng đưa ra một kịch bản giả định mang tính tích cực, theo đó, sản lượng kinh tế Đức sẽ giảm xuống dưới mức 60% chỉ trong hai tháng, sau đó sẽ phục hồi ở mức khoảng 80% trong tháng thứ 3 và cuối cùng ổn định bình thường vào tháng thứ 4.

Tuy nhiên theo Ifo, trong ba tháng "đóng cửa" một phần đời sống kinh tế do dịch bệnh, nền kinh tế Đức sẽ thiệt hại ít nhất 354 tỉ euro. Trong trường hợp tiếp tục kéo dài tình trạng này, Chính phủ Đức sẽ phải mất thêm khoản chi phí bổ sung từ 15 đến 57 tỉ euro/tuần.

Bên cạnh đó, ông Clemens Fuest nhận định cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 cũng sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động Đức. Theo ông, có tới 1,8 triệu việc làm ở Đức có thể bị cắt giảm và hơn 6 triệu nhân viên bị ảnh hưởng do giảm giờ làm. Ông cũng cho rằng các biện pháp và gói cứu trợ kinh tế của Chính phủ Đức là rất cần thiết trong thời điểm hiện nay để giúp nền kinh tế lớn nhất châu Âu này vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Trước đó cùng ngày, Chính phủ Liên bang Đức đã thông qua gói cứu trợ khẩn cấp có tổng giá trị lên tới 750 tỉ euro để ổn định nền kinh tế trước những hậu quả do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra. Dự kiến, Hạ viện Đức sẽ nhanh chóng thông qua gói biện pháp này vào ngày 25/3 và sau đó hai ngày sẽ được Thượng viện phê chuẩn.

H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/236642/imf-canh-bao-kinh-te-toan-cau-suy-thoai-hon-nam-2009-do-dich-covid-19.html