IMF cảnh báo vấn đề thuế quan gây căng thẳng cho hệ thống tài chính toàn cầu

Ngày 22/4 (giờ New York), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra cảnh báo rằng hệ thống tài chính toàn cầu đang chịu áp lực ngày càng gia tăng khi các chính sách thương mại mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến thị trường rung chuyển.

Biểu tượng của Quỹ tiền tệ quốc tế bên ngoài trụ sở ở Washington (Mỹ). Ảnh: Reuters/TTXVN

Biểu tượng của Quỹ tiền tệ quốc tế bên ngoài trụ sở ở Washington (Mỹ). Ảnh: Reuters/TTXVN

Trong Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu (GFSR) được công bố tại Hội nghị mùa xuân 2025, IMF đánh giá "rủi ro ổn định tài chính toàn cầu đã gia tăng đáng kể, do điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn và bất ổn kinh tế gia tăng", kêu gọi các cơ quan quản lý cảnh giác với các cuộc khủng hoảng tiềm ẩn.

IMF chỉ ra các kế hoạch áp thuế của chính quyền Mỹ "đã gây ra một đợt bất ổn chính sách", và tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn do các biện pháp đáp trả từ chính phủ Trung Quốc.

Phát biểu với báo giới, cố vấn tài chính của IMF Tobias Adrian đã xác định ba điểm yếu đối với sự ổn định tài chính toàn cầu, đó là: Định giá quá cao đối với cổ phiếu và trái phiếu ở một số lĩnh vực, ngay cả sau các đợt bán tháo gần đây; tình trạng đòn bẩy cao của một số tổ chức tài chính, trong đó có các quỹ đầu cơ; khả năng xảy ra biến động trên thị trường trái phiếu chính phủ ở các quốc gia có mức nợ cao.

IMF cảnh báo các nền kinh tế mới nổi có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng do chi phí đi vay tăng đột ngột, đồng thời cho rằng "mối quan ngại của nhà đầu tư về tính bền vững của nợ công và các yếu tố dễ bị tổn thương khác trong lĩnh vực tài chính có thể trở nên tồi tệ hơn theo hướng củng cố lẫn nhau".

IMF cho biết: "Các nền kinh tế thị trường mới nổi, vốn đang phải đối mặt với chi phí tài chính thực tế cao nhất trong một thập kỷ, hiện có thể cần phải tái cấp vốn cho khoản nợ của mình và tài trợ cho chi tiêu tài chính với chi phí cao hơn".

Quỹ tiền tệ quốc tế cũng cảnh báo rủi ro địa chính trị - bao gồm cả xung đột quân sự - có thể làm tăng rủi ro đối với sự ổn định tài chính, đồng thời bày tỏ mối quan ngại đặc biệt về vai trò ngày càng tăng của các tổ chức cho vay "phi ngân hàng", vốn ít bị quản lý chặt chẽ hơn nhiều so với các ngân hàng, nhưng vẫn có thể gây ra rủi ro cho toàn bộ hệ thống tài chính.

Theo IMF, với mức đòn bẩy cao trong hệ thống tài chính và sự kết nối ngày càng tăng giữa các trung gian tài chính phi ngân hàng và các ngân hàng, mức vốn và thanh khoản đủ trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là mỏ neo của sự ổn định tài chính toàn cầu.

IMF cũng thúc giục các chính phủ đảm bảo có đủ vốn và thanh khoản trong hệ thống ngân hàng để ứng phó với khủng hoảng - bao gồm cả việc "thực hiện đầy đủ, kịp thời và nhất quán" các quy tắc được gọi là Basel 3, được đưa ra sau cuộc khủng hoảng năm 2008.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/4 cho biết mức thuế quan mà nước này áp với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc sẽ giảm đáng kể khi hai bên đạt được thỏa thuận, tuy nhiên sẽ không về mức 0.

Phát biểu trước báo giới tại Phòng Bầu dục, ông Trump lưu ý rằng Mỹ sẽ mềm mỏng với Trung Quốc, kỳ vọng rằng quá trình đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc sẽ diễn ra “khá nhanh".

Đề cập đến mức thuế 145% áp với hàng hóa Trung Quốc, ông Trump nêu rõ mức thuế cuối cùng "sẽ không cao đến mức đó". Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ nêu rõ nếu phía Bắc Kinh không nhất trí với thỏa thuận, Washington sẽ tự nêu các điều kiện của mình.

Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nói rằng căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh sẽ không kéo dài và có thể sớm hạ nhiệt. Phát biểu tại một sự kiện ở Washington, Bộ trưởng Bessent miêu tả các mức thuế quan quy mô lớn mà hai nước áp đặt đối với hàng hóa của nhau từ đầu năm đến nay mang tính đáp trả lẫn nhau. Tuy nhiên, ông Bessent lưu ý Mỹ và Trung Quốc chưa chính thức khởi động bất kỳ cuộc đàm phán nào về vấn đề thuế quan.

Sau nhiều lần tăng thuế quan, hiện tổng thuế suất mà Mỹ áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc là 145%, bao gồm 20% đã áp đặt trước đó và 125% nằm trong gói thuế đối ứng. Đáp lại, Bắc Kinh đã có các động thái tăng thuế tương tự, tuy nhiên đã tuyên bố không tiếp tục tăng thuế sau khi áp mức thuế bổ sung 125%.

Trong diễn biến khác, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Choi Sang Mok ngày 22/4 (giờ Mỹ) đã đến thủ đô Washington, D.C để tham gia các cuộc đàm phán thương mại cấp cao với Mỹ trong tuần này, trong bối cảnh Hàn Quốc đang nỗ lực tránh hoặc giảm thiểu tác động của các mức thuế quan mới hoặc trong tương lai của chính quyền Tổng thống Trump.

Theo Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc, khi đặt chân đến Sân bay quốc tế Dulles, gần thủ đô Washington, D.C, Bộ trưởng Choi nhấn mạnh rằng ông đến Mỹ để bắt đầu các cuộc thảo luận nhằm làm cho liên minh Hàn Quốc - Mỹ vững chắc hơn, đồng thời tuyên bố sẽ làm hết sức mình để đàm phán đạt kết quả.

Theo Bộ trưởng Choi, ông sẽ lắng nghe những gì phía Mỹ quan tâm và cũng có kế hoạch giải thích tích cực lập trường của Hàn Quốc. Điều đó sẽ có ích cho cả hai bên và cho phép hai nước mở rộng phạm vi hiểu biết lẫn nhau.

Bộ trưởng Choi Sang Mok - người kiêm nhiệm chức Phó Thủ tướng phụ trách các vấn đề kinh tế, là quan chức cấp cao nhất của Hàn Quốc đến thăm Mỹ kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức vào tháng Một năm nay.

Trong thời gian ở Washington, D.C, ông cũng sẽ tham gia cuộc họp của các bộ trưởng tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào tuần này. Ông Choi cùng Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Duk Geun cũng có kế hoạch gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer để tham vấn thương mại “2+2” vào ngày 24/4.

Các nhà quan sát cho biết các cuộc đàm phán sắp tới này có thể đề cập đến nhiều vấn đề thương mại, bao gồm thuế quan mới của Mỹ và các vấn đề về rào cản phi thuế quan, chẳng hạn như lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Mỹ từ gia súc 30 tháng tuổi của Hàn Quốc.

Các vấn đề khác cũng có thể được đưa ra thảo luận vì Tổng thống Trump coi cách tiếp cận đàm phán của mình là "một cửa" - một cách diễn đạt làm dấy lên triển vọng chính quyền của ông sẽ sử dụng thuế quan để giải quyết các vấn đề song phương khác.

Các cuộc đàm phán thương mại dự kiến sẽ diễn ra tại Bộ Tài chính gần Nhà Trắng, làm giảm khả năng Tổng thống Trump có thể bất ngờ đến dự cuộc họp. Tuần trước, ông Trump đã xuất hiện tại các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Nhật Bản.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội sau đó, Tổng thống Trump tuyên bố đã có “tiến triển lớn” từ các cuộc đàm phán.

H.N (tổng hợp từ TTXVN,Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/quoc-te/202504/imf-canh-bao-van-de-thue-quan-gay-cang-thang-cho-he-thong-tai-chinh-toan-cau-6ca216a/