Giá keo giống ở tỉnh Nghệ An tăng kỷ lục

Giá keo giống ở Nghệ An đang ở mức cao, gấp đôi so năm ngoái. Giá dao động 1,4 nghìn đồng-1,8 nghìn đồng/cây, tùy vào từng loại giống. Nhiều cơ sở giống rơi vào tình trạng 'cháy hàng', cung không đủ cầu.

Nông dân xã Tân Hương, huyện Tân Kỳ đang thu hoạch keo giống vụ Xuân.

Nông dân xã Tân Hương, huyện Tân Kỳ đang thu hoạch keo giống vụ Xuân.

Vào thời điểm này năm ngoái, 1 cây keo giống giâm hom ở huyện Quỳ Châu được bán với giá dao động 800 đồng-1 nghìn đồng. Thế nhưng, mức giá hiện tại đang ở mức 1,7 nghìn đồng-1,8 nghìn đồng. Anh Lê Đình Sơn (xã Châu Hội) cho biết, đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Quỳ Châu, toàn huyện hiện có diện tích keo nguyên liệu lên đến hơn 24.000ha; mỗi năm, khai thác và trồng mới hơn 4.600ha. Đến thời điểm này, đã trồng được hơn 1.000/2.000ha rừng vụ xuân. Do nhu cầu trồng rừng vụ xuân là vụ chính, nhu cầu trồng lớn, cho nên xảy ra thiếu giống cục bộ.

Ở huyện Quỳ Châu hiện có 3 đơn vị sản xuất giống cây gồm: Lâm trường Cô Ba, Lâm trường Quỳ Châu và Hợp tác xã Đầu tư và Phát triển rừng Đại Lâm. Tổng lượng giống của các đơn vị này chỉ đáp ứng khoảng 30-35% diện tích trồng rừng, phần còn lại chủ yếu do bà con mua từ các tỉnh khác. Việc thiếu giống khiến nhiều hộ gia đình bị động trong việc canh tác, ảnh hưởng đến chu kỳ trồng rừng cũng như khó bảo đảm chất lượng cây giống.

Nghệ An lên kế hoạch trồng 20.000ha rừng nguyên liệu trong năm nay.

Nghệ An lên kế hoạch trồng 20.000ha rừng nguyên liệu trong năm nay.

Không riêng gì ở các huyện miền núi cao, giá keo giống ở các địa phương khác cũng tăng cao.

Tại xã Tân Hương, huyện Tân Kỳ, dọc 2 bên đường mòn Hồ Chí Minh, cảnh mua, đóng gói, vận chuyển keo giống diễn ra nhộn nhịp…

“Gia đình tôi có hơn 3 sào ươm keo giống, hiện đã thu hoạch hơn 20.000 cây. Giá keo năm nay tăng mạnh, từ 700 đồng/cây năm 2024, năm nay tăng lên đến 1.400 đồng/cây. Dự kiến cả vụ thu hoạch khoảng 40.000 cây, nhưng người ta đã đặt mua hết”, chị Nguyễn Thị Huyền (xã Tân Hương) thông tin.

Cũng trên địa bàn xã Tân Hương, vụ Xuân này, gia đình anh Cao Văn Thịnh (xóm Tân Minh) sản xuất khoảng 80.000 cây keo cành giâm hom, đến nay đã bán hết.

Trung bình mỗi năm, gia đình Thịnh anh ươm 3 lứa keo, sau khoảng 1,5-2 tháng là xuất bán; trong đó, vụ xuân là thời điểm sản xuất số lượng nhiều nhất.

Giá keo nguyên liệu tăng, nhiều diện tích keo bị khai thác non để bán.

Giá keo nguyên liệu tăng, nhiều diện tích keo bị khai thác non để bán.

Xã Tân Hương có 286 hộ gia đình tham gia sản xuất cây keo giống, với tổng diện tích lên đến 30ha. Hằng năm, xã ươm khoảng 160 triệu cây keo giống, không chỉ cung cấp cho Nghệ An mà còn cho các tỉnh lân cận.

Ông Lê Đức Thuyên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Hương cho hay: Do giá keo nguyên liệu ván ép, bột giấy tăng, khiến tình trạng chặt keo non diễn ra ồ ạt, có cả những rừng keo mới chỉ trồng khoảng 3 năm. Khi người dân thu hoạch xong thì sẽ tiến hành trồng mới, dẫn đến nhu cầu giống cũng tăng cao.

Giá keo giống dao động 1,4 nghìn đồng-1,8 nghìn đồng/cây, tùy vào từng loại. Trong ảnh: Một cơ sở cung cấp keo giống ở xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông.

Giá keo giống dao động 1,4 nghìn đồng-1,8 nghìn đồng/cây, tùy vào từng loại. Trong ảnh: Một cơ sở cung cấp keo giống ở xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông.

Mỗi năm trên địa bàn tỉnh Nghệ An trồng mới khoảng 20 nghìn ha rừng nguyên liệu, phần lớn là keo. Ngoài cây keo giống được sản xuất tại địa bàn, các đại lý còn nhập từ các tỉnh phía Bắc về để bán cho người dân. Hiện nay, dù giá tăng gấp đôi, nhưng các đại lý không có hàng để bán.

“Mấy chục năm đi buôn keo giống, song đợt này giá tăng đỉnh điểm nhất”, bà Trần Thị Phương Hoa (chủ đại lý kinh doanh cây giống ở xã Nghĩa Hành, huyện Tân Kỳ) chia sẻ.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Nghệ An), trong năm 2025, Nghệ An sẽ triển khai trồng 20.000ha rừng nguyên liệu, (tăng hơn năm trước 1.500ha). Riêng vụ Xuân trồng 8.500ha; trong đó trồng rừng gỗ lớn khoảng 1.000ha tập trung chủ yếu ở các huyện Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp.

Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 30 đơn vị sản xuất, kinh doanh cây giống (có giấy phép đăng ký kinh doanh). Nhằm bảo đảm chất lượng cây giống, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An khuyến cáo các địa phương cần tăng cường công tác quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Đối với bà con nông dân nên chọn mua giống có nguồn gốc rõ ràng...

TRẦN TRUNG HIẾU

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/gia-keo-giong-o-tinh-nghe-an-tang-ky-luc-post874580.html