IMF kêu gọi cải cách khung đánh giá nợ để hỗ trợ châu Phi

IMF khuyến nghị cần cải cách khung đánh giá nợ để phù hợp với bối cảnh hiện tại, đồng thời tăng cường hỗ trợ quốc tế nhằm giúp châu Phi vượt qua khó khăn kinh tế và duy trì phát triển bền vững.

Trụ sở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở Washington DC., Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Trụ sở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở Washington DC., Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Tình hình tái cơ cấu nợ công ở châu Phi năm 2025 ghi nhận nhiều tiến triển tích cực nhưng vẫn đối mặt với không ít thách thức. Các quốc gia trên lục địa đang thực hiện các biện pháp cải cách, đàm phán và tái cơ cấu khoản nợ nhằm duy trì ổn định kinh tế và đảm bảo khả năng trả nợ trong bối cảnh tài chính toàn cầu đầy biến động.

Tại Ghana, chính phủ đã hoàn tất đàm phán tái cơ cấu nợ với 25 quốc gia chủ nợ lớn, trong đó có Trung Quốc, Pháp, Mỹ và Đức, theo khuôn khổ do Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) khởi xướng. Thỏa thuận này bao gồm việc hoãn thanh toán nợ đến năm 2039–2043 và giảm lãi suất xuống còn 1-3%.

Cùng với đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phê duyệt khoản giải ngân 370 triệu USD theo chương trình tín dụng mở rộng trị giá 3 tỷ USD, ghi nhận cam kết mạnh mẽ của Ghana trong việc duy trì kỷ luật tài chính và cải cách kinh tế. Tuy nhiên, nợ công của Ghana vẫn tăng lên khoảng 49,5 tỷ USD vào quý I/2025, đặt ra thách thức về sự bền vững lâu dài.

Ethiopia cũng đạt được thỏa thuận sơ bộ với Ủy ban Chủ nợ Chính thức (OCC) của G20 để tái cơ cấu khoản nợ 8,4 tỷ USD, gia hạn thời gian trả nợ và giảm nghĩa vụ thanh toán đến năm 2028. IMF đã phê duyệt khoản vay 3,4 tỷ USD hỗ trợ các cải cách kinh tế của nước này, góp phần cải thiện nền tài chính quốc gia.

Trong khi đó, Zimbabwe đang trong quá trình đàm phán với IMF để thực hiện Chương trình Giám sát Nhân viên (SMP), mở đường cho tái cơ cấu khoản nợ quốc gia 12,7 tỷ USD. Việc xóa nợ quá hạn với các chủ nợ lớn như Ngân hàng Phát triển châu Phi và Ngân hàng Thế giới được xem là điều kiện quan trọng để Zimbabwe tiếp cận nguồn tài trợ quốc tế. Somalia cũng có bước tiến khi đạt thỏa thuận tái cơ cấu nợ trị giá hơn 300 triệu USD với Quỹ Tiền tệ Arập, sau khi hủy 99% khoản nợ từ các nước thuộc Câu lạc bộ Paris vào năm 2024, mở ra cơ hội tái hội nhập với các tổ chức tài chính quốc tế. Ở Tây Phi, Senegal tạm dừng chương trình hỗ trợ với IMF do phát hiện sai số liệu nợ công từ chính quyền trước, khiến tỷ lệ nợ/GDP lên tới 100%. Chính phủ mới đang xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế, đồng thời tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế nhằm khôi phục niềm tin. Ai Cập yêu cầu IMF kết hợp đánh giá lần thứ năm và thứ sáu trong chương trình hỗ trợ 8 tỷ USD nhằm có thêm thời gian thực hiện các cải cách cấu trúc, đặc biệt là giảm vai trò của nhà nước trong nền kinh tế. Tuy nhiên, điều này có thể làm trì hoãn các khoản giải ngân thêm. Dù nhiều quốc gia châu Phi đã đạt bước tiến trong tái cơ cấu nợ công, những thách thức vẫn hiện hữu, bao gồm việc xử lý nợ với các tổ chức tài chính khu vực như Afreximbank, thiếu hụt tài chính và rủi ro tái vỡ nợ.

IMF khuyến nghị cần cải cách khung đánh giá nợ để phù hợp với bối cảnh hiện tại, đồng thời tăng cường hỗ trợ quốc tế nhằm giúp châu Phi vượt qua khó khăn kinh tế và duy trì phát triển bền vững.

Nguyễn An/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/imf-keu-goi-cai-cach-khung-danh-gia-no-de-ho-tro-chau-phi/379652.html