Thanh tra chỉ ra một số tồn tại, sai phạm của PGBank
Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động quản trị điều hành, quản lý rủi ro... của PGBank.
Một số nội dung tồn tại, hạn chế trong hoạt động quản trị điều hành, quản lý rủi ro
Ngày 7/7/2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã đăng tải thông báo Kết luận thanh tra số 40/KL-TTNH8 về việc thanh tra Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) với nhiều nội dung đáng chú ý.
Về ưu điểm, trong thời kỳ thanh tra, Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban điều hành ngân hàng đã có nhiều cố gắng trong việc ổn định mạng lưới, hoạt động, đảm bảo cơ bản các nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo Luật các tổ chức tín dụng (TCTD), Điều lệ ngân hàng, các Chỉ đạo, chỉ thị của NHNN; chỉ đạo hoạt động toàn hệ thống đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Về cơ bản, PGBank đã ban hành các chính sách, quy trình nội bộ về cấp tín dụng, cam kết ngoại bảng; phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng; kiểm tra, giám sát vốn vay; bảo đảm tiền vay; xử lý nợ xấu, thu hồi nợ xử lý rủi ro;...
Áp dụng, phối hợp nhiều biện pháp để thực hiện xử lý, thu hồi nợ xấu như đôn đốc khách hàng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc lãi, bản nợ cho VAMC/pháp nhân hoạt động trong lĩnh vực mua bán nợ, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, thu giữ tài sản bảo đảm, khởi kiện khách hàng ra tòa án nhân dân các cấp...
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được nêu trên, hoạt động của PGBank còn để xảy ra một số nội dung tồn tại, hạn chế trong hoạt động quản trị điều hành, quản lý rủi ro.
Cụ thể, HĐQT, Tổng Giám đốc ban hành một số quy định nội bộ còn thiếu hoặc chưa kịp thời; hiệu quả kiểm soát các chốt kiểm soát trong các quy trình, nghiệp vụ chưa cao; chỉ đạo rà soát, đánh giá nguyên nhân dẫn đến nợ xấu chưa đầy đủ, chưa làm rõ trách nhiệm của các bộ phận, cá nhân trong việc để xảy ra nợ xấu,
Chưa kịp thời phát hiện những vi phạm, tồn tại trong công tác cấp tín dụng để xác định nguyên nhân, kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền; chưa đánh giá nguyên nhân dẫn đến nợ xấu và trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan.
Số lượng nhân sự Kiểm toán nội bộ chưa đủ để đáp ứng khối lượng và yêu cầu công việc; hoạt động kiểm toán, kiểm tra, giám sát đối với các nội dung liên quan đến công nghệ thông tin còn hạn chế.
Các phương pháp và công cụ nhận diện, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro còn giản đơn, đang trong quá trình nghiên cứu phát triển.

Ảnh: PGBank
Về hoạt động cấp tín dụng, qua thanh tra chọn mẫu khách hàng, còn một số trường hợp thực hiện chưa đầy đủ quy định của pháp luật, của NHNN và quy định nội bộ của PGBank về điều kiện vay vốn; thẩm định và xét duyệt cho vay; về kiểm tra, giám sát vốn vay; về tài sản đảm bảo; về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro; về cấp bảo lãnh, ủy thác phát hành thư tín dụng....
Về việc chấp hành các quy định của pháp luật về tỷ lệ sở hữu cổ phần, mua bản chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu của cổ đông tại PGBank, kết quả thanh tra cho thấy ngân hàng không có cổ đông là cá nhân sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ theo quy định; chưa phát hiện trường hợp cổ đông và người có liên quan theo quy định của pháp luật vượt tỷ lệ quy định.
Thanh tra NHNN đã phối hợp với các Bộ, ban, ngành có liên quan để làm rõ các thông tin về việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần của 15 cổ đông có tỷ lệ sở hữu trên 0,1% vốn điều lệ của PGBank trong thời kỳ thanh tra.
Trong năm 2023, PGBank chưa đạt 100% kế hoạch thu hồi nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro. Hoạt động xử lý, thu hồi nợ xấu tại PGBank đối với một số khách hàng còn một số tồn tại như: cơ cấu thời hạn khoản vay chưa đầy đủ quy định pháp luật; chưa thực hiện việc kiểm tra, đánh giá lại tình hình tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng kịp thời để có hướng xử lý, thu hồi nợ...
Chuyển một số nội dung liên quan mua, nhận chuyển nhượng cổ phần PGBank sang cơ quan chức năng
Tại kết luận, cơ quan thanh tra nêu rõ, nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, vi phạm nêu trên là do công tác quản trị, điều hành, kiểm tra, kiểm soát của HĐQT, Ban điều hành, hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ, còn xảy ra một số tồn tại nêu tại Kết luận thanh tra; Một số cá nhân và bộ phận nghiệp vụ tại các đơn vị/chi nhánh PGBank chưa nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật, của NHNN và quy định nội bộ của PGBank.
Bên cạnh đó, một số khách hàng vay vốn không tuân thủ và thực hiện đúng các quy định của pháp luật và của NHNN trong quan hệ vay vốn với ngân hàng.
HĐQT, Ban Kiểm soát, Ban Điều hành PGBank (qua từng thời kỳ) chịu trách nhiệm chung về quản trị, điều hành, kiểm tra, kiểm soát còn đề xảy ra các vi phạm, tồn tại đã nêu.
Lãnh đạo các đơn vị, phòng ban, Chi nhánh PGBank (qua từng thời kỳ) chịu trách nhiệm chung về quản lý, điều hành để xảy ra những vi phạm, tồn tại thuộc phạm vì quản lý.
Các cá nhân có liên quan trực tiếp đến các tồn tại, sai sót đã nêu tại Kết luận thanh tra chịu trách nhiệm trong việc tham mưu, quyết định, theo dõi, quản lý, kiểm tra liên quan đến từng trường hợp vi phạm, tồn tại.
Chánh Thanh tra NHNN đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng đối với PGBank về 3 hành vi: không ban hành một hoặc một số quy định nội bộ theo quy định của pháp luật; Lập hợp đồng ủy thác không đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật; Không thành lập Hội đồng mua, bán nợ theo quy định của pháp luật.
Tổng số tiền phải nộp là 370 triệu đồng, PGBank đã thực hiện nộp phạt và khắc phục các hành vi vi phạm theo quy định.
Quá trình thanh tra tỷ lệ sở hữu cổ phần, mua bán chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu của cổ đông tại PGBank, Thanh tra NHNN đã tổng hợp được một số nội dung liên quan đến việc mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của 15 cổ đông có tỷ lệ sở hữu trên 0,1% vốn điều lệ của PGBank và chuyển thông tin sang cơ quan chức năng để xem xét theo quy định.
Căn cứ kết quả thanh tra, Thanh tra NHNN kiến nghị và khuyến nghị đối với PGBank nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác quản trị, điều hành, kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo an toàn hoạt động của PGBank; đồng thời chỉ đạo các tập thể, cá nhân rà soát, xác định rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế được nêu tại phần kết quả thanh tra; tổ chức kiểm điểm, xác định, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến các tồn tại, vi phạm được nêu.
HĐQT, Tổng Giám đốc chỉ đạo các bộ phận, Khối, Phòng, Ban, Trung tâm, Chi nhánh xây dựng kế hoạch (lộ trình cụ thể) khắc phục chỉnh sửa các tồn tại sai phạm theo thời hạn tại từng kiến nghị.
Giao bộ phận đầu mối theo dõi, đôn đốc, kiểm soát và giám sát chặt chẽ đổi với việc khắc phục, chỉnh sửa các vi phạm và các nội dung cảnh báo rủi ro, khuyến nghị; kịp thời áp dụng những biện pháp xử lý phù hợp quy định của pháp luật và thực tế từng khách hàng nhằm đảm bảo an toàn vốn cho ngân hàng. Trong trường hợp để xảy ra rủi ro mất vốn phải thực hiện các biện pháp xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan theo đúng quy định của pháp luật.
Chỉ đạo về việc thu hồi nợ và khắc phục hậu quả đối với các khoản cho vay các khách hàng được thanh tra, huy động tối đa mọi nguồn thu từ xử lý tài sản đảm bảo, nguồn thu khác (nếu có) của khách hàng để thu hồi nợ; áp dụng mọi biện pháp xử lý nợ theo quy định pháp luật và quy định nội bộ.
Ngoài ra, còn có một số nhóm kiến nghị cụ thể liên quan đến các nội dung thanh tra.