IMF thúc giục các quốc gia đóng góp chống biến đổi khí hậu
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo: 'Nếu chúng ta không làm gì để tăng tài trợ thì vào năm 2030, 66% khí thải CO2 sẽ đến từ các nước đang phát triển'.
Ngày 13/12/2022, bà Kristalina Georgieva - Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết các nước đã cam kết đóng góp khoảng 40 tỷ USD cho quỹ mới lập nhằm giúp các nước có thu nhập thấp ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu, song con số này vẫn thấp so với nhu cầu.
Theo đó, một số nước phát triển đã có được thỏa thuận cho vay từ Quỹ tín thác Khả năng phục hồi và bền vững (RST), nhưng các lãnh đạo thế giới cho rằng cần làm nhiều hơn nữa để giúp các nước bị tổn thất vì biến đổi khí hậu.
Trả lời phỏng vấn báo giới bên lề một cuộc họp ủy ban của IMF về RST, bà Georgieva cảnh báo: “Nếu chúng ta không làm gì để tăng tài trợ thì vào năm 2030, 66% khí thải CO2 sẽ đến từ các nước đang phát triển”.
Bà Georgieva cũng nhấn mạnh: “Nếu chúng ta muốn thành công trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, cần đưa tiền đến nơi sẽ tạo ra sự khác biệt”.
Cho đến nay, ba quốc gia đã đạt thỏa thuận vay từ RST là Costa Rica, Barbados và Rwanda, trong khi một thỏa thuận của Bangladesh sắp được phê chuẩn.
Bà Georgieva chia sẻ: “Lợi ích là rất lớn đối với cả nước có thu nhập thấp và nước có thu nhập trung bình nhưng dễ bị tổn thương, đặc biệt là các quốc đảo nhỏ”. Bà cũng nói thêm rằng IMF mong muốn có thêm nhiều quốc gia cam kết tài trợ.
Tại cuộc họp ủy ban nói trên ở Washington (Mỹ), Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các chuỗi cung ứng trong việc tạo khả năng chống chịu tốt cho các quốc gia đang phát triển.
Theo bà Okonjo-Iweala, các chuỗi cung ứng một số sản phẩm đang bị tập trung cao vào một số nơi. Cụ thể là 80% các loại vaccine được xuất khẩu chỉ từ 10 quốc gia, và tình trạng tương tự cũng xảy ra với các sản phẩm như tấm pin quang điện và chip bán dẫn.