Indonesia bất ngờ tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 7 năm
Ngày 24/4, Ngân hàng trung ương Indonesia (Bank Indonesia) đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 7 năm.
Giới chuyên gia kinh tế đã dự đoán Bank Indonesia sẽ giữ tỷ lệ mua lại nghịch đảo kỳ hạn 7 ngày ở mức 6% nhưng thay vào đó, ngân hàng này đã tăng 25 điểm cơ bản lên 6,25%, mức cao nhất kể từ năm 2016. Hai lãi suất chính khác cũng tăng 25 điểm cơ bản.
Phát biểu tại họp báo ngày 24/4, Thống đốc Perry Warjiyo cho biết: “Tăng lãi suất là nhằm tăng cường sự ổn định tỷ giá hối đoái của đồng rupiah trước nguy cơ rủi ro toàn cầu ngày càng tồi tệ”.
Kể từ khi thoát khỏi đại dịch COVID-19, Bank Indonesia và các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu đã thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm chống lạm phát tăng cao.
Giá cả tăng vọt một phần là do xung đột tại Ukraine, khiến giá năng lượng và lương thực trên toàn thế giới tăng cao, cũng như những khó khăn trong chuỗi cung ứng và các vấn đề kinh tế liên quan đến đại dịch COVID-19.
Thống đốc Perry cho biết động thái này là một “bước đi phủ đầu và hướng tới tương lai” để đảm bảo lạm phát nằm trong giới hạn mục tiêu 1,5-3,5%. Hiện tại lạm phát đang là 3,05%. Ông Perry cho biết đồng rupiah đã suy yếu hơn 5% kể từ đầu năm, bất chấp một loạt các biện pháp can thiệp để hỗ trợ.
Các chuyên gia kinh tế dự báo nếu đồng rupiah tiếp tục “trượt dốc”, Bank Indonesia có thể sẽ thắt chặt tiền tệ hơn nữa.