Indonesia cập nhật luật Omnibus và các quy định với ngành dầu khí
Chính phủ Indonesia đã ban hành quy định mới về đầu tư, bao gồm lĩnh vực dầu khí, trong đó có việc loại bỏ một số hạn chế đối với đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy đầu tư vào nền kinh tế.
Quy định mới này nằm trong hàng chục quy định được ban hành hồi tháng 2 nhằm hướng dẫn thực hiện Luật Omnibus (đạo luật gồm nhiều nội dung) về tạo việc làm được Quốc hội thông qua vào năm ngoái.
Quy định này bãi bỏ danh sách cấm đầu tư nước ngoài, dù vẫn duy trì giới hạn đối với đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực.
Thay thế cho danh sách cũ là "danh sách ưu tiên đầu tư" với nhiều ưu đãi như trợ cấp thuế hoặc giảm thuế đối với các dự án đầu tư vào một số lĩnh vực như khí hóa than, thăm dò năng lượng địa nhiệt và chế biến các loại quặng như nickel và đồng.
Liên quan đến lĩnh vực dầu khí là Quy định số 5 của Chính phủ quy định việc thực hiện quy định quản lý rủi ro trong hoạt động cấp phép kinh doanh(GR5/2021), được ban hành vào ngày 2/2/2021. Quy định bao gồm các Phụ lục I và II liên quan cụ thể đến lĩnh vực năng lượng và tài nguyên khoáng sản (Phụ lục EMR).
Nhìn chung, GR 5/2021 cung cấp sự rõ ràng về một số điều khoản liên quan đến các yêu cầu cấp phép kinh doanh dầu khí mà Luật Omnibus trước đó chưa nêu rõ.
Theo GR 5/2021, Giấy phép Kinh doanh trong lĩnh vực dầu khí sẽ bao gồm các giấy phép liên quan đến khảo sát chung; kinh doanh dầu khí thượng nguồn; và kinh doanh dầu khí hạ nguồn. GR 5/2021 cũng đề cập đến các điều khoản hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu khí.
Một số quy định đáng chú ý trong GR 5/2021
Chính phủ Indonesia có thể xử phạt hành chính đối với người vi phạm một trong các nghĩa vụ trong Giấy phép kinh doanh hoặc không hoàn thành các nghĩa vụ và các yêu cầu được quy định trong luật.
GR 5/2021 không cung cấp chi tiết về các hình thức xử phạt hành chính. Tuy nhiên, Quy định số 29 năm 2017 của Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản (MEMR), được sửa đổi bởi Quy định số 52 năm 2018 của MEMR về cấp phép hoạt động kinh doanh dầu và khí tự nhiên, đã liệt kê các hình thức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm một số nghĩa vụ liên quan đến công việc khảo sát, bao gồm: Cảnh cáo bằng văn bản; Tạm ngừng hoạt động; hay Thu hồi giấy phép.
Kinh doanh thượng nguồn
Luật Omnibus yêu cầu các tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực này phải có Mã số nhận dạng doanh nghiệp và Giấy phép kinh doanh từ Chính phủ Indonesia trước khi tiến hành các hoạt động kinh doanh.
Giấy phép Kinh doanh được định nghĩa rất chung trong Luật Omnibus là được cấp hợp pháp cho một thực thể kinh doanh để bắt đầu và thực hiện hoạt động kinh doanh. Về vấn đề này, theo Phụ lục EMR GR 5/2021, các hoạt động kinh doanh dầu khí thượng nguồn được coi là một lĩnh vực kinh doanh có rủi ro cao.
GR 5/2021 nêu rõ rằng, Giấy phép Kinh doanh cho các hoạt động dầu khí thượng nguồn là dưới dạng Hợp đồng Phân chia sản phẩm (PSC) và Số đăng ký kinh doanh (NIB), và việc thực hiện Giấy phép Kinh doanh sẽ không làm mất hiệu lực của bất kỳ điều khoản nào của Hợp đồng PSC.
GR 5/2021 có điều khoản chuyển đổi chung quy định rằng các điều khoản về việc thực hiện cấp phép kinh doanh dựa trên rủi ro theo quy định này không áp dụng cho các tổ chức kinh doanh có Giấy phép kinh doanh đã được phê duyệt và có hiệu lực trước khi GR 5/2021 được ban hành.
Điều khoản này dường như không từ bỏ yêu cầu đối với các nhà thầu PSC hiện tại phải có NIB trước khi GR 5/2021 có hiệu lực.
Luật Omnibus cũng quy định rằng bất kỳ người nào tiến hành các hoạt động thăm dò và khai thác mà không có "Giấy phép Kinh doanh hoặc PSC" sẽ bị phạt tù tối đa 6 năm và phạt tiền tối đa là 60 tỷ Rupiah.
Kinh doanh hạ nguồn
Sự rõ ràng về các biện pháp trừng phạt Theo Luật Omnibus, một công ty thực hiện bất kỳ hoạt động kinh doanh hạ nguồn nào mà không có Giấy phép Kinh doanh sẽ bị xử phạt hành chính dưới hình thức chấm dứt kinh doanh, phạt tiền hoặc các biện pháp cưỡng chế bởi Chính phủ Trung ương.
GR 5/2021 làm rõ rằng hình thức cưỡng chế được thực hiện dưới các hình thức như: Tháo dỡ cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất; Tịch thu hàng hóa, công cụ có nguy cơ gây vi phạm; hoặc các hành động khác nhằm ngăn chặn các vi phạm.
GR 5/2021 cũng quy định rằng các biện pháp trừng phạt nêu trên sẽ được áp dụng cho đến khi Giấy phép Kinh doanh được cấp.
Ngoài ra, theo Luật Omnibus và GR 5/2021, Chính phủ Trung ương có thể xử phạt hành chính đối với người có Giấy phép kinh doanh cho các hoạt động kinh doanh dầu khí hạ nguồn nếu vi phạm một trong các nghĩa vụ trong Giấy phép kinh doanh hoặc không hoàn thành các nghĩa vụ, yêu cầu được quy định trong luật. Các biện pháp xử phạt hành chính như vậy không được quy định rõ ràng trong Luật Omnibus và GR 5/2021 nêu rõ rằng các hình thức xử phạt hành chính sẽ ở các hình thức: Cảnh báo bằng văn bản; Tạm ngừng hoạt động; và Thu hồi Giấy phép kinh doanh.