Indonesia 'đau đầu' với nạn tảo hôn giữa lúc kinh tế bất ổn

Indonesia là một trong những nước có tỷ lệ tảo hôn cao nhất thế giới. Thực tế này đang gây ra nhiều lo ngại đối với tương lai của trẻ em gái tại đất nước vạn đảo như trở thành nạn nhân của bạo hành gia đình.

Azizah Atika kết hôn cách đây hai năm khi chỉ mới vừa tròn 16 tuổi, vẫn còn là một học sinh trung học. Cuộc sống của thiếu nữ này đã thay đổi hoàn toàn kể từ khi phát hiện ra mình mang bầu khi còn đi học. Tình huống này khiến Atika không còn lựa chọn nào khác ngoài việc kết hôn, do sự kỳ thị liên quan tới vấn đề phá thai ở Indonesia.

“Tôi không có lựa chọn nào khác. Nếu được quyết định, tôi sẽ tập trung vào bản thân, việc học hành và vui chơi với bạn bè, nhưng tôi không thể. Bây giờ tôi phải nghĩ đến con mình. Nay tôi có những ưu tiên khác”, Atika chia sẻ.

Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters

Kết hôn ở tuổi vị thành niên, chưa nhận được sự giáo dục đầy đủ, thiếu kinh nghiệm sống khiến cuộc sống của nhiều phụ nữ tảo hôn triền miên trong cảnh nghèo đói.

Câu chuyện của Atika có lẽ không phải là duy nhất. Putri Maulani, một cô gái Indonesia khác, cũng phải bỏ học ở tuổi 16 để kết hôn.

“Ước mơ của tôi lúc đó là xây dựng sự nghiệp cho bản thân, nhưng bạn trai tôi muốn tôi kết hôn. Anh ấy nói rằng chúng tôi đã sẵn sàng, vì vậy việc học của tôi lại lùi lại một bước”, Maulani kể.

Dẫu vậy Maulani sau đó nhận ra rằng, mọi trẻ em đều xứng đáng được trao cơ hội được giáo dục, được khám phá cũng như theo đuổi các mục tiêu của bản thân.

Năm 2019, chính phủ Indonesia đã sửa đổi Luật Hôn nhân, nâng độ tuổi kết hôn tối thiểu lên 19 tuổi ở cả hai giới. Tuy nhiên, chính sách này chưa kịp giúp nhiều trẻ em gái thoát khỏi cảnh tảo hôn thì đại dịch Covid-19 ập tới.

Những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch đối với xã hội như hoạt động sản xuất giảm khiến tỷ lệ thất nghiệp cao, nhiều gia đình không thể xoay xở duy trì cuộc sống nên quyết định cho con gái còn ở tuổi vị thành niên đi lấy chồng.

Abby Gina Moang, chuyên gia nghiên cứu về giới của Tạp chí Phụ nữ Indonesia cho biết, nghèo đói, quan niệm về danh dự gia đình, các tiêu chuẩn xã hội, phong tục và luật tôn giáo là những yếu tố đẩy nhiều bé gái vào tình cảnh tảo hôn.

“Tảo hôn chủ yếu là do nghèo đói. Ở nhiều khu vực thành thị và ngoại ô, làng mạc, đây là lý do chính. Đôi khi mục đích là để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình cô dâu, không ít người cho rằng việc kết hôn sẽ mở ra cuộc sống mới. Một khía cạnh khác nữa, một phần là do thiếu giáo dục giới tính trong trường học. Chính phủ nên giáo dục cho những người trẻ tuổi về nguy cơ của hành vi tình dục trước hôn nhân”, chuyên gia Gina Moang nói.

Nhiều chính phủ, trong đó có Indonesia đang được kêu gọi cung cấp các chương trình hỗ trợ cho trẻ em gái, bao gồm tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khỏe và đào tạo việc làm nhằm chống lại nạn tảo hôn. Dù luật pháp và các chính sách là rất cần thiết trong việc ngăn chặn nạn tảo hôn, song mỗi cá nhân, mỗi gia đình và mỗi cộng đồng trước tiên cũng rất cần thay đổi quan điểm về việc chấp nhận hôn nhân ở trẻ em.

Phương Anh/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/cuoc-song-do-day/indonesia-dau-dau-voi-nan-tao-hon-giua-luc-kinh-te-bat-on-post1112867.vov