Indonesia đứng thứ hai thế giới về ca mắc mới, đứng đầu về ca tử vong
Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 362.000 ca bệnh Covid-19 và trên 6.000 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã là trên 187,6 triệu ca, trong đó trên 4,04 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (37.676 ca), Indonesia (36.179 ca) và Anh (31.772 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Indonesia (1.007 ca), Nga (749 ca) và Ấn Độ (720 ca).
Như vậy, số ca mắc mới ở Indonesia trong 24 giờ qua cao thứ hai thế giới, chỉ kém Ấn Độ một chút. Trong khi đó, số ca tử vong mới ở nước này cao nhất thế giới. Trong những ngày gần đây, số ca mắc mới ở Indonesia ở mức cao đáng lo ngại. Các quan chức lo rằng số ca mắc hàng ngày ở Indonesia có thể lên tới 70.000.
Tính từ đầu dịch đến nay, Indonesia đã ghi nhận nâng tổng số ca nhiễm lên 2.527.203 ca và 66.464 người tử vong.
Thủ đô Jakarta (Indonesia) ghi nhận số ca mới trong ngày cao nhất từ đầu dịch
Báo cáo của Lực lượng đặc nhiệm xử lý Covid-19 Indonesia ngày 11/7 cho biết thủ đô Jakarta đã ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 trong ngày cao kỷ lục với 13.133 ca và 54 người tử vong. Tính từ tháng 3/2020 đến nay, Jakarta ghi nhận 662.442 ca mắc Covid-19 và 9.403 người tử vong.
Tính toàn quốc, số ca nhiễm trong ngày 11/7 của Indonesia là 36.197 ca và 1.007 người tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên 2.527.203 ca và 66.464 người tử vong.
Chuyên gia cảnh báo số ca mắc thực tế ở Malaysia có thể gấp 4-5 lần
Số ca mắc Covid-19 mới ở Malaysia tăng mạnh trong thời gian gần đây và đã lập những mốc mới, nhưng nguyên Phó Tổng Thư ký Bộ Y tế nước này Lockman Hakim dự tính con số thực tế có thể cao ít nhất gấp 4-5 lần con số công bố.
Ngày 11/7, Malaysia ghi nhận 9.105 ca mắc mới Covid-19, mức cao thứ 2 kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này và là ngày thứ 3 liên tiếp, số ca mắc mới trong ngày trên mức 9.000 ca. Phó Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết nguyên nhân số ca mắc mới Covid-19 gần đây gia tăng mạnh là do nước này tiến hành xét nghiệm Covid-19 quy mô lớn, có mục tiêu tại đại đa số khu vực đang thực hiện Lệnh Hạn chế di chuyển tăng cường (EMCO) thuộc bang Selangor và lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur.
Ông Hakim cho rằng cùng với việc số ca mắc mới Covid-19 ở Selangor và Kuala Lumpur tăng mạnh, hiện đã không còn thích hợp cho việc xét nghiệm quy mô lớn để xác định những người có nguy cơ cao. Ưu tiên hàng đầu bây giờ phải hướng tới việc cứu sống những người đã và sẽ bị mắc bệnh.
Theo chuyên gia này, do trước đây Malaysia chưa tiến hành xét nghiệm Covid-19 quy mô lớn, cho nên, số ca mắc mới Covid-19 hàng ngày trên thực tế lớn hơn so với con số Bộ Y tế công bố. Do đó, lưu vực sông Klang (gồm Selangor, Kuala Lumpur và một phần Seremban) cần phải có hành động kiên quyết, tập trung hơn nữa.
Thái Lan lập bệnh viện dã chiến tại các sân bay ở Bangkok
Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Saksayam Chidchob ngày 11/7 cho biết những khu vực không sử dụng tại 2 sân bay quốc tế Suvarnabhumi và Don Mueang ở vùng đô thị Bangkok sẽ được dùng để lập các bệnh viện dã chiến với sức chứa 7.000 giường bệnh nhằm đối phó với việc một số lượng lớn bệnh nhân đang chờ điều trị do tình hình Covid-19 phức tạp hiện nay.
Theo ông Saksayam, trong giai đoạn đầu tiên, bệnh viện dã chiến tại sân bay Suvarnabhumi sẽ có diện tích khoảng 100.000m2 với ít nhất 5.000 giường bệnh cùng các phòng chăm sóc tích cực (ICU). Bệnh viện này dự kiến sẽ hoạt động vào khoảng tháng 8, đúng vào thời điểm Bệnh viện Bussarakham Impact Muang Thong Thani hết hạn thuê diện tích sử dụng. Ngoài ra, Sân bay Don Mueang cũng đang trong quá trình thành lập một bệnh viện dã chiến với công suất 2.000 giường dành cho các bệnh nhân nhẹ.
Thái Lan ngày 11/7 ghi nhận 9.539 ca mắc với Covid-19 cùng 86 ca tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 336.371 ca, trong đó có 2.711 người không qua khỏi. Thủ đô Bangkok tiếp tục là địa phương có nhiều ca nhiễm mới nhất, với 2.741 ca được ghi nhận trong 24 giờ qua.
Lào tăng cường các biện pháp phòng chống dịch
Bộ Y tế Lào ngày 11/7 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 89 ca mắc Covid-19 mới, gồm 86 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại tỉnh Viêng Chăn và tỉnh Luang Namtha.
Theo Bộ Y tế Lào, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhất là làn sóng lây nhiễm thứ 2 từ giữa tháng 4 vừa qua, lượng lao động Lào ở Thái Lan trở về nước tăng cao, tạo áp lực trong việc tiếp nhận và phân bổ cách ly. Điều này đã khiến cho một số tỉnh biên giới, trong đó có tỉnh Champasak bị quá tải lượng bệnh nhân mắc Covid-19.
Trước tình hình trên, Chính phủ Lào tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động xuất nhập cảnh nhằm ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép; tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tại các khu cách ly, đặc biệt là tại các địa điểm tiếp nhận lao động Lào về nước.
Bộ Y tế Lào kêu gọi người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch, đồng thời cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng đối với các trường hợp nhập cảnh trái phép để có biện pháp xử lý kịp thời. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 2.719 ca mắc Covid-19 và 3 ca tử vong.
Nhật Bản bắt đầu tiếp nhận đơn xin cấp hộ chiếu vaccine từ cuối tháng 7
Ngày 11/7, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato tuyên bố nước này sẽ bắt đầu tiếp nhận đơn xin cấp hộ chiếu vaccine từ ngày 26/7 tới để những người đã được tiêm đầy đủ vaccine phòng Covid-19 được di chuyển quốc tế.
Phát biểu trên đài truyền hình NHK, ông Kato cho biết chính phủ cũng sẽ cân nhắc liệu có sử dụng chứng nhận này cho các hoạt động kinh tế trong nước hay không, để đáp lại lời kêu gọi của giới doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông khẳng định: "chúng ta không bao giờ nên để người dân bị phân biệt đối xử hoặc ép buộc một cách bất công, dù cho họ đã được tiêm vaccine hay chưa".
Chứng nhận tiêm chủng vaccine sẽ là hồ sơ chính thức do chính quyền các thành phố cấp để xác nhận một người đã được tiêm đầy đủ vaccine phòng Covid-19, với các thông tin như tên, số hộ chiếu và ngày tiêm chủng. Tháng trước, ông Kato cho hay chứng nhận tiêm chủng sẽ được cấp vào cuối tháng 7, ban đầu được in ra giấy, còn phiên bản số sẽ được xem xét sau.
Theo các nguồn tin chính phủ, Nhật Bản đang nỗ lực đạt thỏa thuận để hộ chiếu vaccine ngừa Covid-19 của nước này được hơn 10 nước chấp nhận, trong đó có Italy, Pháp và Hy Lạp. Theo đó, những người được cấp hộ chiếu sẽ được miễn hoặc giảm thời gian cách ly khi đi từ Nhật Bản đến các quốc gia đó.
Theo Thùy Dương/Báo Tin tức