Indonesia giải ngân vốn đầu tư cao kỷ lục trong quý I

Tổng vốn đầu tư thực hiện của Indonesia đã đạt 282.400 tỷ rupiah (19,49 tỷ USD) trong quý I/2022, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất trong 10 năm qua.

Một tuyến phố ở thủ đô Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Một tuyến phố ở thủ đô Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Hãng thông tấn chính thức Antara dẫn nguồn từ Bộ Đầu tư Indonesia cho biết số vốn đầu tư giải ngân nói trên cũng tăng 16,9% so với mức 241.600 tỷ rupiah (16,68 tỷ USD) trong quý IV/2021.

Theo Bộ trưởng Đầu tư Bahlil Lahadalia, kết quả trên cho thấy chính phủ đã có những nỗ lực đúng đắn trong việc xây dựng các chính sách đầu tư, qua đó khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào Indonesia.

Thống kê của Bộ Đầu tư cho thấy số vốn giải ngân từ các dự án đầu tư đầu tư nước ngoài đã đạt 147.200 tỷ rupiah (10,16 tỷ USD) trong ba tháng đầu năm nay, tăng 31,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong khi đó, số vốn giải ngân từ các dự án đầu tư trong nước đạt 135.200 tỷ rupiah (9,33 tỷ USD), tăng 25,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng cộng, tổng vốn đầu tư giải ngân trong quý I/2022 đã đạt 23,5% so với mục tiêu 1,2 triệu tỷ rupiah (82,8 tỷ USD) do Tổng thống Joko Widodo đặt ra.

Bộ trưởng Bahlil nhấn mạnh: “Các nhà đầu tư đang bắt đầu tin tưởng vào sự ổn định của các chính sách của chính phủ. Việc hiện thực hóa các dự án đầu tư chất lượng phù hợp với kỳ vọng”.

Theo ông Bahlil, vốn đầu tư thực hiện trong quý I chủ yếu tập trung tại các tỉnh và thành phố gồm Jakarta, Tây Java, Quần đảo Riau, Đông Java, và Trung Sulawesi. Phần lớn số vốn giải ngân tập trung trong các lĩnh vực sản xuất và chế biến kim loại, hàng hóa phi máy móc và thiết bị; vận tải; kho bãi và viễn thông; khai khoáng; nhà ở; khu công nghiệp và văn phòng; điện, nước và khí đốt.

Bộ trưởng Bahlil lưu ý rằng sản xuất và chế biến kim loại, hàng hóa phi máy móc và thiết bị đã trở thành lĩnh vực thu hút đầu tư chính của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á kể từ năm 2021.

Bộ trưởng Bahlil cho hay chương trình phát triển các ngành công nghiệp chế biến hạ nguồn của Chính phủ Indonesia đã “thực sự hoạt động” và sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự can thiệp của các quốc gia khác.

Ông Bahlil nhấn mạnh: “Indonesia đang đối mặt với vụ kiện của Liên minh châu Âu liên quan đến lệnh cấm xuất khẩu quặng nickel". Ông Bahlil đánh giá rằng lệnh cấm xuất khẩu dầu ăn và nguyên liệu dầu ăn mới đây sẽ không ảnh hưởng đến tình hình thu hút vốn đầu tư./.

Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Jakarta)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/indonesia-giai-ngan-von-dau-tu-cao-ky-luc-trong-quy-i/242933.html