Indonesia giảm lệ thuộc vào than đá như thế nào?

Chưa đầy một năm sau khi vay được 20 tỷ USD nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào than, Indonesia đã gặp khó khăn trong công cuộc đạt được mục tiêu này.

Tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali ngày 15/11/2022 vừa qua, trong khuôn khổ chương trình Tuyên bố Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (Tuyên bố JETP), quần đảo này đã nhận được 20 tỷ USD tiền tài trợ từ những quỹ công và quỹ tư nhằm hạn chế phát thải trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2030 và giảm mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Nam Phi đã bắt đầu thực hiện chương trình này kể từ năm 2021, còn Indonesia và Việt Nam thì bắt đầu từ năm 2022, và Senegal sẽ bắt đầu vào năm sau. Theo khuôn khổ chương trình do G20 đề ra, các nước giàu sẽ cam kết tài trợ cho quá trình chuyển dịch năng lượng của các nước đang phát triển.

Indonesia là quốc gia sở hữu một lượng nhà máy nhiệt điện than khổng lồ kiêm một trong những nước gây ô nhiễm nhiều nhất trên thế giới. Do đó, thỏa thuận này sẽ cho phép Indonesia từ bỏ nguồn năng lượng hóa thạch đầy ô nhiễm này. Nhưng từ khi đưa ra thông báo, Indonesia trải qua một quá trình vô cùng khó khăn.

Vào tháng 8, Jakarta đã hoãn lại quyết định công bố lộ trình JETP của họ, do vấp phải những vấn đề trong việc tính toán lượng khí phát thải. JETP dành cho Indonesia giả định rằng ngành điện, vốn đang trên đà phát thải 357 triệu tấn CO2 vào năm 2030, sẽ cố gắng hạn chế lượng khí thải sao cho không vượt quá 290 triệu tấn.

Tuy nhiên, những số liệu này không tính đến trường hợp nhà máy nhiệt điện than mới, được xây dựng nhằm cung cấp điện năng cho hoạt động sản xuất của các nhà máy thay vì cho mạng lưới điện. Ông Fabby Tumiwa - Tổng giám đốc Viện Cải cách Dịch vụ Thiết yếu (IESR), một tổ chức tư vấn năng lượng của Indonesia, tỏ ra đầy chất vấn: “Liệu ta vẫn sẽ đạt được mục tiêu 290 triệu tấn chứ? Và liệu 20 tỷ USD có đủ để đạt được mục tiêu này không?”

Khi được AFP liên hệ, Ban thư ký JETP không trả lời bình luận.

Jakarta cũng được cho là không hài lòng khi phải đồng tài trợ cho thỏa thuận này, vì họ lo ngại rằng khoản vay đi kèm mức lãi suất như trên thị trường, khiến nước này rơi vào cảnh nợ nần. Bà Anissa Suharsono – Chuyên gia tại Viện Phát triển Bền vững Quốc tế cho biết: “Indonesia đang hy vọng sẽ nhận được phần viện cấp lớn hơn”.

Trước đó, Bloomberg đưa thông tin rằng Indonesia có khả năng chỉ nhận được khoản trợ cấp 289 triệu USD, một nửa trong số đó là hỗ trợ kỹ thuật. Vế việc này, bà Anissa Suharsono nói: "Theo quan điểm của tôi, đó là một hành động gây sốc. Nếu đây là một quỹ khí hậu nhằm khuyến khích một quốc gia đang phát triển đẩy nhanh quá trình chuyển dịch, thì đó không phải là cách tiến hành đúng đắn".

Theo ông Tumiwa, ước tính chi phí để đạt được các mục tiêu lên đến hơn 100 tỷ USD. Hơn nữa, Indonesia, quốc gia sản xuất hơn 60% điện năng từ than nhiệt, sở hữu nhiều nhà máy nhiệt điện than hơn cả Nam Phi, và các nhà máy vẫn còn rất mới. Như vậy, quá trình đóng cửa nhà máy sẽ trở nên tốn kém hơn.

Năng lượng mặt trời và gió, dù có tính riêng, thì vẫn chiếm chưa đến 1% trong cơ cấu năng lượng hiện nay của Indonesia. Lưới điện cũng phải cần được nâng cấp để đáp ứng tính chất không liên tục của năng lượng tái tạo. Thế nhưng, nhu cầu tài trợ cho những cải tiến này có nguy cơ không thu hút được nguồn lực trợ giúp, vì theo PLN – công ty điện độc quyền của nhà nước Indonesia: “Ai sẽ đầu tư vào mạng lưới thuộc sở hữu của nước khác?"

Theo IESR, các chuyên gia cũng tin rằng quần đảo này phải chuẩn bị cho những hệ quả kinh tế đến từ việc từ bỏ than đá. Hiện nay, ngành nhiệt điện than có khoảng 250.000 người lao động.

Ông Rezky Khairun Zain - Nhà phân tích khí hậu và năng lượng tại Viện Tài nguyên Thế giới ở Indonesia, cho biết: “Các khu vực khai thác than như Kalimantan và Nam Sumatra phụ thuộc rất nhiều vào doanh thu từ khai thác than và các hoạt động kinh tế tạo ra từ việc đó. Chính phủ phải đưa ra những phương tiện kiếm sống khác cho người lao động, cũng như cho cả chính quyền (địa phương)”.

Bất chấp mọi thách thức nằm ở phía trước, ông Tumiwa vẫn tin rằng JETP là lựa chọn tốt nhất. Ông chia sẻ: "Không có gì là hoàn hảo. Kinh phí vẫn chưa đủ và cộng việc đàm phán vẫn còn gặp khó khăn. Nhưng chúng ta phải tiến về phía trước, ít nhất là để chứng minh rằng chương trình này hoạt động được và có thể đóng vai trò làm hình mẫu”.

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/indonesia-giam-le-thuoc-vao-than-da-nhu-the-nao-695476.html