Indonesia hỗ trợ tiền mặt cho người dân

Chính phủ Indonesia sẽ hỗ trợ cho người dân bằng ngân sách với số tiền 110.000 tỷ rupiah (gần 8 tỷ USD). Số tiền này sẽ hỗ trợ cho tất cả người dân ở 34 tỉnh, thành phố.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã trực tiếp khởi động chương trình hỗ trợ tiền mặt cho người dân trên toàn quốc trong năm 2021.

Chính phủ Indonesia hy vọng sự hỗ trợ này có thể giúp giảm bớt khó khăn cho các gia đình bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 và có thể là động lực thúc đẩy nền kinh tế quốc gia thông qua tăng cường sức mua của người dân.

Ông Widodo cũng khuyên người dân nên sử dụng hợp lý số tiền viện trợ. Ông lưu ý, đối với những người dân mua hàng tạp hóa, nên mua nhu yếu phẩm cơ bản để giảm gánh nặng cho gia đình trong đại dịch COVID-19, ưu tiên đáp ứng nhu cầu cơ bản, không sử dụng tiền để mua thuốc lá.

Theo bà Tri Rismaharini, Bộ trưởng Bộ Xã hội Indonesia, hỗ trợ này được cung cấp theo 4 giai đoạn trong một năm, vào các tháng Một, tháng Tư, tháng Bảy và tháng Mười thông qua chuyển khoản tại các ngân hàng. Còn Chương trình lương thực sẽ hỗ trợ cả thực phẩm và tiền mặt cho 18,8 triệu gia đình với tổng ngân sách là 45.120 tỷ rupiah. Người thụ hưởng sẽ nhận được 200.000 rupiah và sẽ được phân phối từ tháng 1-12/2021 thông qua tài khoản tại các ngân hàng.

Trước đó, bài phát biểu chào năm mới, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh mặc dù đang phải đối mặc với dịch bệnh, song quốc gia vạn đảo đang bước vào năm 2021 với nhiều đổi mới mạnh mẽ hơn.

Tổng thống Indonesia cho biết, sự phục hồi kinh tế đã dần được cải thiện, cảm nhận trong quý 3 và quý 4 năm 2020. Các khoản đầu tư mới thúc đẩy nền kinh tế xã hội và công nghiệp trong tương lai đang bắt đầu xuất hiện. Từ đó cơ hội việc làm sẽ tăng lên và đời sống nhân dân cũng sẽ tốt hơn.

Ông cũng cho biết vào năm 2021, nếu không có trở ngại nào, Chính phủ Indonesia sẽ tổ chức tiêm chủng vaccine COVID-19 đại trà cho toàn dân. Indonesia đã bảo đảm nguồn cung cấp vaccine từ 4 nhà cung cấp Sinovac, Novavax, AstraZeneca và BioNTech-Pfizer. Tổng thống Indonesia cũng bảo đảm chính phủ sẽ tiếp tục các chương trình trợ cấp xã hội như thẻ lương thực cơ bản, chương trình Hy vọng gia đình, hỗ trợ tiền mặt, thẻ trước khi đi làm, quỹ làng cho đến giảm giá điện cho những người có nhu cầu. Năm 2021, Indonesia sẽ tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực như kế hoạch đã đặt ra. Tổng thống Joko Widodo cho biết, chính phủ đã giải ngân một khoản ngân sách lớn cho việc xây dựng các đập và mạng lưới thủy lợi, giao thông công cộng, đường sắt, sân bay và các tòa nhà trên khắp Indonesia.

Mức lạm phát thấp nhất trong lịch sử

Ngày 4/1, Cơ quan thống kê Indonesia (BPS) cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này chỉ tăng 0,45% trong tháng 12/2020 và 1,68% trong cả năm qua trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tàn phá nền kinh tế và khiến sức mua giảm sút.

BPS nhấn mạnh, đây là mức tăng CPI hàng năm thấp nhất trong lịch sử Indonesia và thấp hơn so với mục tiêu 2-4% do Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) đặt ra hồi đầu năm vừa qua.

Lạm phát lõi - không bao gồm thực phẩm và các loại hàng hóa do chính phủ kiểm soát - đã giảm trong 9 tháng liên tiếp tính đến tháng 12/2020 xuống còn 1,6%.

Đây là mức thấp chưa từng thấy kể từ khi BPS bắt đầu ghi nhận chỉ số này vào năm 2004, báo hiệu nhu cầu và sức mua suy yếu và được cho là sẽ làm chậm hoạt động sản xuất và kinh doanh, đồng thời gây rủi ro cho toàn bộ nền kinh tế.

Nhà kinh tế Wisnu Wardana của Ngân hàng Danamon đánh giá: “Lạm phát lõi giảm cho thấy nhu cầu vẫn yếu. Kỳ nghỉ lễ cuối năm 2020 đã không giúp đẩy lạm phát lõi tăng cao do chính phủ áp đặt các hạn chế để chống dịch chặt chẽ hơn trong dịp Giáng sinh và Năm mới”.

Chi tiêu hộ gia đình - vốn chiếm hơn 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia - thường tăng trong tháng cuối năm. Tuy nhiên, lạm phát lõi trong tháng 12 đã giảm xuống còn 0,05% từ mức 0,06% trong tháng 11 năm ngoái.

Theo dự báo kinh tế mới nhất từ Oxford Economics do Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) ủy nhiệm, tăng trưởng kinh tế của Indonesia dự kiến sẽ phục hồi trong năm 2021 sau khi nước này rơi vào cuộc suy thoái đầu tiên vào năm 2020 kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1998, nhưng đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục làm suy giảm các hoạt động kinh tế.

Theo đó, GDP của Indonesia được dự báo sẽ giảm 2,2% vào năm 2020 và phục hồi lên mức tăng trưởng 6% vào năm 2021 bởi sự gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

An Bình

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/indonesia-ho-tro-tien-mat-cho-nguoi-dan/418921.vgp