Indonesia hoãn thuế carbon đến tháng 7 để phục hồi kinh tế
Indonesia thông báo rời thời gian áp dụng thuế carbon từ tháng 4 sang tháng 7, nhằm phục hồi kinh tế của nước này trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt và tình hình địa chính trị bất ổn trên thế giới.
Từ tháng 10 năm ngoái, Indonesia, nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á đã bắt đầu áp mức thuế mới lên tới 30.000 Rupiah (2,09 USD) / tấn CO2e, đối với lượng khí thải do các nhà vận hành nhà máy điện than tạo ra vượt quá giới hạn quy định. Tuy nhiên, quốc gia này đang tạm thời ngừng áp thuế carbon cho đến tháng 7 năm nay.
Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani cho biết: "Lộ trình kế hoạch vẫn chưa được hoàn thành và chúng tôi vẫn đang chuẩn bị cho một số quy định để dự luật có thể được áp dụng vào giữa năm nay". Bà lưu ý rằng, chính phủ đang tìm kiếm sự cân bằng giữa việc thực hiện ra những cải cách và phục hồi nền kinh tế.
Nhà máy nhiệt điện than thuộc sở hữu của Indonesia Power ở Suralaya, tỉnh Banten, Indonesia. Indonesia là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ 8 trên thế giới. Ảnh: Reuters
Trong tuần trước, một quan chức của Văn phòng Chính sách Tài khóa của Bộ Tài chính nước này cho biết, việc trì hoãn áp thuế đã tính đến các diễn biến toàn cầu như lạm phát gia tăng hay xung đột quân sự Nga – Ukraine.
Indonesia, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ 8 trên thế giới, đã áp dụng thuế carbon như một phần trong nỗ lực loại bỏ dần dần nhiên liệu hóa thạch và đạt mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2060 hoặc sớm hơn. Loại thuế này cũng sẽ là tham chiếu cho thị trường carbon bắt đầu vào năm 2025.
Theo kế hoạch, thuế carbon của Indonesia sẽ được thử nghiệm trên 32 hoạt động công nghiệp, bao gồm ngành phát thải carbon như sản xuất bột giấy và giấy, xi măng và hóa dầu. Tuy nhiên, cơ cấu thuế của nước này vẫn chưa được hoàn thiện. Vào tháng 11 năm ngoái, Indonesia cũng đã thông qua một quy định khác định giá khí thải carbon và tạo cơ chế mua bán carbon. Các quy tắc kỹ thuật để thực hiện giao dịch carbon đang được cân nhắc.
Trả lời hãng tin Straits Times, nhà kinh tế Satria Sambijantoro tại công ty chứng khoán Bahana Sekuritas cho biết, Indonesia trì hoãn thực hiện thuế carbon là phù hợp với xu hướng toàn cầu hiện nay và sẽ có lợi cho sự phục hồi kinh tế của nước này.
Ông nói rằng: “Hiện nay, thế giới đang thiếu năng lượng nhiên liệu hóa thạch vì sự chuyển đổi sang năng lượng tái tạo diễn ra quá nhanh. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, xu hướng trên toàn thế giới là trì hoãn quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Các quốc gia tạm thời vẫn dựa vào năng lượng nhiên liệu hóa thạch để tạo điều kiện thúc nền kinh tế mở cửa trở lại”.
Ông Satria cũng cho rằng, việc Indonesia áp dụng thuế carbon trong năm nay là đúng lúc, đặc biệt trong bối cảnh quốc gia này đang giữ chức Chủ tịch Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20). Theo đó, dự tính doanh thu từ thuế carbon tiềm năng trong năm đầu tiên nếu Indonesia thực hiện được sẽ đạt từ 29-57 nghìn tỷ Rupiah (2,02-3,97 tỷ USD), với giả định mức thuế từ 5-10 USD/tấn CO2e.
Tuy nhiên, ông Fabby Tumiwa, Giám đốc điều hành tại Viện cải cách các dịch vụ thiết yếu Indonesia cho rằng một số quy định (bao gồm cả nghị định của Bộ Tài nguyên và Năng lượng nước này), phải được ban hành một cách hài hòa để dễ đang thực hiện thuế carbon, trong khi các cơ quan giám sát việc áp dụng thuế phải được chuẩn bị kỹ lượng.
"Việc đồng bộ tất cả các quy định để đảm bảo áp thuế có hiệu quả là điều không dễ dàng. Theo tôi, chúng ta nên trì hoãn. Thay vì vội vàng áp dụng, chúng ta nên chờ đến khi thuế carbon được các cơ quan bổ sung đầy đủ và không gây ra sự nhầm lẫn cho các bên liên quan, đặc biệt là bộ phận doanh nghiệp”, ông nói.