Indonesia kêu gọi các nước G20 chung tay tìm cách kết thúc xung đột Nga-Ukraine

Tại hội nghị bộ trưởng ngoại giao G20, Ngoại trưởng Indonesia - bà Retno Marsudi nhấn mạnh chủ nghĩa đa phương là cơ chế duy nhất để giải quyết các thách thức toàn cầu, như cuộc xung đột ở Ukraine.

Sáng 8-7, hội nghị bộ trưởng ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20 FMM) với chủ đề “Cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng hơn” chính thức khai mạc tại khu nghỉ dưỡng Bali của Indonesia.

Phát biểu khai mạc, Ngoại trưởng Indonesia - bà Retno Marsudi đánh giá cao sự hiện diện của các đại biểu, cho thấy sự tôn trọng đối với Indonesia với tư cách là nước chủ nhà.

Hội nghị bộ trưởng ngoại giao G20 khai mạc sáng 8-7 ở Bali (Indonesia). Ảnh: REUTERS

Hội nghị bộ trưởng ngoại giao G20 khai mạc sáng 8-7 ở Bali (Indonesia). Ảnh: REUTERS

Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương

Trong bài phát biểu khai mạc, Ngoại trưởng Marsudi nhận định tình hình thế giới hiện nay đang làm mọi người mất niềm tin vào chủ nghĩa đa phương và khả năng ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu, song chắc chắn tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nếu không có chủ nghĩa đa phương.

“Những thách thức toàn cầu đòi hỏi các giải pháp toàn cầu. Thành thật mà nói, chúng ta không thể phủ nhận rằng thế giới ngày càng khó ngồi lại cùng nhau” - bà Marsudi nhấn mạnh.

Theo Ngoại trưởng Indonesia, chủ nghĩa đa phương là cơ chế duy nhất mà tất cả quốc gia, bất kể quy mô và mức độ giàu nghèo, đều bình đẳng và được đối xử bình đẳng.

Bà cho biết tiếng nói của tất cả quốc gia, dù lớn hay nhỏ, dù phát triển hay đang phát triển, đều phải được lắng nghe, và đây là lý do Indonesia mời đại diện của các quốc đảo nhỏ đang phát triển và các nước thành viên Liên minh châu Phi tham dự diễn đàn này lần đầu tiên.

Nhận định chủ nghĩa đa phương cũng là cách duy nhất phối hợp các ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu, bà Marsudi kêu gọi các nước nỗ lực hết sức để củng cố lòng tin chiến lược, sự tôn trọng lẫn nhau, cũng như duy trì các nền tảng và nguyên tắc sáng lập Liên Hợp Quốc.

Ngoại trưởng Indonesia - bà Retno Marsudi có bài phát biểu trong hội nghị bộ trưởng ngoại giao G20 ở Bali (Indonesia) ngày 8-7. Ảnh: REUTERS

Ngoại trưởng Indonesia - bà Retno Marsudi có bài phát biểu trong hội nghị bộ trưởng ngoại giao G20 ở Bali (Indonesia) ngày 8-7. Ảnh: REUTERS

Xung đột Nga-Ukraine phủ bóng hội nghị bộ trưởng G20

Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã khiến bầu không khí trước và trong buổi khai mạc hội nghị căng thẳng hơn bao giờ hết. Nhiều chuyên gia suy đoán các nước sẽ tìm cách chỉ trích và tẩy chay sự có mặt của Ngoại trưởng Nga - ông Sergey Lavrov. Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Với sự hiện diện và tham gia của Nga, chắc chắn sẽ khó có sự đồng thuận về vấn đề Ukraine".

Tại buổi khai mạc sáng 8-7, ông Lavrov xuất hiện và bắt tay với bà Marsudi trong những tiếng hô vang: "Khi nào các người mới dừng các cuộc chiến" và "Tại sao Nga không ngừng chiến dịch quân sự”. Ngoại trưởng Nga sau đó ngồi xuống giữa người đồng cấp Saudi Arabia và Mexico mà không có bất kỳ hồi đáp nào.

Trong bối cảnh đó, bà Marsudi lưu ý điều quan trọng nhất là phải "tạo một bầu không khí thoải mái cho tất cả mọi người", lưu ý rằng đây là lần đầu tiên tất cả quốc gia lớn ngồi lại chung trong cùng một căn phòng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24-2.

Nhấn mạnh căng thẳng đang gia tăng, Ngoại trưởng Indonesia cho biết những người đồng cấp G7 (Diễn đàn 7 đại cường quốc có nền kinh tế công nghiệp phát triển với kỹ nghệ tiên tiến trên thế giới gồm Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Canada, Pháp và Ý) trước đó đã thông báo rằng họ không thể tham gia bữa tối chào mừng hội nghị với sự góp mặt của ông Lavrov.

Ngoại trưởng Nga - ông Sergey Lavrov bắt tay với người đồng cấp Indonesia - bà Retno Marsudi trước buổi khai mạc hội nghị bộ trưởng ngoại giao G20 ở Bali (Indonesia) ngày 8-7. Ảnh: REUTERS

Ngoại trưởng Nga - ông Sergey Lavrov bắt tay với người đồng cấp Indonesia - bà Retno Marsudi trước buổi khai mạc hội nghị bộ trưởng ngoại giao G20 ở Bali (Indonesia) ngày 8-7. Ảnh: REUTERS

Đề cập xung đột Ukraine, Ngoại trưởng Marsudi nói rõ: “Chúng ta gặp nhau hôm nay vào thời điểm có nhiều thách thức lớn. Thế giới vẫn chưa phục hồi sau đại dịch, nhưng chúng ta đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác là cuộc xung đột ở Ukraine”.

Bà nhắc lại chuyến thăm mới đây của Tổng thống Indonesia - ông Joko Widodo tới Nga và Ukraine, đồng thời khẳng định đây là cách Jakarta giúp xây dựng “cầu nối” giữa các quốc gia và ủng hộ hòa bình, điều này phù hợp với các nguyên tắc của một Indonesia “độc lập và năng động”.

"Trách nhiệm của chúng ta là phải kết thúc chiến tranh sớm hơn và giải quyết những khác biệt của chúng tôi trên bàn đàm phán, không phải tại chiến trường" - bà Marsudi tuyên bố.

Lấy sự đa dạng tôn giáo ở Indonesia như một ví dụ về cách những nhóm người khác nhau có thể cùng tồn tại một cách hài hòa, bà kêu gọi các nước G20 "tìm ra một con đường phía trước" để giải quyết những thách thức trên toàn cầu.

Ngoại trưởng Nga - ông Sergey Lavrov tham dự hội nghị bộ trưởng ngoại giao G20 ở Bali (Indonesia) ngày 8-7. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Nga - ông Sergey Lavrov tham dự hội nghị bộ trưởng ngoại giao G20 ở Bali (Indonesia) ngày 8-7. Ảnh: AP

Nội dung chính của hội nghị và các phiên họp bên lề

G20 FMM bao gồm hai phiên họp, trong đó phiên đầu tiên về tăng cường chủ nghĩa đa phương sẽ thảo luận các động thái chung nhằm tăng cường hợp tác toàn cầu và xây dựng lòng tin giữa các quốc gia, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho ổn định, hòa bình và phát triển của thế giới.

Phiên thứ hai về an ninh lương thực và an ninh năng lượng sẽ thảo luận về các bước đi chiến lược nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng lương thực, tình trạng khan hiếm phân bón và giá cả hàng hóa toàn cầu tăng cao.

Theo Bộ Ngoại giao Indonesia, giá cả hàng hóa tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đã tác động lớn đến các nước đang phát triển. Với tư cách là một diễn đàn kinh tế đại diện cho các khu vực khác nhau trên thế giới, G20 sẽ thảo luận toàn diện về các vấn đề này nhằm tìm kiếm các giải pháp kinh tế-xã hội bền vững.

Đại sứ Ukraine tại Indonesia - ông Vasyl Hamianin tham dự hội nghị bộ trưởng ngoại giao G20 ở Bali (Indonesia) ngày 8-7. Ảnh: REUTERS

Đại sứ Ukraine tại Indonesia - ông Vasyl Hamianin tham dự hội nghị bộ trưởng ngoại giao G20 ở Bali (Indonesia) ngày 8-7. Ảnh: REUTERS

Chương trình hôm 8-7 bao gồm một cuộc họp kín giữa ngoại trưởng các nước G20, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Brazil, Canada, Nhật, Nam Phi, cũng như các cuộc đàm phán song phương bên lề.

Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Lavrov đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc - ông Vương Nghị tại Bali. Ông Lavrov ca ngợi Bắc Kinh nhưng lại đả kích phương Tây.

Bên cạnh đó, ông Vương Nghị và Ngoại trưởng Úc - bà Penny Wong sẽ có cuộc hội đàm bên lề cuộc họp lần đầu tiên sau ba năm, báo hiệu sự tan băng trong mối quan hệ vốn đã xấu đi vì các cáo buộc về can thiệp của nước ngoài và các lệnh trừng phạt thương mại để trả đũa.

G20 là nền tảng chiến lược đa phương, quy tụ 20 nền kinh tế lớn trên thế giới, đóng vai trò chiến lược trong việc đảm bảo tương lai của tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng toàn cầu.

Indonesia giữ chức Chủ tịch G20 năm 2022 với ba vấn đề ưu tiên gồm tăng cường cấu trúc y tế toàn cầu, chuyển đổi kỹ thuật số, và chuyển đổi năng lượng. Trước tình hình mới ở Ukraine, các vấn đề liên quan an ninh lương thực cũng sẽ được thảo luận rộng rãi tại các cuộc họp của G20.

Nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Indonesia bắt đầu từ ngày 1-12-2021 với hàng loạt cuộc họp, đặc biệt là hội nghị thượng đỉnh dự kiến sẽ diễn ra tại Bali vào ngày 15-11 và 16-11.

KHÔI CHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/indonesia-keu-goi-cac-nuoc-g20-chung-tay-tim-cach-ket-thuc-xung-dot-nga-ukraine-post688246.html