Indonesia phát hiện nồng độ paracetamol cao bất thường trong nước biển
Một nghiên cứu gần đây cho thấy nước biển ở Vịnh Jakarta, Indonesia, chứa nồng độ chất paracetamol cao bất thường, dẫn đến quan ngại về tác động đối với môi trường, sức khỏe của con người và sự sống của các sinh vật biển.
Vùng biển phía bắc thủ đô Jakarta, Indonesia. (Ảnh: CNA)
Giới chức Indonesia đang điều tra và tuyên bố sẽ hành động cứng rắn với thủ phạm gây ô nhiễm.
Các nhà nghiên cứu từ Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới quốc gia Indonesia (BRIN) và ĐH Brighton của Anh lấy mẫu nước tại 4 vị trí trên Vịnh Jakarta. Kết quả phân tích cho thấy có 601 nanogram paracetamol/lít ở Angke và 420 ng/lít ở Ancol.
Angke là một khu vực có dân cư đông đúc của Jakarta và vấn đề vệ sinh môi trường không được bảo đảm, còn Ancol nằm ở phía bắc của thành phố, trên khu vực thượng nguồn sông Ciliwung.
Theo các nhà nghiên cứu, nồng độ paracetamol ở Brazil và Bồ Đào Nha mà họ nghiên cứu tương ứng là 34,6 ng/lít và 51,2 ng/lít.
Nhiều người thường uống paracetamol khi bị đau đầu, sốt hoặc đau người, nhưng chất này có thể gây tử vong nếu đưa vào người quá nhiều. GS Zainal Arifin, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết việc tiếp xúc lâu dài với hàm lượng paracetamol cao có thể gây suy giảm chức năng sinh sản ở động vật có vỏ.
Ông Arifsyah Nasution, nhà hoạt động của tổ chức Hòa bình Xanh Indonesia, gợi ý rằng nguồn gốc paracetamol gây ô nhiễm cho vịnh có thể từ xả thải của các nhà máy, nhất là các hãng dược phẩm, hoặc từ bệnh viện.
Chính quyền thủ đô Jakarta cho biết sẽ kiểm tra xem các công ty dược xử lý thuốc hết hạn của họ như thế nào. Hiện có 27 hãng dược đang hoạt động ở Jakarta.