Indonesia quan ngại về tình hình căng thẳng trên Biển Đông

Ngoại trưởng Indonesia bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng trên Biển Đông giữa bối cảnh thế giới đang phải đối phó với dịch Covid-19.

Trong cuộc họp báo trực tuyến với truyền thông nước ngoài, hôm nay (6/5), Ngoại trưởng Indonesia, bà Retno Marsudi cho biết, Indonesia tiếp tục theo dõi các diễn biến trên Biển Đông.

"Indonesia bày tỏ mối quan ngại về tình hình hiện tại trên Biển Đông, nơi có khả năng gia tăng căng thẳng, trong khi cần nỗ lực khẩn cấp của toàn cầu để chống lại dịch Covid-19. Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông, điều này bao gồm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không, và khuyến khích tất cả các bên tôn trọng luật hàng hải quốc tế, đặc biệt là công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)", bà Retno Marsudi nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Indonesia, bà Retno Marsudi.

Ngoại trưởng Indonesia, bà Retno Marsudi.

Lời kêu gọi của Indonesia được đưa ra trong bối cảnh khi cả thế giới đang đối phó với dịch Covid-19 thì Trung Quốc liên tục có những hành vi vi phạm chủ quyền trên Biển Đông và thúc đẩy các yêu sách phi lý.

Đầu tháng 4, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của Việt Nam ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trong khi nhóm tàu Hải dương 08 của Trung Quốc đang được các nước trong khu vực và quốc tế theo dõi sát khi tiến hành khảo sát khu vực gần vùng biển của Malaysia, ngày 18/4, nước này lại có hành động vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam khi Bộ Dân chính Trung Quốc ngang nhiên thông báo, Quốc Vụ viện nước này vừa phê chuẩn thành lập cái gọi là "Quận Tây Sa" và "Quận Nam Sa" trực thuộc thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam. Mới đây, Trung Quốc lại một lần nữa thông báo quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông.

Theo tờ South China Morning Post có trụ sở tại Hồng Kông, ngày 2/5, hạm đội hải quân Trung Quốc đã tổ chức cuộc tập trận giám sát tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam với mục đích "tăng cường huấn luyện trên biển xa cho tàu chiến đấu và tăng cường bảo vệ các tàu thương mại của Trung Quốc ".

Trước các yêu sách về hàng hải của Bắc Kinh, ngày 1/5, Mỹ cũng đã tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông khi điều hai máy bay ném bom đến thực hiện nhiệm vụ ở vùng biển này trong suốt 32 giờ. Một thông cáo từ Không quân Mỹ cho biết, đây là một phần trong sứ mệnh chung của Bộ Tư lệnh chiến lược và Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, cho thấy “mô hình triển khai lực lượng năng động” mới.

Trước đó, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill của Hải quân Mỹ đã áp sát quần đảo Trường Sa để thực hiện hoạt động tự do hàng hải và tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Barry cũng tiến hành hoạt động tuần tra ở gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trước tình trạng này, Indonesia kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế các hành động làm xói mòn lòng tin và gia tăng căng thẳng trong khu vực. Theo Ngoại trưởng Indonesia, tình hình có lợi trên Biển Đông có thể hỗ trợ cho quá trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) vốn đang bị tạm hoãn do đại dịch toàn cầu. Indonesia đảm bảo một COC hiệu quả, thực chất và khả thi sẽ sớm đạt được bất kể tình hình dịch bệnh hiện nay./.

Hương Trà/VOV-Jakarta

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/indonesia-quan-ngai-ve-tinh-hinh-cang-thang-tren-bien-dong-1045692.vov