Indonesia: Tân Tư lệnh quân đội và người đứng đầu Cơ quan Thảm họa nhậm chức
Ngày 17/11, tại Phủ Tổng thống ở Thủ đô Jakartra, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã chính thức bổ nhiệm Tư lệnh quân đội cùng người đứng đầu Cơ quan thảm họa quốc gia mới.
Sau khi được Hạ viện phê chuẩn ngày 8/11 thì ngày 17/11, Tướng Andika Perkasa đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Tư lệnh Quân đội Quốc gia Indonesia (TNI). Ông Andika tiếp nhận vị trí trên từ người tiền nhiệm là Thống tướng Hadi Tjahjanto vừa nghỉ hưu.
Trước khi được bổ nhiệm làm Tư lệnh TNI, Tướng Andika Perkasa giữ chức Tham mưu trưởng Lục quân Indonesia, từng có nhiều năm phục vụ trong Lực lượng đặc nhiệm KOPASSUS của quân đội Indonesia và đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chính phủ trong cuộc chiến chống Covid-19 và chương trình tiêm chủng vaccine.
Trước đó, tại phiên họp toàn thể, Hạ viện Indonesia đã tổ chức kiểm tra tư cách ứng viên Tư lệnh Quân đội Indonesia và thông qua đề xuất của Tổng thống Joko Widodo về việc Chỉ định Tướng Andika Perkasa làm ứng viên cho chức Tư lệnh Quân đội nước này.
Tướng Andika Perkasa nhấn mạnh 03 nhiệm vụ chính của TNI gồm bảo vệ chủ quyền quốc gia, duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ Indonesia dựa trên nguyên tắc Pancasila và Hiến pháp Indonesia, bảo vệ toàn bộ quốc gia. Tân Tư lệnh TNI Andika Perkasa sẽ chỉ có 13 tháng chỉ huy quân đội do ông sẽ đến tuổi nghỉ hưu vào cuối tháng 12/2022.
Cùng ngày, Trung tướng Dudung Abdurachman cũng được Tổng thống Joko Widodo nhậm chức trở thành Tham mưu trưởng Lục quân (KSAD) thay tướng Andika.
Sau lễ nhậm chức các vị trí trong Quân đội Indonesia, Tổng thống Joko Widodo đã tiến hành lễ nhậm chức cho tân Trưởng Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia (BNPB) Suharyanto. Ông cũng là một sĩ quan quân đội cấp cao. Trước khi được bổ nhiệm làm người đứng đầu Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia, ông từng là Tư lệnh Bộ Chỉ huy Quân sự Khu vực (Kodam) V / Brawijaya.
Trong lời tuyên thệ, ông Suharyanto nhấn mạnh sự hiện diện của Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia trong cộng đồng, từ việc nâng cao nhận thức, giáo dục, giảm nhẹ, sau đó trực tiếp có mặt vào thời điểm xảy ra thiên tai, ứng phó khẩn cấp để người dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa này không phải chịu quá nhiều tác động./.