Indonesia triển khai nhiều chính sách quản lý mạng 5G

Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Indonesia Johnny G. Plate cho biết, nước này đang xây dựng chính sách tổng hợp với năm giải pháp cần thiết để hỗ trợ quản lý dịch vụ 5G một cách toàn diện.

Biểu tượng mạng 5G tại một triển lãm ở Los Angeles, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Biểu tượng mạng 5G tại một triển lãm ở Los Angeles, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Phóng viên TTXVN tại Jakarta, đó là quy định, phổ tần số vô tuyến, mô hình kinh doanh, cơ sở hạ tầng, công cụ hệ sinh thái và tài năng kỹ thuật số.

Theo ông Johnny, từ góc độ quản lý, Indonesia hiện có 8 quy định hỗ trợ việc áp dụng mạng vô tuyến thế hệ mới nhất là Luật số 36 năm 1999 về Viễn thông; Luật số 11 năm 2008 được sửa đổi bổ sung bởi Luật số 19 năm 2016 về thông tin và giao dịch điện tử (UU ITE); Luật Giải quyết việc làm số 11 năm 2020; Quy định của Chính phủ số 52 năm 2000 về Hoạt động của Viễn thông.

Các quy định khác hỗ trợ việc triển khai mạng 5G là Quy định số 53 năm 2000 của Chính phủ về việc sử dụng phổ tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh; Quy định số 46 năm 2021 của Chính phủ về bưu chính, viễn thông và phát thanh truyền hình; Dự luật về Bảo vệ dữ liệu cá nhân và các quy định của Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông về quy tắc thực hiện.

Các quy định là cần thiết trong kỷ nguyên 5G để thúc đẩy tăng trưởng dữ liệu, với việc triển khai ồ ạt cảm biến dịch vụ Internet vạn vật.

Bên cạnh đó, để đảm bảo một mạng lưới tối ưu khi áp dụng 5G, Bộ này đã có kế hoạch cung cấp các băng tần ở tất cả các mức độ như băng tần thấp, băng tần trung bình và băng tần cao.

Áp dụng hai chính sách nhằm tối ưu hóa việc sử dụng cho cộng đồng là công nghệ trung lập và Chương trình tái đào tạo và cập nhật tần số.

Còn đối với các mô hình kinh doanh, Bộ trưởng Johnny cho rằng sự hiện diện của 5G sẽ kích hoạt những thay đổi về mô hình kinh doanh, cả trong ngành viễn thông và các ngành dọc khác, chẳng hạn như sản xuất.

Điều này là do tiềm năng của các dịch vụ 5G không còn chỉ tập trung vào các mô hình giao tiếp giữa người với người mà còn tích hợp giữa người với máy cũng như tạo ra mạng lưới giao tiếp giữa máy với máy.

Trong khi đó, đối với tăng cường cơ sở hạ tầng tổng thể được coi là cần thiết để hỗ trợ mạng 5G. Ba cơ sở hạ tầng chính cho 5G là các tháp BTS, tính hiệu quả và tính thường xuyên của quy hoạch đô thị như một tuyến đường huyết mạch để phân phối mạng cáp quang và tăng tốc sợi quang.

Về khía cạnh công cụ hệ sinh thái và tài năng kỹ thuật số sẽ bắt đầu từ Cấp độ nội dung trong nước (TKDN) của các thiết bị 5G. Bộ sẽ phối hợp Bộ Công nghiệp để đưa ra chính sách phù hợp.

Hiện tại, TKDN cho 4G là 40%. Hệ sinh thái trong mạng này cần được xây dựng để Indonesia có thể phát triển các ứng dụng 5G của riêng mình. Do đó, cần phải có tài năng kỹ thuật số có khả năng và hiểu biết sâu sắc về 5G.

Vì thế, chính phủ cần chuẩn bị đào tạo hệ chính quy cho sinh viên chuyên về kỹ thuật số tại các trường Đại học, Cao đẳng đa phương tiện và Chương trình học bổng tài năng kỹ thuật số./.

Đình Ánh (P/v TTXVN tại Jakarta)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/indonesia-trien-khai-nhieu-chinh-sach-quan-ly-mang-5g/192188.html