Indonesia trước áp lực cải cách hệ thống trợ cấp năng lượng
Giá nhiên liệu tăng đột biến chưa từng có do cuộc chiến Nga - Ukraine gây ra đã buộc Indonesia phải tăng mạnh các khoản trợ cấp năng lượng. Quyết định này làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận trong nước về cách tốt nhất để bảo đảm sự cân bằng giữa duy trì đà phát triển kinh tế và cam kết của Indonesia về chuyển đổi năng lượng xanh. Giới chuyên gia Indonesia tin rằng chính phủ nước này nên xem xét nghiêm túc việc cải cách hệ thống trợ cấp năng lượng nếu muốn quá trình chuyển đổi năng lượng xanh đi đúng hướng mà không gây hại cho nền kinh tế.
Gánh nặng ngân sách từ trợ cấp năng lượng
Gần đây, chính sách trợ cấp năng lượng trong nước của Indonesia đang gây áp lực lớn lên ngân sách trong bối cảnh suy thoái toàn cầu hiện nay. Tổng thống Joko Widodo tháng trước tuyên bố rằng nhà nước đã nâng ngân sách phân bổ cho trợ cấp từ 152.000 tỷ rupiah (10,2 tỷ USD) lên 502.000 tỷ rupiah (33,8 tỷ USD). Sự gia tăng đáng kể này là do công chúng tiêu thụ nhiều nhiên liệu được trợ giá trong bối cảnh giá dầu thô toàn cầu cao. Nếu không có giải pháp cho xung đột giữa Nga và Ukraine, trợ cấp năng lượng sẽ tiếp tục phải tăng thêm. Một mặt, chính sách này là cần thiết để duy trì sức mua của người dân và ổn định nền kinh tế vốn vẫn đang phục hồi sau đại dịch Covid-19; nhưng mặt khác, việc thực hiện trợ cấp năng lượng có thể gây ra một loạt hậu quả không lường trước.
Chính sách trợ cấp năng lượng của Indonesia nhằm mục đích giữ cho giá năng lượng ổn định và phù hợp với mọi tầng lớp trong xã hội. Bằng cách giữ giá năng lượng thấp hơn giá thị trường, nó cho phép những người thu nhập thấp tiếp cận nguồn năng lượng mà họ không thể mua được. Chính sách này cũng nhằm mục đích tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng hóa thạch để thúc đẩy nền kinh tế Indonesia. Là nguồn năng lượng đáng tin cậy nhất, việc bảo đảm năng lượng hóa thạch là rất quan trọng đối với các nước đang phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng.
Một vấn đề ở Indonesia là những người giàu có cũng được tiếp cận với nhiên liệu được trợ giá do hệ thống giám sát yếu kém của chính phủ. Khi Indonesia tăng giá các sản phẩm nhiên liệu không tiêu thụ như Pertamax Plus và Pertamax, hầu hết người tiêu dùng chỉ đơn giản là chuyển sang Pertalite, một loại nhiên liệu được trợ giá. Việc không có các yêu cầu cụ thể đối với việc mua nhiên liệu được trợ giá khiến tầng lớp trung lưu và thượng lưu dễ dàng tiếp cận. Kết quả là, nhu cầu về Pertalite, mặc dù chất lượng thấp hơn, đã tăng gần 30%. Tình trạng này khiến chính phủ phải phân bổ nhiều trợ cấp hơn, gây gánh nặng cho ngân sách nhà nước hơn nữa.
Việc thực hiện trợ cấp năng lượng cũng cản trở sự phát triển năng lượng tái tạo. Trợ cấp làm cho năng lượng tái tạo trở nên kém cạnh tranh hơn với năng lượng hóa thạch, và do đó công chúng ít tiếp cận hơn. Khoản trợ cấp đưa ra có thể không đủ bù giá theo ngoại cảnh tiêu cực của năng lượng hóa thạch được sử dụng. Do đó, việc tăng trợ cấp năng lượng có thể được coi là một bước lùi trong nỗ lực thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo của Indonesia và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Trợ cấp năng lượng là một vấn đề nhạy cảm đối với xã hội vì chính sách này nhằm tạo điều kiện để người dân, đặc biệt là dân nghèo tiếp cận năng lượng với mức giá thấp nhất có thể. Quốc gia càng phát triển thì càng cần nhiều năng lượng, do đó, các khoản trợ cấp được phân bổ sẽ càng cao và tác động đến ngân sách nhà nước. Giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước bằng cách tăng giá năng lượng cũng thường gây ra những phản ứng bất lợi. Tăng giá nhiên liệu sẽ làm giảm thâm hụt cán cân thương mại, đặc biệt là dầu khí. Đồng thời, nó cũng có thể dẫn đến nguy cơ lạm phát và sa thải hàng loạt trong lĩnh vực công nghiệp.
Với suy nghĩ này, chính phủ Indonesia có thể cải cách hệ thống trợ cấp năng lượng của mình bằng cách thay thế trợ cấp giá bằng trợ cấp trực tiếp.
Trợ cấp trực tiếp: lợi ích và tác động phụ
Việc áp dụng các khoản trợ cấp trực tiếp, chi trả thực tế cho những người thu nhập thấp hơn, có thể cần được xem xét như một giải pháp hợp lý cho vấn đề của Indonesia hiện nay. Thực hiện trợ cấp trực tiếp sẽ nâng cao hiệu quả ngân sách nhà nước và mang lại lợi ích trực tiếp cho những người thu nhập thấp hơn, bảo đảm rằng gánh nặng tăng giá năng lượng sẽ không gây tổn hại nghiêm trọng đến họ. Trợ cấp trực tiếp cũng sẽ cải thiện khả năng cạnh tranh của năng lượng tái tạo, cho phép năng lượng ổn định theo giá thị trường. Do đó, khi giá năng lượng hóa thạch tăng, năng lượng tái tạo có thể xuất hiện như một giải pháp thay thế hấp dẫn và hợp lý hơn.
Trong khi trợ cấp trực tiếp giúp duy trì sức mua của những người thu nhập thấp, nó cũng gây ra những chi phí kinh tế nhất định. Cải cách trợ cấp sẽ ảnh hưởng đến chi phí hoạt động của các ngành. Để năng lượng đạt ngang giá thị trường sẽ phải tăng chi phí hoạt động của các doanh nghiệp, điều này sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp đánh giá lại hiệu quả hoạt động của mình. Trong trường hợp xấu nhất, doanh nghiệp có thể sa thải số lượng lớn lao động. Do đó, chính phủ không thể làm ngơ trước những tác động phụ của việc áp dụng hình thức trợ cấp trực tiếp.
Cải cách trợ cấp năng lượng bằng cách thực hiện trợ cấp trực tiếp không thể tự thân nó giải quyết rốt ráo vấn đề trợ cấp năng lượng của Indonesia. Việc thực hiện trợ cấp trực tiếp đòi hỏi sự can thiệp của chính phủ và sự hợp tác giữa các bên liên quan khác nhau.
Thực hiện theo lộ trình
Việc áp dụng trợ cấp trực tiếp sẽ phải được thực hiện theo từng giai đoạn. Trong trường hợp này, chính phủ cần giảm dần trợ cấp năng lượng và thực hiện trợ cấp trực tiếp cho những người có nhu cầu. Hành động này phải được thực hiện cẩn thận để có thể ngăn chặn và lường trước được tác động của các cú sốc thị trường mà vẫn duy trì được sức mua của người dân. Chính sách này cũng sẽ khuyến khích công chúng tìm hiểu giá năng lượng thực tế và bắt đầu thay đổi lối sống của họ để trở nên khôn ngoan hơn và ít lãng phí hơn trong cách sử dụng năng lượng. Đồng thời, ngành công nghiệp cũng nên khuyến khích sử dụng năng lượng hiệu quả trong kinh doanh, điều này sẽ giúp bảo đảm rằng những thay đổi trong trợ cấp năng lượng ít ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ.
Việc áp dụng trợ cấp trực tiếp cũng cần được theo sau bằng các nỗ lực đưa ra các giải pháp thay thế cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng. Những nỗ lực này bao gồm phát triển mạng lưới khí đốt thành phố, nhà máy điện năng lượng tái tạo và xe điện. Để hỗ trợ những nỗ lực này, chính phủ nên bảo đảm sự dễ dàng cho hoạt động kinh doanh bằng cách tạo ra sự rõ ràng và chắc chắn về mặt pháp lý. Một trong những khía cạnh quan trọng nhất là việc đẩy nhanh dự luật năng lượng tái tạo cũng như thúc đẩy nhiều sáng kiến tài khóa và phi tài khóa hơn để thu hút nhiều nhà đầu tư hơn và đẩy nhanh những nỗ lực này. Với tất cả những yếu tố trên, Indonesia sẽ cải thiện an ninh năng lượng của mình và tự bảo vệ khỏi những tổn thương kinh tế do giá năng lượng toàn cầu tăng cao.
Theo The Diplomat