Indonesia tự tin trở thành nhà sản xuất vaccine mRNA lớn nhất Đông Nam Á

Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA cho 11 quốc gia trong đó có Indonesia, quốc gia Đông Nam Á này tự tin sẽ trở thành trung tâm sản xuất vaccine công nghệ tiên tiến lớn nhất khu vực.

Phát biểu sau lễ tiếp nhận, Ngoại trưởng Indonesia, Retno Marsudi cho biết, việc chuyển giao công nghệ này sẽ góp phần đảm bảo khả năng tiếp cận thuốc bình đẳng để thế giới cùng nhau phục hồi và phục hồi mạnh hơn.

Nữ Ngoại trưởng Indonesia, Retno Marsudi (thứ hai từ trái sang) trực tiếp tham dự lễ công bố chuyển giao công nghệ từ WHO tại Jeneva, Thụy Sĩ ngày 23/2. Nguồn: Bộ Ngoại giao Indonesia.

Nữ Ngoại trưởng Indonesia, Retno Marsudi (thứ hai từ trái sang) trực tiếp tham dự lễ công bố chuyển giao công nghệ từ WHO tại Jeneva, Thụy Sĩ ngày 23/2. Nguồn: Bộ Ngoại giao Indonesia.

Tại Indonesia, công ty dược phẩm PT Bio Farma được kỳ vọng sẽ trở thành nhà sản xuất vaccine công nghệ mRNA lớn nhất khu vực Đông Nam Á với năng lực sản xuất hơn 3,2 tỷ liều vaccine mỗi năm. Hiện, Bio Farma sản xuất được 14 loại vaccine và đã xuất khẩu sang 150 quốc gia. Khả năng của Indonesia sẽ giúp đáp ứng nhu cầu trong nước và khu vực về vaccine dựa trên mRN công nghệ tiên tiến cũng như việc phát triển và sản xuất thuốc điều trị.

Theo Ngoại trưởng Indonesia, chương trình chuyển giao công nghệ mRNA còn mang lại sự đảm bảo không chỉ cho vaccine Covid-19 mà còn cho các bệnh khác bao gồm sốt rét, lao và ung thư. Về bản chất, việc trao quyền, tăng cường khả năng tự lực và tạo điều kiện cho các nước đang phát triển đóng góp vào khả năng phục hồi sức khỏe toàn cầu. Công nghệ vaccine mRNA là công nghệ tiên tiến, cho phép cập nhật các biến chủng và sản xuất với số lượng lớn do đó không chỉ có ý nghĩa trong phòng chống đại dịch Covid-19 mà còn giúp chủ động ứng phó với các đại dịch khác trong tương lai.

Với tư cách là nước nhận chuyển giao công nghệ, Indonesia sẽ nhận được đào tạo kỹ thuật trên quy mô công nghiệp, quy trình phát triển vaccine quy mô phòng thí nghiệm lâm sàng và kỹ thuật kiểm soát chất lượng và các giấy phép liên quan.

Trước đó, ngày 18/2, tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Liên minh châu Phi, Tổng Giám đốc WHO đã thông báo 6 nước đầu tiên đều ở châu Phi gồm Ai Cập, Kenya, Nigeria, Senegal, Nam Phi và Tunisia được thiết lập dây chuyền sản xuất vaccine công nghệ mRNA từ trung tâm vaccine mRNA toàn cầu của WHO nhằm đảm bảo khu vực này có thể tự sản xuất vaccine ngừa Covid-19 cũng như các dịch bệnh khác. Đến ngày 23/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA theo sáng kiến của WHO cho Việt Nam, Bangladesh, Indonesia, Pakistan và Serbia./.

Hương Trà/VOV-Jakarta

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/indonesia-tu-tin-tro-thanh-nha-san-xuat-vaccine-mrna-lon-nhat-dong-nam-a-post926533.vov