Interpol và lệnh truy nã

Lần đầu tiên Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) nắm được chiếc ghế quyền lực ở Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol). Hôm 25/11/2021, tướng Ahmed Nasser al-Raisi, Tổng thanh tra Bộ Nội vụ UAE đã trúng chức Chủ tịch Interpol, nhiệm kỳ 4 năm với 68,9% phiếu sau 3 vòng đua.

Tướng Ahmed Nasser al-Raisi, Chủ tịch Interpol đương nhiệm.

Tướng Ahmed Nasser al-Raisi, Chủ tịch Interpol đương nhiệm.

Đáng chú ý ở chỗ, tướng Raisi tuyên bố sẽ không nhận lương. “Tôi chưa phải tỷ phú nhưng chức Chủ tịch Interpol với tôi cũng không phải là một chỗ để nhận lương” - tướng Raisi nói. Tờ Guardian (Anh) cho biết tướng Raisi đã có nhiều thành tựu cá nhân bao gồm bằng quản lý cảnh sát tại Đại học Cambridge (Anh) cùng bằng tiến sĩ về chính sách, an ninh và an toàn công cộng tại Đại học London Metropolitan (Anh) cũng như huy chương danh dự từ Italy.

Việc tướng Raisi trở thành lãnh đạo của Interpol được coi là thành công của UAE. Trước đây, ông từng giữ chức Chủ tịch tổ chức chính sách toàn cầu Interpol. Tướng Ahmed Nasser al-Raisi cũng đã giữ nhiều chức vụ cấp cao trong Bộ Nội vụ UAE. Ông đã đóng góp vào sự chuyển đổi của UAE trở thành một quốc gia giám sát công nghệ cao. Ông cũng từng là Tổng Thanh tra lâu đời của Bộ Nội vụ UAE, chịu trách nhiệm giảm sát các trung tâm giam giữ và chính sách.

6 hình thức thông báo lệnh truy nã

Interpol là tên gọi Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (International Criminal Police Organization). Đây là một tổ chức liên chính phủ gồm 194 thành viên được thành lập ngày 7/9/1923 tại Vienna (Áo). Cơ quan cao nhất của Interpol là Đại hội đồng, gồm tất cả các quốc gia thành viên của tổ chức. Interpol có một cơ quan thường trực do Tổng Thư ký đứng đầu và một Ủy ban hành pháp do một Chủ tịch đứng đầu.

Ngân sách của Interpol chủ yếu từ sự đóng góp của các quốc gia thành viên. Ngoài ra, ngân sách còn đến từ các tổ chức khác và các doanh nghiệp thương mại.

Mục tiêu của Interpol là “kết nối cảnh sát vì một thế giới an toàn hơn”. Nhiều người tưởng rằng Interpol có quyền bắt tội phạm của các quốc gia thành viên, và mỗi nhân viên của Interpol như một người hùng được trang bị vũ khí “đến tận răng”, phạm vi hoạt động là không biên giới. Thực ra, Interpol không tham gia vào công việc bắt giữ hay bất kỳ hoạt động vũ trang nào mà chỉ chuyên về điều tra, theo dõi, cung cấp tư liệu liên quan đến tội phạm hình sự, khủng bố. Với vai trò của mình, Interpol giúp đỡ cảnh sát địa phương của các quốc gia thành viên kết nối với cảnh sát toàn cầu, theo dõi tiến trình hoạt động của những đối tượng bị truy nã và phát lệnh truy nã cho các quốc gia thành viên (khi cần thiết) chứ không trực tiếp tiến hành bắt giữ. Công việc bắt giữ tội phạm hình sự sẽ do cảnh sát của quốc gia liên quan thực hiện.

Vả lại, Interpol cũng không có quyền muốn ra quyết định truy nã thì lập tức ban hành, mà chỉ có một quốc gia hoặc một tòa án quốc tế mới có quyền ra quyết định truy nã nghi can. Như vậy, có thể hiểu là lệnh truy nã của Interpol chỉ nhằm thông báo cho các quốc gia thành viên rằng người này bị truy nã dựa trên một lệnh bắt giữ hoặc một quyết định tư pháp tương đương do một quốc gia hay một tòa án quốc tế ban hành.

Tùy theo mức độ, Interpol có thể đưa ra 1 trong 6 thông báo:

- Thông báo đỏ (Red Notice), hay còn gọi là lệnh truy nã đỏ, yêu cầu truy bắt nhằm mục đích dẫn độ tội phạm và thường được ban hành trên mạng của Interpol.

- Thông báo đen (Black Notice), nhằm xác định tung tích các nạn nhân đã chết ở bên ngoài đất nước của họ.

- Thông báo xanh lá cây (Green Notice), cảnh báo về các đối tượng phạm tội từ các nước khác nghi đã thâm nhập vào nước sở tại hoặc đối tượng gây án ở nước sở tại rồi trốn ra nước ngoài.

- Thông báo xanh lam (Blue Notice), nhằm xác định và cung cấp thông tin, đường di chuyển của các loại tội phạm, đối tượng hoạt động xuyên quốc gia.

- Thông báo vàng (Yellow Notice) là nhằm truy tìm người mất tích.

- Thông báo màu cam (Orange Notice), nhằm cảnh báo các thông tin liên quan đến tội phạm khủng bố đến các nước thành viên của Interpol về những biến động, việc di chuyển và hoạt động phức tạp của bọn tội phạm khủng bố trên toàn cầu.

Biểu tượng của Interpol.

Biểu tượng của Interpol.

Thông báo đỏ của Interpol

Trong các thông báo của Interpol, thì “Thông báo đỏ” được xem là nghiêm trọng nhất.

Có thể hiểu rằng, lệnh truy nã đỏ chỉ được ban hành bởi Tổng Thư ký Interpol theo yêu cầu của các quốc gia thành viên, hoặc một tòa án quốc tế dựa trên một lệnh bắt giữ quốc gia hợp lệ. Truy nã đỏ được ban hành để truy nã người tị nạn đang lẩn trốn ở nước ngoài, để truy tố hoặc để thụ án, tùy thuộc vào các thủ tục tố tụng tư pháp của nước yêu cầu. Hiệu lực của nó trên phạm vi toàn thế giới khi mà tất cả thông tin về tội phạm và nghi phạm bị truy nã đỏ đều được gửi tới lực lượng biên phòng, cửa khẩu, hải quan nhằm kiểm soát việc di chuyển.

Lệnh truy nã đỏ bao gồm 2 thông tin chính. Thứ nhất là đặc điểm nhận dạng của người bị truy nã (tên, ngày sinh, quốc tịch, màu mắt, tóc, ảnh hoặc dấu vân tay nếu có). Thứ hai, nhắm tới tội danh giết người, hiếp dâm hoặc xâm hại trẻ em. Sau đó, mỗi quốc gia thành viên tự quyết định giá trị pháp lý của truy nã đỏ trên lãnh thổ của mình và cũng chỉ có các nhân viên thực thi pháp luật nước sở tại mới có quyền bắt giữ.

Nhìn chung, lệnh truy nã đỏ được áp dụng với những người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật của một quốc gia nhưng sau đó có căn cứ cho rằng người này đã bỏ trốn khỏi quốc gia đó. Do đó, nước này (thành viên của Interpool) yêu cầu Interpool ra lệnh truy nã đỏ để thực hiện việc truy nã trong phạm vi quốc tế.

Lịch sử hình thành Interpol

Ngày 7/9/1923, Ủy ban Cảnh sát hình sự quốc tế (ICPC) được thành lập với mục đích củng cố hoạt động chung của các cơ quan cảnh sát quốc gia. Tổ chức có trụ sở chính đặt ở Vienna, Áo. Năm 1946, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Ủy ban Cảnh sát hình sự quốc tế được tái lập, lúc này được gọi là Interpol. Trụ sở của Interpol lúc đó được đặt tại Paris (Pháp). Cũng từ thời điểm đó, hệ thống thông báo mã màu của ủy ban được khởi xướng và những lệnh truy nã đỏ đầu tiên của Interpol được phát ra.

Năm 1989, Interpol chuyển Ban Thư kí tới Lyon (Pháp) và tiếp đó lần lượt mở văn phòng đại diện khu vực ở một số quốc gia cũng như trụ sở của Liên hợp quốc ở New York (Mỹ). Tính đến thời điểm hiện tại, Interpol có tới 190 quốc gia thành viên. Việt Nam tham gia Interpol năm 1991 và trở thành thành viên thứ 158.

Biểu tượng hiện tại của Interpol đã được thông qua vào năm 1950 và bao gồm các yếu tố sau: Hình trái đất để chỉ hoạt động trên toàn thế giới; Nhánh ô liu đại diện cho hòa bình; Thanh kiếm tượng trưng cho hoạt động của cảnh sát; Bàn cân biểu tượng cho công lý.

Ngoài trụ sở chính ở Lyon, Interpol duy trì 7 văn phòng khu vực đặt tại: Buenos Aires (Argentina); San Salvador (El Salvador); Yaoundé (Cameroon); Abidjan (Bờ Biển Ngà); Nairobi (Kenya); Harare (Zimbabwe) và Văn phòng liên lạc chung Bangkok (Thái Lan).

Công việc chính của Interpol là theo dõi, điều tra phát hiện các tội phạm như rửa tiền, buôn bán người, trẻ em, buôn bán ma túy, vũ khí, chống tội phạm công nghệ cao, chống tội phạm có tổ chức, chống khủng bố… nhằm góp phần giữ gìn trật tự xã hội trên toàn cầu.

Tôn chỉ và mục tiêu hoạt động của Interpol

Interpol không phải là một cơ quan thực thi pháp luật siêu quốc gia và không có nhân viên nào có thể làm nhiệm vụ bắt giữ. Thay vào đó, nó là một tổ chức quốc tế có mạng lưới các cơ quan thực thi pháp luật hình sự từ các quốc gia khác nhau. Tổ chức này có chức năng là một cơ quan liên lạc hành chính giữa các cơ quan thực thi pháp luật của các nước thành viên, cung cấp thông tin liên lạc và cơ sở dữ liệu hỗ trợ, hỗ trợ thông qua trụ sở trung ương ở Lyon, Pháp.

Interpol hoạt động độc lập theo tôn chỉ tôn trọng chủ quyền các quốc gia thành viên, không can thiệp vào công việc nội bộ. Đối tượng điều tra chỉ là tội phạm hình sự. Interpol chỉ là một cơ quan đầu não chuyên về điều tra, theo dõi, cung cấp tư liệu liên quan đến tội phạm hình sự, khủng bố. Tuy Interpol không tham gia vào công việc bắt bớ hoặc can thiệp vũ trang, nhưng có thể giúp đỡ các tổ chức cảnh sát các quốc gia thành viên trong việc theo dõi tiến trình hoạt động của các kẻ bị truy tầm và phát lệnh truy nã. Công việc chính của Interpol là theo dõi, điều tra phát hiện các tội phạm như rửa tiền, buôn bán người, trẻ em, buôn bán ma túy, vũ khí, chống tội phạm công nghệ cao, chống tội phạm có tổ chức, chống khủng bố… nhằm góp phần giữ gìn trật tự xã hội trên toàn cầu.

THẾ TUẤN

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/interpol-va-lenh-truy-na-5677423.html