Interpol với cuộc chiến chống tội phạm tài chính quốc tế

Cuộc cách mạng công nghệ đang kéo những tên tội phạm đến gần nhau hơn đồng thời cũng làm cho việc ngăn chặn những hình thức phạm tội mới trở nên phức tạo hơn. Chính vì thế, hợp tác toàn cầu đang trở thành một yêu cầu bắt buộc để lực lượng an ninh các nước có thể hoàn thành trách nhiệm của mình.

1. Báo cáo tội phạm tài chính toàn cầu của Verafin, một công ty công nghệ chuyên về mảng tội phạm tài chính của NASDAQ (Sàn giao dịch chứng khoán Mỹ) công bố tháng 2/2024 cho chúng ta thấy những con số rất đáng báo động. Vào năm 2023, ước tính có khoảng 3,1 nghìn tỷ USD tiền bất hợp pháp đã chảy qua hệ thống tài chính toàn cầu.

Hoạt động rửa tiền trị giá hàng nghìn tỷ USD tài trợ cho hàng loạt những hình thức tội phạm nguy hiểm khác nhau, bao gồm ước tính khoảng 346,7 tỷ USD trong buôn bán người, 782,9 tỷ USD trong hoạt động buôn bán ma túy, 11,5 tỷ USD tài trợ cho khủng bố. Trong khi đó, chỉ riêng các vụ lừa đảo gian lận ngân hàng gây ra thiệt hại ước tính lên tới 485,6 tỷ USD trên toàn cầu. Để dễ hình dung về quy mô tài chính của hoạt động phạm pháp, chúng ta có thể so sánh với tổng GDP của Pháp, nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới, đồng thời là quốc gia đông dân nhất tại Tây Âu.

Công nghệ làm bùng nổ tội phạm công nghệ.

Công nghệ làm bùng nổ tội phạm công nghệ.

Nếu như trước đây, tội phạm tài chính chủ yếu là rửa tiền cho các hoạt động làm ăn phi pháp thì sự phát triển của công nghệ cũng đang làm cho hoạt động của giới tội phạm tài chính mở rộng sang những lãnh địa như mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo các báo cáo từ những công ty an ninh mạng, hiện tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong môi trường số đã bùng nổ từ khi đại dịch COVID nổ ra vào năm 2020 tới nay với những mức độ khác nhau ở từng khu vực trên thế giới. Tuy nhiên, mức tăng trưởng cả về số vụ và quy mô lừa đảo đều ít nhất là 2 con số trong phần lớn các bản báo cáo. Sự tăng trưởng khủng khiếp của nạn lừa đảo trên mạng này đã làm cho khối lượng tiền phi pháp chảy trên hệ thống tài chính toàn cầu tăng vọt trong những năm qua.

Theo một ước tính của Tổ chức Tài chính liêm chính toàn cầu - Global Financial Integrity (GFI) theo dõi từ năm 2006 đến 2015 cho biết, giai đoạn này mỗi năm dòng chảy tài chính quốc tế dù tăng nhưng cũng chỉ rơi vào khoảng dưới 800 tỷ USD.

Sự gia tăng chóng mặt của tội phạm tài chính cùng các dòng tiền bẩn đã khiến cho nó trở thành một vấn nạn lớn đối với các nền kinh tế và buộc các tổ chức tài chính thế giới phải quan tâm đến. Bà Adena Friedman, Chủ tịch & Giám đốc điều hành của NASDAQ trong một phát biểu mới đây đã thừa nhận: "NASDAQ đã coi cuộc chiến chống tội phạm tài chính là trọng tâm trong hoạt động kinh doanh của chúng tôi". Là một tập đoàn lớn sở hữu sàn chứng khoán lớn nhất thế giới với tổng vốn hóa lên tới hơn 20.000 tỷ USD, NASDAQ thực sự không thể không dè chừng những kẻ tội phạm này. Sự quan tâm đến an toàn tài chính của các tập lớn đã khiến cho các công ty công nghệ chuyên về chống lừa đảo và quản trị rủi ro (ALM) ngày càng có đất phát triển.

2. ComplyAdvantage, một công ty công nghệ chuyên về chống gian lận của Anh là một trong những công ty như thế. Khởi đầu từ một nhóm nhân viên công nghệ tới từ London làm công việc bảo trì và bảo mật hệ thống ngân hàng vào năm 2014. Ngày nay ComplyAdvantage đã trở thành một tập đoàn toàn cầu với 4 văn phòng ở London, New York, Singapore và Cluj-Napoca với hơn 1.000 đối tác là doanh nghiệp lớn của 75 quốc gia trên thế giới. Bản thân thị trường chống lừa đảo và quản trị rủi ro này cũng đã tăng gấp đôi trong vòng 3 năm kể từ khi đại dịch kết thúc.

Đối tượng bị bắt từ hoạt động của chương trình.

Đối tượng bị bắt từ hoạt động của chương trình.

Đầu tháng 1/2024, ComplyAdvantage đã công bố bản báo cáo xu hướng mà họ tin rằng sẽ là chủ đạo của tội phạm tài chính vào năm 2024. Bản nghiên cứu này được tập hợp từ khảo sát và theo dõi thị trường cùng những trao đổi với các cơ quan quản lý, lãnh đạo ngành cũng như các chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới mà họ có cộng tác. Theo đó, các chuyên gia của ComplyAdvantage đưa ra nhận định: “An ninh tài chính năm 2024 sẽ bị thách thức đáng kể do công nghệ và bất ổn quốc tế đặt ra”.

Tiến sĩ Jurgen Stock, Giám đốc Interpol.

Tiến sĩ Jurgen Stock, Giám đốc Interpol.

Ông Vatsa Narasimha , Giám đốc điều hành của ComplyAdvantage cho biết: “Khi năm 2023 sắp kết thúc, các chuyên gia về rủi ro tội phạm tài chính đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn địa chính trị ngày càng gia tăng, biến động kinh tế và hành vi tội phạm đang thay đổi nhanh chóng. Năm 2024, với hơn 40 cuộc bầu cử quốc gia, trọng tâm ngày càng tăng là tài trợ khủng bố và tiếp tục phát triển công nghệ”. Đứng trước nguy cơ lừa đảo công nghệ gia tăng như vậy, Tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế (Interpol) hôm 13/3/2024 mới đây cũng đã phải đưa ra cảnh báo mới gửi đến các tổ chức thành viên: “Chúng ta đang phải đối mặt với đại dịch gian lận tài chính ngày càng gia tăng, dẫn đến các cá nhân, thường là những người dễ bị tổn thương và các công ty bị lừa đảo trên quy mô lớn và ở phạm vi toàn cầu”, Tổng thư ký Interpol, Tiến sĩ Jurgen Stock cho biết.

Theo Interpol thì “với sự phát triển của AI và tiền điện tử, tình hình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn nếu không có hành động khẩn cấp”. Lời cảnh báo cũng là lời kêu gọi hợp tác hành động của Interpol đến từ các tổ chức thành viên của mình. Bởi với tội phạm tài chính hiện đại, việc phân chia biến giới đã trở nên vô nghĩa và nếu không hợp tác, rào cản sẽ là “không thể vượt qua”.

Chính từ những mong muốn và lo ngại này, Interpol đã tiến hành ngày càng nhiều hơn những hoạt động trao đổi, hợp tác cũng như tổ chức những chiến dịch lớn để huy động các thành viên củ mọng cùng tham gia đóng góp, ít nhất là về mặt thông tin. Trong đó, những hoạt động như Chiến dịch HAECHI IV vào năm 2023 có thể coi như là một ví dụ tiêu biểu về sự hợp tác quốc tế thành công.

3. Chiến dịch HAECHI IV kéo dài sáu tháng (từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2023) nhắm vào 7 loại lừa đảo trên mạng: lừa đảo bằng giọng nói, lừa đảo lãng mạn, tống tiền trực tuyến, lừa đảo đầu tư, rửa tiền liên quan đến cờ bạc trực tuyến bất hợp pháp, lừa đảo xâm nhập email doanh nghiệp và gian lận thương mại.

Các nhà điều tra đã làm việc cùng nhau để phát hiện gian lận trực tuyến và đóng băng tài khoản ngân hàng liên quan đến nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) bằng cách sử dụng Can thiệp thanh toán nhanh toàn cầu (I-GRIP) của INTERPOL, một cơ chế ngừng thanh toán vốn được thiết kế để giúp các quốc gia hợp tác, chặn lại kể tội phạm nhằm thu hồi lại tiền từ tội phạm.

Sự hợp tác giữa chính quyền Philippines và Hàn Quốc đã dẫn đến việc bắt giữ một tên tội phạm cờ bạc trực tuyến nổi tiếng ở Manila sau cuộc truy lùng kéo dài hai năm của Cơ quan Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc. Các nhà chức trách đã phong tỏa 82.112 tài khoản ngân hàng đáng ngờ, thu giữ tổng cộng 199 triệu USD tiền mặt và 101 triệu USD tài sản ảo. Tổng kết, chiến dịch xuyên lục địa của cảnh sát chống tội phạm tài chính trực tuyến đã kết thúc với gần 3.500 vụ bắt giữ và tịch thu tài sản trị giá 300 triệu USD (khoảng 273 triệu EUR) từ 34 quốc gia. Con số này là quá lớn so với tổng ngân sách năm 2023 của Interpol, (năm cao nhất trong lịch sử) cũng chỉ vào khoảng dưới 200 triệu USD.

Hợp tác quốc tế để chống tội phạm ngày càng quan trọng.

Hợp tác quốc tế để chống tội phạm ngày càng quan trọng.

Số vụ bắt giữ tăng 200% của HAECHI IV cho thấy thách thức dai dẳng của tội phạm mạng, nhắc nhở chúng ta luôn cảnh giác và tiếp tục tinh chỉnh các chiến thuật chống gian lận trực tuyến. Gian lận đầu tư, xâm phạm email kinh doanh và gian lận thương mại điện tử chiếm 75% các vụ việc được điều tra tại HAECHI IV. Làm việc với một số VASP, Interpol đã giúp các nhân viên tuyến đầu xác định 367 tài khoản tài sản ảo có liên quan đến tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Cảnh sát ở các nước thành viên đã phong tỏa tài sản và các cuộc điều tra tiếp theo vẫn được tiến hành.

Nói về thành công của HEACHI IV, Trưởng Văn phòng Trung ương quốc gia INTERPOL tại Hàn Quốc, Kim Dong Kwon, cho biết: “Điều đáng chú ý là những nỗ lực toàn cầu nhằm đón đầu các xu hướng tội phạm mới nhất đã dẫn đến kết quả hoạt động tăng trưởng đáng kể”. Trong khi đó ông Stephen Kavanagh, Giám đốc điều hành của Interpol cho biết: “Việc thu giữ 300 triệu USD là một số tiền đáng kinh ngạc và minh họa rõ ràng động cơ đằng sau sự phát triển bùng nổ của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia ngày nay”. Thành công từ những chiến dịch như thế này chắc chắn sẽ còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác nữa giữa các bên bởi mục tiêu tối thượng của Interpol vẫn là: “Quét sạch các tổ chức tội phạm để mang lại cuộc sống bình yên”.

Tử Uyên

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/interpol-voi-cuoc-chien-chong-toi-pham-tai-chinh-quoc-te-i725847/