IPCC tập trung thảo luận các giải pháp cho vấn đề khí hậu
Ngày 21/3, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã khai mạc kỳ họp trực tuyến nhằm xem xét báo cáo của Nhóm công tác III hướng tới mục tiêu giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, tìm ra giải pháp giúp giảm thiểu phát thải carbon và bảo vệ môi trường sống trên Trái Đất.
Kỳ họp trực tuyến này có sự tham gia của đại diện của gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới diễn ra từ ngày 21/3-1/4 tới.
Tại kỳ họp, các bên tham gia sẽ đánh giá báo cáo dài gần 3.000 trang của IPCC, trong đó vạch ra các phương án về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và thu gom - xử lý các khí thải này trong không khí. Nhà phân tích cấp cao tại tổ chức nghiên cứu về khí hậu E3G Alden Meyer khẳng định mặc dù tác động tiêu cực của khí thải carbon đang ngày càng tăng, song thế giới vẫn còn thời gian để ngăn chặn viễn cảnh tồi tệ nhất nếu như hành động ngay từ bây giờ. Báo cáo này sẽ cung cấp câu trả lời nếu tất cả đều nghiêm túc với mục tiêu này.
Tháng 8/2021, IPCC đã đưa ra các bằng chứng khoa học về tốc độ ấm lên trên toàn cầu, mực nước biển dâng, sự thay đổi trong tần suất, thời gian và cường độ của các trận bão, nắng nóng và hạn hán. Đây là phần một trong báo cáo đánh giá gồm 3 phần của IPCC. Báo cáo này dự báo nhiệt độ bề mặt Trái Đất sẽ có nguy cơ tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp trong vòng một thập kỷ tới.
Trong khi đó, phần lớn các quốc gia trên thế giới lại đang hướng tới mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ của Trái Đất ở mức 1,5 độ C do Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đề ra. Từ đó, có thể hiểu tại sao việc nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 1,1 độ C đến thời điểm này đã dẫn đến loạt thời tiết cực đoan trên toàn cầu thời gian qua. Thậm chí, những cam kết cắt giảm phát thải carbon gần đây vẫn khiến nhiệt độ Trái Đất có nguy cơ tăng thêm 2,7 độ C vào năm 2100.
Phần 2 của báo cáo đã miêu tả một cách chi tiết những tác động của khí hậu trong quá khứ, dự báo những ảnh hưởng trong tương lai, cũng như những hạn chế trong năng lực thích ứng của nhân loại. Kết luận phần này, IPCC khẳng định việc trì hoãn hành động khí hậu sẽ làm giảm nghiêm trọng cơ hội duy trì môi trường sống trong tương lai.
Phần 3 tập trung vào cách thức loại bỏ những khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong khí quyển, với các chương về những lĩnh vực then chốt đòi hỏi sự thay đổi nhanh chóng và sâu rộng như năng lượng, vận tải, công nghiệp, nông nghiệp và một số lĩnh vực khác. Nhà kinh tế học, đồng tác giả báo cáo Celine Guivarch nhấn mạnh đây là một sự chuyển đổi quy mô lớn của toàn bộ các hệ thống chính.
Điểm nhấn ở đây chính là việc loại bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong nền kinh tế toàn cầu và hướng tới các nguồn năng lượng phát thải thấp hoặc không phát thải, như năng lượng Mặt Trời, năng lượng hạt nhân và hydro. Việc năng lượng tái tạo giờ đây còn rẻ hơn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch tại một số thị trường sẽ hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi này.
Ngoài ra, IPCC cũng chỉ ra một số biện pháp giúp giảm nhu cầu dầu mỏ, khí đốt và than đá như xây dựng các tòa nhà sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, khuyến khích người dân thay đổi lối sống, giảm tiêu thụ thịt bò, giảm các chuyến bay đường dài để nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, việc thay đổi nguồn cung và giảm nhu cầu vẫn chưa đủ mà thế giới cần phải loại bỏ CO2 trong không khí.
Về lý thuyết, do công nghệ này vẫn chưa tồn tại trên quy mô lớn, việc loại bỏ bớt CO2 sẽ giúp bù đắp cho lượng khí phát thải từ những ngành khó chấm dứt phát thải như hàng không, vận tải biển, và giảm bớt lượng CO2 thừa nếu nhiệt độ Trái Đất vượt quá mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Bên cạnh Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới tại Ai Cập, các thông tin và giải pháp của IPCC sẽ là nhịp cầu quan trọng để các nước duy trì thảo luận về việc giảm bớt sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Các giải pháp của IPCC được đúc kết từ hàng trăm mô hình dự báo các lộ trình phát triển giúp đảm bảo mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ Trái Đất trong ngưỡng mà Hiệp định Paris đề ra. Chuyên gia nhận định rằng IPCC đã vạch ra các phương án và trách nhiệm thực hiện tiếp theo sẽ thuộc về các nhà hoạch định chính sách. Việc thực hiện các cam kết về khí hậu trong nước và quốc tế đang trở thành một thách thức lớn hơn bao giờ hết.