IPCC xem xét việc sử dụng đất đai và an ninh lương thực toàn cầu
Chủ tịch IPCC hy vọng báo cáo sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo cộng đồng về những mối đe dọa và nguy cơ mà biến đổi khí hậu gây ra cho những vùng đất mà con người sinh sống, sản xuất lương thực,
Từ ngày 2-6/8, Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã tiến hành phiên họp lần thứ 50 tại Geneva của Thụy Sĩ, để xem xét báo cáo đặc biệt mới nhất của IPCC về tương lai và vai trò của đất đai trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Báo cáo đặc biệt của IPCC sẽ được công bố vào ngày 8/8 với sự chấp thuận của Hội đồng chuyên gia, xem xét các vấn đề "Biến đổi khí hậu, sa mạc hóa, suy thoái đất, quản lý đất đai bền vững, an ninh lương thực và dòng khí hiệu ứng nhà kính trong các hệ sinh thái trên cạn." Đây sẽ là hồ sơ, phân tích khoa học toàn diện nhất cho đến nay về chủ đề này.
Chủ tịch IPCC, ông Hoesung Lee bày tỏ hy vọng báo cáo sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo cộng đồng về những mối đe dọa và nguy cơ mà biến đổi khí hậu gây ra cho những vùng đất mà con người sinh sống, sản xuất lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống.
Ngoài việc nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đối với đất đai, báo cáo cũng đánh giá việc quản lý đất đai tốt góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và mối liên hệ của vấn đề này tới an ninh lương thực.
IPCC là cơ quan của Liên hợp quốc chuyên thực hiện các đánh giá mang tính khoa học liên quan đến biến đổi khí hậu.
IPCC được thành lập năm 1988 bởi Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) với mục đích cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những đánh giá khoa học thường xuyên về biến đổi khí hậu, các tác động của biến đổi khí hậu và các rủi ro tiềm ẩn trong tương lai, đề xuất các chiến lược thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. IPCC bao gồm 195 quốc gia thành viên.
Từ năm 1988, IPCC đã đưa ra 5 báo cáo đánh giá toàn diện và nhiều báo cáo đặc biệt cũng như báo cáo hướng dẫn khoa học, nhằm hỗ trợ các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) thiết lập các thống kê, chỉ dẫn khoa học về phát thải khí nhà kính.
Các đánh giá của IPCC cung cấp cho các chính phủ, chính quyền các cấp những thông tin khoa học, góp phần cho các nhà lãnh đạo hoạch định, phát triển các chính sách về khí hậu.
Các đánh giá của IPCC cũng là một yếu tố cơ bản cho các cuộc đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu. Các báo cáo của IPCC là kết quả làm việc, nghiên cứu của hàng trăm nhà khoa học từ nhiều lĩnh vực khác nhau và được soạn thảo và xem xét trong nhiều giai đoạn, giúp đảm bảo tính khách quan và minh bạch.
IPCC không tiến hành những nghiên cứu về biến đổi khí hậu, mà đánh giá hàng nghìn bài báo khoa học được xuất bản mỗi năm để thông tin đến những người ra quyết định về thực trạng tình hình biến đổi khí hậu.
Các chuyên gia của IPCC xác định các yếu tố đạt được sự thống nhất trong cộng đồng khoa học, những điểm còn khác biệt và những điểm cần nghiên cứu bổ sung./.