IPEF – chiến lược kinh tế mới của Mỹ để ứng phó Trung Quốc
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chuẩn bị giới thiệu chiến lược kinh tế rộng lớn đầu tiên cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chiến lược này nằm trong một thỏa thuận hợp tác có tên gọi 'Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương' (IPEF), dự kiến được Nhà Trắng công bố trong những tuần tới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) công bố ý tưởng về IPEF tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á tổ chức trực tuyến hồi tháng 10 năm ngoái. Ảnh: AP
Với thỏa thuận này, Mỹ muốn hợp tác chặt chẽ hơn với các nước thân thiện về các vấn đề bao gồm thương mại kỹ thuật số, chuỗi cung ứng và công nghệ xanh. IPEF nhằm lấp lỗ hổng về chiến lược hợp tác kinh tế giữa Mỹ và châu Á mà Mỹ để lại vào năm 2017 sau khi rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn được thiết kế để kiềm chế sự trỗi dậy mạnh mẽ Trung Quốc.
Mỹ sẽ không quay trở lại TPP
Mặc dù chi tiết của kế hoạch vẫn chưa được công bố, nhưng IPEF sẽ không phải là nỗ lực để tìm cách đưa Mỹ trở lại TPP (mà nay đã đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP).
Các nhà kinh tế, ngoại giao và chuyên gia thương mại cho rằng chính phủ Mỹ gặp khó khăn trong việc tạo ra một hiệp định hiệu quả, tập hợp nhiều nền kinh tế châu Á để thiết lập các quy tắc về thương mại và công nghệ mới.
Vì vậy, Tổng thống Biden dự kiến sẽ không đưa ra các biện pháp cắt giảm thuế quan và các công cụ mở cửa thị trường truyền thống khác cho các đối tác thương mại, vốn bị các công đoàn lao động, các đồng minh đảng Dân chủ cũng như một số đảng viên Cộng hòa kịch liệt phản đối với lý do chúng sẽ gây thiệt hại cho việc làm và hoạt động sản xuất ở Mỹ.
Trong khi đó, những biện pháp tiếp cận thị trường được coi là điều cần thiết để Mỹ xây dựng các mối quan hệ vững mạnh hơn trong khu vực, đặc biệt là với các nước kém phát triển ở Nam Á và Đông Nam Á đang tìm cách thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và hàng hóa sản xuất công nghiệp sang thị trường Mỹ.
“Tiếp cận thị trường có thể là một trong những hồi đáp quan trọng mà các nước trong khu vực mong đợi từ vai trò dẫn dắt của Mỹ”, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc, Yeo Han-koo nói sau cuộc họp với các quan chức Mỹ ở Washington vào tháng trước.
Một số nhà ngoại giao và kinh tế nhận định nếu thiếu vắng các biện pháp tiếp cận thị trường, IPEF có thể đơn thuần chỉ là một câu lạc bộ khác của Mỹ và các đồng minh giàu như Nhật Bản, Úc, New Zealand và Singapore, vốn đã hoạt động dựa trên các giá trị và quy tắc tương đồng.
Chính quyền Tổng thống Biden xem IPEF là một bước tiến quan trọng trong các nỗ lực của Mỹ bên ngoài các hợp tác an ninh nhằm chống lại tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á.
Năm ngoái, ông Biden đã tăng cường sự hiện diện an ninh đáng kể của Mỹ trong khu vực bằng cách củng cố hợp tác nhóm “Bộ tứ” (hay còn gọi là Đối thoại an ninh bốn bên) bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc, cũng như thiết lập thỏa thuận hợp tác phát triển tàu ngầm mới với Úc và Anh. Nhưng Washington thiếu một chiến lược hợp tác kinh tế toàn diện với khu vực châu Á kể từ khi rút khỏi TPP vào năm 2017 trong bối cảnh đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa lo ngại về tác động tiêu cực của các hiệp định thương mại đối với việc làm của người Mỹ.
Lo ngại sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc
Khung hợp tác mới với khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương được Mỹ đề xuất giữa lúc Trung Quốc tăng cường ngoại giao kinh tế trong khu vực. Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP, phiên bản mới của TPP, và Hiệp định Đối tác kinh tế kỹ thuật số, một liên minh giữa New Zealand, Chile và Singapore, vốn được coi là hình mẫu cho các hiệp định thương mại kỹ thuật số trong tương lai.
Trung Quốc cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ vai trò của mình trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), gồm 15 thành viên, có hiệu lực vào đầu tháng trước.
Các động thái củng cố hợp tác thương mại trong khu vực của Bắc Kinh đã làm dấy lên mối lo ngại giữa các doanh nghiệp Mỹ và các đồng minh thân cận của Mỹ. Họ lo sự vắng mặt của Mỹ trong các hiệp định thương mại khu vực sẽ tạo cơ hội cho Bắc Kinh thiết lập vai trò lãnh đạo trong việc xây dựng các quy tắc và tiêu chuẩn cho thương mại và kinh tế, đặc biệt là trong các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo và thương mại kỹ thuật số.
Tổng thống Biden công bố ý tưởng về IPEF tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á hồi tháng 10 năm ngoái và dự kiến sẽ công bố chi tiết nội dung của nó trong những tuần tới.
“Đây là một khía cạnh cực kỳ quan trọng trong nỗ lực của chúng ta nhằm đảm bảo một khu vực tự do và cởi mở”, Laura Rosenberger, giám đốc cấp cao về Trung Quốc tại Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng, nói về IPEF trong một bài phát biểu gần đây tại Văn phòng quốc gia về nghiên cứu châu Á (NBR).
Bà đã nhấn mạnh “tầm quan trọng của vai trò của Mỹ” trong việc thiết lập các quy tắc để ngăn chặn Trung Quốc đẩy người lao động và công ty Mỹ vào tình thế bất lợi trong dài hạn.
Mỹ cần bảo đảm vai trò dẫn dắt trong các công nghệ mới nổi
IPEF sẽ được thiết kế như một tập hợp các thỏa thuận riêng lẻ, mà các nước trong khu vực có thể lựa chọn để tham gia. Đại diện Thương mại Mỹ, Katherine Tai sẽ chủ trì nỗ lực hợp tác thương mại trong IPEF, bao gồm thương mại kỹ thuật số, tiêu chuẩn lao động và cơ chế tạo thuận lợi thương mại.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Gina Raimondo sẽ giám sát các nội dung về chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và phi carbon hóa, thuế và chống tham nhũng trong IPEF.
Khi đưa ra chiến lược hợp tác kinh tế rộng mở với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chính quyền Tổng thống Joe Biden phải cân bằng nhu cầu giữa một bên là các đối tác thương mại và một bên là các doanh nghiệp và lao động Mỹ cũng phe cấp tiến của đảng Dân chủ.
Các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp Mỹ đã vận động hành lang để đưa các điều khoản thương mại kỹ thuật số mạnh mẽ vào IPEF với kỳ vọng chúng sẽ bảo đảm vai trò dẫn dắt của Mỹ trong các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo và 5G.
Charles Freeman, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách châu Á tại Phòng Thương mại Mỹ, cho biết thỏa thuận kỹ thuật số phải là “tiền đề và trung tâm” của chiến lược hợp tác rộng lớn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong khi đó, một số thành viên của đảng Dân chủ lo IPEF có thể trở thành “một cơ chế cửa hậu” để đưa ra các quy tắc quan trọng trong thương mại kỹ thuật số và các lĩnh vực khác gây bất lợi cho người lao động và người tiêu dùng Mỹ mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ.
Một số chính phủ trong khu vực bao gồm Nhật Bản, Úc và Singapore đã kêu gọi Mỹ quay trở lại TPP, ngay cả khi các quan chức Nhà Trắng bác bỏ khả năng đó, với lý do thiếu sự ủng hộ đầy đủ từ một trong hai đảng tại Quốc hội Mỹ và sự phản đối từ các công đoàn lao động.
Còn hiện tại, các chính phủ này hoan nghênh các tín hiệu của Mỹ trong việc nâng cao hợp tác kinh tế rộng hơn với khu vực. “Dù không quay trở lại TPP, có rất nhiều lĩnh vực mà Mỹ có thể đóng vai trò lãnh đạo trong khu vực”, Koji Tomita, Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ, nói trong cuộc thảo luận gần đây.
Theo Wall Street Journal
Lê Linh