IQ hay EQ đã lỗi thời, TQ mới quyết định thành công của con người hiện đại
TQ (Technology Quotient - trí thông minh công nghệ) là khái niệm chỉ năng lực áp dụng công nghệ vào cuộc sống. Ông John Nosta - nhà tiên phong trong lĩnh vực sức khỏe kỹ thuật số toàn cầu khẳng định: Chúng ta cần phát triển TQ chứ không chỉ IQ và EQ.
Ông John Nosta - nhà sáng lập NostaLab, đồng thời là 1 trong 10 nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong công nghệ sức khỏe toàn cầu năm 2019 do Global Data bình chọn - vừa có bài phát biểu truyền cảm hứng tại buổi diễn thuyết: Đổi mới Hiện tại – Kiến tạo Tương lai, trước thềm Lễ trao giải thưởng KHCN toàn cầu VinFuture, ngày 17/12.
Công nghệ ngày càng cần cho cuộc sống
Một trong những điểm nổi bật trong bài phát biểu của ông John Nosta là khái niệm TQ (Technology Quotient) - một khái niệm không quá mới nhưng thực sự có tác động mạnh mẽ tới lối sống, chất lượng sống cũng như định hướng giáo dục toàn cầu.
IQ - trí thông minh logic từng thống trị hệ thống đánh giá năng lực cá nhân trong thế kỷ XX. Bước sang thế kỷ XXI, con người nhận thức tầm quan trọng của EQ - trí thông minh xúc cảm và đặt EQ lên trên IQ. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông John Nosta, cả IQ và EQ đều chưa đủ để tạo ra nền tảng thành công, mà còn cần phải có TQ - trí thông minh công nghệ. TQ giúp con người hiện đại nâng cao khả năng cạnh tranh của bản thân, có sự sáng tạo đột phá và có cơ hội đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển của toàn cầu.
TQ bao gồm hàng loạt các dạng năng lực liên quan tới khả năng áp dụng công nghệ vào cuộc sống, không chỉ bao gồm khả năng kỹ thuật, lập trình mà còn cả khả năng sử dụng dữ liệu trên Internet, khả năng xử lý tri thức, khả năng tham gia vào mạng xã hội… Những năng lực này được ông John Nosta gọi là “cửa sổ của cuộc sống”.
Cùng với sự phát triển của hệ thống dữ liệu toàn cầu, khoảng cách giữa người với người, giữa quốc gia với quốc gia nằm ở khả năng xử lý dữ liệu và biến dữ liệu thành thông tin tri thức. “Giải pháp duy nhất là công nghệ”, ông John Nosta khẳng định.
Công nghệ đang khiến thế giới thay đổi từng ngày, thậm chí theo cách chúng ta chưa từng nghĩ đến. Ông Nosta dẫn chứng trong trong lĩnh vực y tế mà ông tham gia, việc dân chủ hóa công nghệ còn giúp cho người dân trở nên bình đẳng với bác sĩ hơn. Nếu như trước đây, chiếc ống nghe là biểu tượng quyền lực của bác sĩ, thể hiện đặc quyền thu thập dữ liệu về hệ thống tuần hoàn, hô hấp của người bệnh, thì nay cái ống nghe đã “mất thiêng” vì công nghệ.
Chỉ với một chiếc thẻ giá 79 USD mua trên Amazon có thiết kế như một chiếc thẻ ATM kết nối với điện thoại thông minh, người ta có thể xem được tất cả các chỉ số sức khỏe của mình trong lúc ngồi xem bóng đá, bao gồm cả biểu đồ thể hiện hoạt động, tốc độ cũng như nhịp điệu của tim mà bình thường cần đến một chiếc máy điện tâm đồ cồng kềnh mới có thể đo lường được.
Tương tự, thiết bị đo tiểu đường hiện đại chỉ là một ống nhỏ kẹp ỏ khuỷu tay mà không cần bất cứ động tác xâm lấn dưới da nào.
Những thiết bị y tế hiện đại này nâng cao khả năng bảo vệ sức khỏe của người và giảm dần sự phụ thuộc của họ vào bác sĩ, giúp họ quản trị sức khỏe một cách chủ động hơn.
Giải thưởng đầu tiên lấy khoa học phụng sự nhân loại là tiêu chí hàng đầu
Nhà sáng lập NostaLab cũng đưa ra một khái niệm mới về AI, trong đó AI không phải trí tuệ nhân tạo mà là trí thông minh tăng cường (Augmented Intelligence) - tức sự kết hợp giữa máy móc và con người để nâng cao hiệu suất nhận thức.
“Tôi hay đặt ra câu hỏi có thể gây giận dữ trong các hội thảo y khoa: Ai là người thông minh nhất ở đây? Thường ai cũng nghĩ bác sỹ là người thông minh nhất. Nhưng thực tế không. Phải là bác sĩ kết hợp với AI mới thành người thông minh nhất”, ông John Nosta chia sẻ. Với góc nhìn này của ông Nosta, bất kỳ một cá nhân nào nếu có khả năng TQ để áp dụng thuần thục công nghệ vào cuộc sống, họ cũng sẽ được nhân đôi sức mạnh bằng Augmented Intelligence - một dạng AI kiểu mới - để trở thành người thông minh nhất.
Kết thúc bài phát biểu đầy ý tưởng mới mẻ mang tên “Điểm bùng phát của nhân loại”, ông John Nosta mượn lời nhà tương lai học người Mỹ Alvin Toffler để nhắn nhủ tới các sinh viên tài năng của Việt Nam đang có mặt tại Nhà hát Trường Đại học VinUni rằng: “Người mù chữ của thế kỷ XXI không phải là những người không biết đọc biết viết mà là những người không thể học, không biết quên hết đi và học lại”.
Cũng trong sự kiện chiều 17/12 tại Trường Đại học VinUni, khán giả còn được nghe 3 bài thuyết trình của các nhà khoa học hàng đầu thế giới, gồm: “Chuyển đổi năng lượng - Thiết kế lối sống xanh” của Giáo sư Mark Zachary Jacobson - Giáo sư Kỹ thuật Xây dựng và Môi trường, Giám đốc Chương trình Khí quyển/Năng lượng, Đại học Stanford, Hoa Kỳ; “Giáo dục và nghiên cứu trong thời đại số” của Giáo sư Jennifer Tour Chayes – Thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, Phó trưởng Khoa Máy tính, Khoa học Dữ liệu và Xã hội, Trưởng khoa Thông tin của trường Đại học California, Berkeley; “Sự chuyển đổi trong ngành chăn nuôi - Hướng tới phát thải ròng bằng 0” của Giáo sư Ermias Kebreab - Thành viên Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, Phó Trưởng khoa Phụ trách Hợp tác Toàn cầu của khoa Khoa học Nông nghiệp và Môi trường, Giám đốc Trung tâm Lương thực Thế giới thuộc Đại học California, Davis.
Diễn thuyết truyền cảm hứng: Đổi mới Hiện tại – Kiến tạo tương lai là một trong những hoạt động lớn hướng tới Lễ trao giải VinFuture mùa 2, sẽ diễn ra vào tối 20/12 tới đây tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Với sự vượt trội về số lượng và chất lượng đề cử, Lễ trao Giải thưởng VinFuture mùa 2 nhận được sự kỳ vọng lớn của giới khoa học toàn cầu.
“Thế giới có rất nhiều giải thưởng lớn dành cho khoa học, nhưng VinFuture là giải thưởng đầu tiên lấy tiêu chí khoa học phụng sự nhân loại là tiêu chí hàng đầu”, Giáo sư Jennifer Tour Chayes (ĐH California, Berkeley, Hoa Kỳ) khẳng định.
Lễ trao giải VinFuture lần thứ 2 – một trong những giải thưởng Khoa học Công nghệ lớn nhất hành tinh – sẽ được phát trực tiếp vào lúc 20h10 trên VTV1 và website CNN, Discovery, Euronews, TechNode Global.