Iran bác bỏ yêu cầu của Mỹ về urani, cảnh báo đàm phán hạt nhân có thể đổ vỡ
Giới lãnh đạo Iran ngày 20/5 đồng loạt chỉ trích lập trường của Mỹ về chương trình làm giàu urani, đồng thời cảnh báo các cuộc đàm phán gián tiếp giữa hai bên đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ do bất đồng sâu sắc liên quan đến các 'lằn ranh đỏ' hạt nhân.

Thanh ly tâm tại cơ sở làm giàu urani Natanz ở phía Nam thủ đô Tehran, Iran. Ảnh: GETTY IMAGES/TTXVN
Phát biểu bên lề lễ tưởng niệm một năm ngày mất của cố Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, Ngoại trưởng Seyed Abbas Araghchi khẳng định Iran coi quyền làm giàu urani vì mục đích hòa bình là “không thể thương lượng”. Ông gọi quan điểm gần đây của Mỹ yêu cầu Tehran dừng hoàn toàn hoạt động này là phi logic và không thể chấp nhận. Bộ trưởng Araghchi nhấn mạnh trong mọi trường hợp, Iran sẽ không từ bỏ những quyền hợp pháp này.
Cùng ngày, Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cảnh báo rằng các cuộc đàm phán với Mỹ khó có thể mang lại kết quả, giữa lúc bế tắc ngoại giao về các hoạt động làm giàu urani của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Ông Khamenei nhận định: “Chúng ta nghĩ đàm phán sẽ không dẫn đến bất kỳ kết quả nào. Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra”, và nói thêm rằng việc phủ nhận quyền làm giàu urani của Iran là “một sai lầm lớn”.
Từ giữa tháng 4, Iran và Mỹ đã tiến hành 4 vòng đàm phán gián tiếp dưới sự trung gian của Oman nhằm tìm kiếm một giải pháp cho chương trình hạt nhân và gỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, các nguồn tin ngoại giao và Chính phủ Iran cho biết, bất đồng sâu sắc liên quan đến mức độ làm giàu urani và thứ tự dỡ bỏ các lệnh trừng phạt vẫn là rào cản chính, ngăn trở việc đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Mỹ coi việc Iran tiếp tục làm giàu urani là “lằn ranh đỏ”, trong khi Tehran tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ giới hạn nào với chương trình hạt nhân dân sự của mình. Hai bên cũng chưa đạt được đồng thuận về việc Iran có bắt buộc phải chuyển toàn bộ kho dự trữ urani ra nước ngoài hay không.
Theo một quan chức Iran, Tehran đã từ chối lời mời từ Oman cho vòng đàm phán thứ 5, dự kiến diễn ra tại Rome vào cuối tuần này, sau khi Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff khẳng định hoạt động làm giàu urani sẽ không được phép tiếp diễn trong bất kỳ thỏa thuận nào.
Trong nỗ lực tháo gỡ bế tắc, Qatar và Oman đang thúc đẩy một cơ chế ba bên nhằm thu hẹp khác biệt giữa Tehran và Washington. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Qatar hôm 20/5, Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani cho biết nước này đang hợp tác chặt chẽ với Oman để thúc đẩy các cuộc tiếp xúc gián tiếp, đồng thời xác nhận đã thảo luận với Tổng thống Mỹ Donald Trump về một đề xuất hạt nhân mới.
Theo ông Sheikh Mohammed, cả phía Mỹ và Iran đều thể hiện thái độ “tích cực” trong các tiếp xúc gần đây, dù các bất đồng vẫn còn sâu sắc. Tổng thống Trump từng tuyên bố một thỏa thuận đang “gần kề”, song Iran cho biết vẫn đang đánh giá đề xuất này và chưa có quyết định cuối cùng.
Các nhà phân tích nhận định, nếu không có đột phá trước tháng 8 – thời điểm các nước châu Âu có thể kích hoạt “cơ chế phục hồi” theo nghị quyết Liên hợp quốc năm 2015 – Iran có nguy cơ đối mặt với làn sóng trừng phạt mới từ phương Tây. Trong kịch bản khả quan nhất, hai bên có thể đạt được một khuôn khổ chính trị ban đầu giống như thỏa thuận tạm thời năm 2013, tạo nền tảng cho đàm phán chi tiết sau đó.
Tuy nhiên, với môi trường địa chính trị hiện nay phức tạp hơn và lòng tin giữa hai bên ở mức thấp, các nhà ngoại giao cảnh báo rằng tiến trình này có thể kéo dài hơn rất nhiều so với trước đây.