Israel mở chiến dịch 'Cỗ xe ngựa của Gideon' ở Gaza, bất chấp áp lực quốc tế
Lực lượng Phòng vệ Israel nhận phản ứng mạnh từ cộng đồng quốc tế khi phát động một cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn vào Dải Gaza mang tên 'Cỗ xe ngựa của Gideon'.
Tuần qua, Lực lượng Phòng vệ Israel đã phát động một cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn vào Dải Gaza, lấy tên “Cỗ xe ngựa của Gideon”. Cuộc tấn công diễn ra sau hơn hai tháng Gaza bị phong tỏa hoàn toàn và Israel tuyên bố chấm dứt lệnh ngừng bắn với Hamas, theo kênh Al Jazeera.
Israel hiện đang chịu áp lực ngày càng lớn từ cộng đồng quốc tế, bao gồm các đồng minh thân cận trong chính quyền Mỹ, nhằm chấp thuận một lệnh ngừng bắn và cho phép viện trợ được đưa vào Gaza.
Dưới đây là thông tin về chiến dịch tấn công trên bộ mới nhất của Israel vào Dải Gaza.

Tìm kiếm nạn nhân sau một cuộc không kích ở trại tị nạn Jabalia (phía bắc Dải Gaza) ngày 15-5. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Chiến dịch “Cỗ xe ngựa của Gideon”
Chiến dịch “Cỗ xe ngựa của Gideon”, bắt đầu vào ngày 18-5. Đây là một cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn do Israel phát động nhằm vào cả khu vực phía nam và phía bắc Gaza.
Israel tuyên bố chiến dịch lần này đang gây ra “áp lực khủng khiếp” lên Hamas. Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu phát động cuộc tấn công này ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc chuyến công du Trung Đông mà không dừng chân tại Israel.
Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết cuộc tấn công được phát động nhằm mở rộng “kiểm soát tác chiến” tại Dải Gaza và giải cứu những con tin còn bị giữ tại Gaza cũng như đánh bại Hamas.
Kể từ Israel xác nhận thông tin về chiến dịch, cơ quan y tế Palestine đã báo cáo về 144 người thiệt mạng do làn sóng không kích dữ dội. Theo nguồn tin y tế, 42 người chết ở khu vực phía bắc Dải Gaza – nơi bị oanh tạc nặng nề nhất.
Ở phía nam Gaza, 36 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương trong các cuộc không kích của Israel nhằm vào khu trại tị nạn của người Palestine tại khu vực al-Mawasi (TP Khan Younis).
Trong tuần qua, Israel đã tấn công hơn 670 địa điểm (cả trên và dưới mặt đất) tại Gaza, mà Israel cho là “mục tiêu của Hamas”. Ngày 19-5, Israel ban hành lệnh sơ tán bắt buộc đối với người dân ở Khan Younis, đồng thời cảnh báo về một “cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ”.
Mục tiêu của Israel và phản ứng của Hamas
Israel tuyên bố nhắm vào các mục tiêu của Hamas. Trong số các địa điểm bị tấn công có cả các bệnh viện – mục tiêu lặp đi lặp lại của quân đội Israel tại Gaza. Ông Muhammad Zaqout - Tổng Giám đốc các bệnh viện ở Gaza - mô tả chiến thuật này là một phần của “các biện pháp có hệ thống của Israel nhằm vào bệnh viện”.
Ông Marwan al-Sultan – Giám đốc một cơ sở y tế – mô tả tình hình hiện tại là “thảm họa”, đồng thời kêu gọi các tổ chức quốc tế bảo vệ an toàn cho đội ngũ y tế.
Bệnh viện Al-Awda ở Jabalia (miền bắc Gaza) và Bệnh viện châu Âu Gaza ở miền nam cũng đã bị đánh bom.
Trong những ngày gần đây, Israel tuyên bố đã tiêu diệt ông Mohammad Sinwar – lãnh đạo của Hamas tại Dải Gaza và là em trai của cố lãnh đạo Hamas Yahya Sinwar.
Israel cũng được cho là đã tiêu diệt ông Zakaria Sinwar – một người anh của ông Yahya - cùng 3 người con của ông Zakaria Sinwar trong một cuộc không kích ở trung tâm Gaza.
Hôm 19-5, Bệnh viện Indonesia ở miền bắc Gaza đã ngừng hoạt động sau khi bị lực lượng Israel bao vây. Các chuyên gia y tế cảnh báo việc này có thể khiến hàng ngàn bệnh nhân và người bị thương thiệt mạng.
Đáp lại, Hamas gọi các cuộc tấn công nhằm vào người dân Palestine sơ tán ở Khan Younis là một “tội ác tàn bạo” và là hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp cùng các chuẩn mực quốc tế.
Hamas cũng đổ lỗi cho Mỹ vì hậu thuẫn Israel.
“Bằng cách trao cho chính phủ chiếm đóng khủng bố sự hậu thuẫn chính trị và quân sự, chính quyền Mỹ phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho đợt leo thang điên cuồng nhắm vào dân thường vô tội ở Dải Gaza, bao gồm trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi”- theo tuyên bố của Hamas ngày 19-5.

Trẻ em Palestine ngồi cạnh những bao ngũ cốc bị cháy sau khi một cuộc không kích ở TP Gaza (Dải Gaza) ngày 13-5. Ảnh: AFP
Tình hình đàm phán ngừng bắn và phản ứng quốc tế
Vòng đàm phán mới nhất bắt đầu vào ngày 17-5, nhưng đến hết ngày 18-5 hai bên vẫn chưa đạt được tiến triển đáng kể.
Các cuộc đàm phán dự kiến sẽ tiếp tục trong tuần này. Cả Israel và Hamas đều tuyên bố rằng vòng đàm phán này bắt đầu mà không có điều kiện tiên quyết.
“Phái đoàn Hamas đã trình bày quan điểm của nhóm, nhấn mạnh sự cần thiết phải chấm dứt chiến tranh, thực hiện trao đổi tù nhân, Israel rút quân khỏi Gaza, cho phép viện trợ nhân đạo cũng như mọi nhu cầu thiết yếu của người dân được đưa trở lại Dải Gaza” - ông Taher al-Nono, cố vấn truyền thông của ban lãnh đạo Hamas, nói với hãng tin Reuters.
Trong bối cảnh các cuộc không kích hiện tại, cộng đồng quốc tế đang gia tăng chỉ trích đối với Israel.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cho biết ông “rất lo ngại” trước việc Israel mở rộng chiến dịch tấn công và kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức.
Đức, một trong những đồng minh thân cận nhất của Israel, cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc.
“Một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn đồng nghĩa với nguy cơ rằng tình hình nhân đạo thảm khốc ở Gaza sẽ trở nên tồi tệ hơn, số con tin còn lại sẽ gặp nguy hiểm, và triển vọng của một lệnh ngừng bắn lâu dài cần thiết khẩn cấp sẽ mờ nhạt dần” - theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức.
Sau khi chiến dịch được xác nhận, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot đã kêu gọi ngay lập tức nối lại viện trợ, với quy mô lớn và không bị cản trở, vào Gaza.
Lãnh đạo của Iceland, Luxembourg, Malta, Slovenia, Tây Ban Nha và Na Uy đã đưa ra tuyên bố chung về điều họ gọi là “thảm họa nhân đạo do con người gây ra đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta ở Gaza”.
Ông Tom Fletcher - người đứng đầu cơ quan nhân đạo của LHQ - đã kêu gọi hành động quyết liệt để ngăn chặn tội ác diệt chủng ở Gaza.
Ông Fletcher chỉ trích kế hoạch chung Mỹ-Israel nhằm thay thế các cơ chế viện trợ quốc tế tại Gaza là “lãng phí thời gian”. Ông cho biết có hơn 160.000 kiện viện trợ đang sẵn sàng tại biên giới, nhưng bị Israel chặn lại.
Ông Volker Turk - Cao ủy Nhân quyền LHQ - ngày 16-5 nói rằng chiến dịch đánh bom của Israel nhằm tạo ra “sự thay đổi nhân khẩu vĩnh viễn” ở Gaza, và hành động này đang thách thức luật pháp quốc tế.