Iran bí mật phát triển tên lửa hạt nhân có khả năng tấn công châu Âu
Theo Hội đồng Kháng chiến quốc gia Iran, Tehran đang bí mật phát triển tên lửa hạt nhân có khả năng vươn tới châu Âu dựa trên thiết kế do Triều Tiên chuyển giao.
Báo cáo của Hội đồng Kháng chiến quốc gia Iran (NCRI) cho biết tên lửa hạt nhân mới đang được Iran sản xuất tại hai địa điểm ngụy trang thành cơ sở phóng vệ tinh. Tehran cũng tiến hành đẩy nhanh tốc độ thực hiện chương trình vũ khí hạt nhân tại những cơ sở này.
NCRI tiết lộ thêm tên lửa mới có khả năng di chuyển hơn 3.000 km và nhắm tới mục tiêu ở châu Âu.
Tờ New York Post đưa tin một trong những cơ sở bí mật do NCRI đánh dấu là cơ sở sản xuất tên lửa Shahrud, nằm dưới sự điều hành của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Nhóm này tin đầu đạn hạt nhân phát triển tại địa điểm này sẽ được sử dụng để lắp trên tên lửa Ghaem-100 và có khả năng vươn tới tận Hy Lạp.
NCRI ước tính Iran thử nghiệm bệ phóng tên lửa tại cơ sở Shahrud ít nhất 3 lần. Các vụ phóng đều được che giấu như một phần của vụ phóng vệ tinh. NCRI cũng tin IRGC có kế hoạch thử nghiệm tên lửa Ghaem tiên tiến hơn trong những tháng tới.
Trong khi đó, cơ sở thứ hai nằm cách Semnan gần 70 về phía đông nam, nơi Tehran đang phát triển tên lửa Simorgh dựa trên thiết kế của Triều Tiên. NCRI thông tin một phần diện tích của địa điểm này đang giấu dưới lòng đất. NCRI cũng cáo buộc Tehran mở rộng địa điểm này kể từ năm 2005.
Cùng thời điểm, tờ New York Times đưa tin nhà khoa học Iran đang nghiên cứu phương pháp nhanh hơn để phát triển bom hạt nhân nhằm ngăn chặn hành động quân sự của Mỹ hoặc Israel.
Các nguồn tin không cung cấp chi tiết về phương pháp mới, nhưng mô tả nó là "cách tiếp cận nhanh hơn". Nhà khoa học Iran cũng tiến hành khám phá lối tắt cho phép biến vật liệu hạt nhân thành vũ khí chức năng trong vòng vài tháng.
Hiện tại, Iran có đủ nhiên liệu hạt nhân để chế tạo ít nhất 4 quả bom hạt nhân.
Trong khi Iran chưa đạt đến ngưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân thì những diễn biến gần đây trong khu vực, bao gồm sự sụp đổ của chính quyền cựu Tổng thống Syria Bashar Assad và sự suy yếu của lực lượng Hezbollah đã thúc đẩy Tehran đẩy nhanh hoạt động hạt nhân.