Iran, cơ sở hạt nhân và cuộc chiến 12 ngày
Khi cuộc chiến 12 ngày Israel - Iran kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn mong manh, câu hỏi lớn nhất hiện nay là chiến dịch tấn công quân sự của Israel - với Mỹ hậu thuẫn - có phải là một thành công chiến lược hay không? Câu trả lời được cho là phụ thuộc vào hiện trạng của cơ sở làm giàu hạt nhân quy mô lớn nằm sâu trong núi - Nhà máy hạt nhân Fordow.
Trong số các cơ sở bị nhắm đến, Fordow có lẽ là cơ sở kiên cố và khó bị phá hủy nhất. Đây là nơi sản xuất và lưu trữ uranium làm giàu cao (HEU), được xây dựng sâu khoảng 80-100 mét dưới lòng đất và được che chắn bằng bê tông cốt thép để bảo vệ khỏi hầu hết các cuộc không kích thông thường - bài học mà Iran đã rút ra sau khi chứng kiến Israel phá hủy các cơ sở hạt nhân khác ở Trung Đông.
Trước chiến tranh, Iran được cho là có khoảng 2.000 máy ly tâm hoạt động ở Fordow, bao gồm cả các máy IR-6 tiên tiến, trong đó có khoảng 350 máy đang làm giàu uranium lên mức 60% - mức độ đáng lo ngại vì không có lý do dân sự nào biện minh cho mức độ làm giàu cao như vậy.

Người lính Israel với nhiều trang bị vũ khí từ Mỹ.
Có những báo cáo mâu thuẫn về mức độ thiệt hại mà cuộc tấn công đã gây ra cho Fordow. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Dan Caine cho biết: “Đánh giá thiệt hại ban đầu cho thấy cả 3 địa điểm đều bị hư hại và phá hủy nghiêm trọng”. Ngoài ra, theo quan điểm của Rafael Grossi, người đứng đầu Cơ quan hạt nhân Liên hợp quốc, với khối lượng thuốc nổ được sử dụng và tính chất cực kỳ nhạy cảm với rung động của các máy ly tâm, rất có thể khả năng vụ tấn công đã gây ra thiệt hại đáng kể.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Tehran, vốn đã dự đoán trước cuộc tấn công vào Fordow, có thực hiện các bước đi nhằm giảm thiểu thiệt hại cho chương trình hạt nhân của mình hay không, chẳng hạn như di dời một phần HEU sang nơi khác hoặc cố gắng bít kín các đường hầm ra vào và các trục thông gió của công trình. Một đánh giá ban đầu của tình báo Mỹ cho rằng, cuộc tấn công của Mỹ không làm sập các tòa nhà ngầm ở Fordow và Iran đã di dời phần lớn HEU trước các cuộc tấn công. Trong trường hợp đó, chiến dịch quân sự chỉ khiến chương trình hạt nhân của Tehran bị trì hoãn vài tháng. Nhà Trắng thì cho rằng đánh giá này là “hoàn toàn sai”.
Tình trạng của Fordow sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng Iran từ bỏ chương trình hạt nhân hay tiếp tục theo đuổi vũ khí hạt nhân, nếu không muốn nói là sở hữu vũ khí hạt nhân sau chiến tranh của Iran.
Nguy cơ cuộc chiến vẫn tiếp tục
Mỹ đã sử dụng bom xuyên phá hầm GBU-57, loại vũ khí tốt nhất để xuyên qua các cơ sở ngầm, để tấn công Fordow. Tuy nhiên, nếu cuộc tấn công chỉ phá hủy một phần Fordow hoặc nếu Iran có thể cứu vãn một phần HEU, Tehran khó có khả năng đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân nếu không có các cuộc tấn công tiếp theo.
Iran được biết đến đã theo đuổi năng lực hạt nhân ngay cả trước khi Cộng hòa Hồi giáo lên nắm quyền năm 1979 và chương trình hạt nhân nội địa gắn liền với niềm tự hào dân tộc, ý thức về sự vĩ đại của Ba Tư trong lịch sử và tinh thần chống can thiệp từ bên ngoài. Hơn nữa, chế độ giáo sĩ dưới quyền Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei có lịch sử lâu dài trong việc đối đầu với các thách thức thay vì giải quyết chúng một cách thực dụng.
Nếu một số phòng đặt các máy ly tâm - được nối kết theo trình tự nhất định để tăng dần nồng độ đồng vị phân hạch - trong cơ sở ngầm vẫn hoạt động được, có thể chính quyền Iran quyết định rằng họ đã chống chọi được sức mạnh thông thường của Israel - Mỹ và một lần nữa tìm cách đưa chương trình hạt nhân tiến gần ngưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân - hoặc thậm chí đẩy nhanh để sở hữu vũ khí hạt nhân. Khả năng kịch bản này xảy ra càng cao nếu các thành phần của chương trình phát triển vũ khí - biến vật liệu hạt nhân cấp độ dân dụng thành vũ khí và phương tiện phóng - cũng sống sót sau đợt tấn công phối hợp của Israel và Mỹ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bất kỳ hoạt động hậu chiến nào của Iran tại Fordow hoặc các địa điểm khác bị tấn công đều có thể dễ dàng bị phát hiện.
Một Fordow còn hoạt động được có khả năng chỉ khiến chương trình hạt nhân và cuộc xung đột xung quanh nó tạm dừng. Khi đó, các cuộc tấn công của Israel nhằm vào chương trình hạt nhân Iran trong tương lai có thể sẽ là điều không thể tránh khỏi, bất kể chính quyền Mỹ có tham gia hay không.
Từ bỏ
Nếu Fordow, bao gồm cả các phòng máy ly tâm, chịu thiệt hại đủ lớn khiến cơ sở này gần như không thể sử dụng nếu không được tái thiết quy mô lớn, và Tehran không kịp di dời bất kỳ uranium làm giàu cao nào trước các đợt không kích của Mỹ, Iran sẽ buộc phải từ bỏ chương trình hạt nhân trong các cuộc đàm phán - đặc biệt nếu đổi lại họ nhận được đảm bảo an ninh chế độ, dỡ bỏ trừng phạt kinh tế và các biện pháp duy trì lợi ích dân sự từ năng lượng hạt nhân.
Các lãnh đạo Iran nhiều khả năng sẽ tính toán rằng họ không được lợi gì khi trì hoãn đàm phán hạt nhân, vì sẽ mất nhiều năm để khôi phục chương trình, đặc biệt nếu các hệ thống tên lửa và cơ sở phát triển vũ khí hạt nhân cũng bị phá hủy nặng nề. Hơn nữa, như đã nói, bất kỳ nỗ lực tái thiết nào ở Fordow đều sẽ dễ dàng bị phát hiện và có thể khiến Israel hoặc Mỹ cân nhắc tấn công lần nữa.
Tuy nhiên, do Iran cam kết lâu dài với năng lực hạt nhân nội địa, giám sát chặt chẽ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) có thể cần thiết để đảm bảo Tehran khong âm thầm khôi phục chương trình khi mọi thứ lắng xuống. Chính phủ Iran có thể cho rằng sẽ rất khó để khôi phục ngay mọi thứ sau khi chúng bị phá hủy, nhưng sẽ dễ thực hiện và che giấu hơn trong tương lai. Iran có thể vẫn giữ năng lực chuyên môn để tái khởi động nhanh hơn sau này.
Ý chí và quyết tâm
Và, có thể Fordow vẫn hoạt động, bất kể lượng uranium làm giàu cao có được di dời hay không. Dù đây là kịch bản ít có khả năng xảy ra nhất, nhưng Fordow có thể vẫn gần như nguyên vẹn. Có thể công tác chuẩn bị trước cuộc tấn công của Iran, như chôn lấp các lối vào đường hầm hoặc các trục thông gió hiệu quả hơn dự đoán. Hoặc, các quả bom GBU-57 kém hiệu quả hơn dự kiến.

Hệ thống phòng không Iran bị thiệt hại nặng trong đợt tấn công bất ngờ đầu tiên của Israel.
Nếu phần quan trọng dưới lòng đất của Fordow phần lớn không bị hư hại, bất chấp việc cơ sở hạ tầng trên mặt đất bị phá hủy, Chính phủ Iran có thể tin rằng vũ khí thông thường không đủ sức phá hủy cơ sở này để đe dọa chương trình làm giàu uranium của họ. Kết quả này sẽ dẫn đến nhiều hệ quả. Thứ nhất, Iran vẫn duy trì khả năng làm giàu uranium ở mức cao mà không gián đoạn. Thứ hai, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và những người kế nhiệm có thể kêu gọi tiếp tục tấn công quân sự nhằm vào Iran và có thể tìm cách mua loại bom xuyên phá hầm mạnh hơn để tự mình phá hủy Fordow. Thứ ba, khu vực sẽ không có được sự ổn định hậu chiến, vì chương trình hạt nhân Iran vẫn tiếp tục. Hệ quả thứ tư là Iran sẽ tìm cách đảm bảo các cơ sở hạt nhân trong tương lai cũng được bảo vệ chắc chắn như Fordow, khiến các cuộc tấn công sau này trở nên khó khăn hơn.
Gần Natanz có một cơ sở ngầm bên trong núi Kũh-e Kolang Gaz Lã (còn gọi là núi Pickaxe), được phát hiện năm 2024. Nơi này còn sâu hơn Fordow, mục đích thực sự chưa rõ và chưa có thanh sát viên quốc tế nào ghé thăm. Tờ Financial Times đưa tin: “Trong khi Fordow được cho là có 2 lối hầm, Pickaxe có ít nhất 4, khiến việc bít kín các lối vào bằng bom khó hơn. Các sảnh ngầm của nó cũng có diện tích rộng hơn”.
Nhiều cơ sở hạt nhân của Iran ban đầu được xây dựng bí mật và chỉ lộ ra sau nhiều năm. Sẽ không ngạc nhiên nếu Iran - vốn quyết tâm theo đuổi năng lực hạt nhân nội địa - không để toàn bộ chương trình của mình ở những địa điểm đã bị lộ ngay trước chiến tranh. Hơn nữa, Tehran từng tẩy xóa và phá dỡ một phần các cơ sở hạt nhân trước khi IAEA kiểm tra. Chẳng hạn, một số địa điểm như Lavisan-Shian, Varamin và Turquzabad không bị nhắm đến trong các đợt không kích gần đây, nên chúng hoàn toàn có thể đã được tái sử dụng ngay hoặc trong tương lai.
Trong kịch bản này, rất khó để Tehran từ bỏ chương trình hạt nhân trong đàm phán. Thay vào đó, họ có thể tái sử khởi động các nỗ lực tiến sát ngưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân, tìm cách khôi phục hoặc tiếp tục các phần khác của chương trình, bao gồm hệ thống tên lửa mang đầu đạn và cơ sở vũ khí hóa vật liệu hạt nhân. Khi năng lực làm giàu uranium vẫn được bảo toàn, Lãnh tụ Tối cao Iran cũng có thể quyết định chế tạo và cho nổ thử bom hạt nhân để chứng minh cho đối thủ thấy Iran đã gia nhập “câu lạc bộ hạt nhân”. Nói cách khác, rất có thể kết cục cuối cùng lại chính là kịch bản khiến Israel và Mỹ nhắm vào Fordow ngay từ đầu.
5 tính toán chiến lược được cho là sai lầm của Israel đối với Iran
Kỳ vọng vào một cuộc nổi dậy của người dân chống lại chính quyền Iran đương nhiệm được cho là một trong những sai lầm đầu tiên đối với mục đích không kích Iran của Israel. Israel từng dự đoán các cuộc không kích sẽ thúc đẩy những người Iran bất mãn xuống đường biểu tình, gây ra bạo loạn và chào đón các đợt không kích của Israel. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Trái với kỳ vọng của giới truyền thông ủng hộ chiến tranh cũng như các đồng minh của Israel, ngay cả các thị trường và Văn phòng Chính phủ tại Iran vẫn hoạt động bình thường. Không có bất kỳ báo cáo nào về tình trạng cướp bóc hay các cuộc tấn công vào cơ quan chính phủ; thay vào đó, sự hợp tác và ủng hộ từ phía người dân đối với chính quyền lại gia tăng.
Sai lầm thứ hai của Israel là đánh giá thấp năng lực quân sự của Iran. Cuộc tấn công bất ngờ đã gây tổn thất nặng nề cho hàng ngũ lãnh đạo quân sự, ngành công nghiệp quốc phòng cũng như các kho dự trữ thiết bị bay không người lái, tên lửa và hệ thống radar của Iran. Tuy nhiên, cuộc tấn công không thể làm tê liệt hoàn toàn cơ sở hạ tầng phòng thủ của Iran. Chỉ trong vài ngày, Iran đã phóng khoảng 2.000 tên lửa và thiết bị bay không người lái vào Israel. Câu chuyện đã và đang diễn ra như đối với Yemen, nơi mà tiềm lực và khả năng quân sự còn thấp hơn Iran nhiều lần, nhưng không được giới chức quân sự Israel rút kinh nghiệm. Chưa từng có chính quyền nào sụp đổ chỉ vì các cuộc không kích, nếu không có sự tham gia của lực lượng bộ binh trong một cuộc chiến trên mặt đất.
Sai lầm thứ ba là Israel phớt lờ nhận thức của khu vực và quốc tế về hành động của mình. Sau những gì diễn ra ở Dải Gaza, có thể thấy dư luận khu vực và quốc tế, cũng như nhiều chính phủ ở Trung Đông không ủng hộ hành động xâm lược của Israel nhằm vào Iran. Thay vì nhận được sự ủng hộ, Israel phải đối mặt với làn sóng chỉ trích từ nhiều quốc gia, trong đó một số nước - như Pakistan - thậm chí còn công khai thể hiện sự ủng hộ đối với Iran.
Sai lầm thứ tư là không tính đến chính những điểm yếu của mình. Israel có diện tích chỉ bằng 1/80 diện tích của Iran. 60% lãnh thổ nước này là sa mạc không người ở (Negev), trong khi hơn 90% dân số tập trung sinh sống ở 10% diện tích đất còn lại - vốn là những khu vực bằng phẳng, đông dân cư và do đó dễ trở thành mục tiêu tấn công từ trên không.
Sai lầm thứ năm là đã bỏ qua nguyên tắc vàng - kẻ gây chiến thường thua cuộc. Thua cuộc ở đây không hẳn chỉ tính trong phạm vi một chiến dịch quân sự, mà xét về tổng thể. Từ Thế chiến II, Chiến tranh Afghanistan... đã chứng minh điều đó. Israel từng tấn công Nam Lebanon, nhưng phải rút quân và chính điều này đã góp phần tạo nên tổ chức Hezbollah ngày nay.