Air India 171: 32 giây định mệnh

Báo cáo sơ bộ hé lộ chuỗi sự cố diễn ra chỉ trong 32 giây sau khi máy bay Air India cất cánh với một chi tiết then chốt nằm ở buồng lái.

Báo cáo điều tra sơ bộ vừa công bố đã tiết lộ chuỗi sự kiện xảy ra trong 32 giây cuối cùng của chuyến bay Air India số hiệu 171: từ lúc máy bay cất cánh cho đến khi rơi xuống khu ký túc xá Bệnh viện Đại học Y BJ ở phía tây Ấn Độ, khiến 241 người trên khoang và 19 người dưới mặt đất thiệt mạng. Chỉ duy nhất một hành khách sống sót.

Báo cáo tập trung phân tích giai đoạn ngay sau khi máy bay cất cánh, cho thấy hai công tắc điều khiển nhiên liệu trên buồng lái đã chuyển sang vị trí "Cutoff" gần như cùng lúc, khiến dòng nhiên liệu tới cả hai động cơ bị ngắt hoàn toàn, dẫn đến mất lực đẩy tức thời.

Hai công tắc này nằm ở bảng điều khiển trung tâm trong buồng lái, ngay bên dưới cần đẩy lực của động cơ. Chúng có nhiệm vụ điều tiết nhiên liệu vào động cơ, thường được sử dụng khi khởi động hoặc tắt máy trên mặt đất hoặc trong trường hợp cần ngắt động cơ khẩn cấp khi đang bay.

Công tắc được thiết kế với cơ chế khóa lò xo, bắt buộc phải kéo lên trước khi chuyển từ chế độ "Run" sang "Cutoff" hoặc ngược lại nhằm tránh bị gạt nhầm.

Theo các chuyên gia hàng không, việc hai công tắc này bị ngắt gần như không thể xảy ra một cách vô tình và hậu quả của hành động này là mất lực đẩy ngay lập tức.

Báo cáo khẳng định rằng mọi hệ thống vận hành hoàn toàn bình thường cho đến thời điểm máy bay rời khỏi mặt đất. Tuy nhiên, trong vòng 32 giây sau khi cất cánh, hàng loạt diễn biến nghiêm trọng đã xảy ra: mất lực đẩy, kích hoạt hệ thống năng lượng khẩn cấp, và nỗ lực khởi động lại động cơ.

Sau khi nhiên liệu bị ngắt, công suất động cơ giảm nhanh chóng khỏi mức đẩy cất cánh.

Ghi âm từ buồng lái cho thấy một phi công hỏi người còn lại "Tại sao anh ngắt nhiên liệu?" và người kia trả lời: "Tôi không làm vậy". Báo cáo không nêu danh tính hai phi công trong cuộc trao đổi này.

Máy bay được trang bị hệ thống cho phép tự động khởi động lại động cơ khi công tắc nhiên liệu được chuyển từ chế độ “Cutoff” sang “Run”.

Báo cáo sơ bộ cho thấy, sau khi hai công tắc được chuyển trở lại, nhiệt độ khí xả (EGT) ở cả hai động cơ tăng lên, dấu hiệu cho thấy quá trình đánh lửa đã được kích hoạt trở lại.

Động cơ bên trái cho thấy tín hiệu phục hồi rõ rệt: quá trình giảm tốc lõi dừng lại, đảo chiều và bắt đầu lấy lại công suất. Trong khi đó, động cơ bên phải tuy được khởi động lại nhưng không thể ngăn được đà giảm vòng quay, buộc hệ thống phải liên tục bơm nhiên liệu nhằm phục hồi tốc độ lõi, nhưng không thành công.

Chỉ 6 giây trước khi rơi xuống đất (tức 26 giây sau khi cất cánh), một trong hai phi công đã phát tín hiệu cấp cứu: “Mayday, Mayday, Mayday” - tín hiệu quốc tế khẩn cấp dùng trong tình huống đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng.

Trạm kiểm soát không lưu lập tức phản hồi nhưng không nhận được thêm tín hiệu nào từ buồng lái. Chỉ vài giây sau, kiểm soát viên chứng kiến máy bay lao xuống bên ngoài phạm vi sân bay.

Đến 13:39:11 (giờ địa phương), hộp ghi dữ liệu bay (FDR) của máy bay ngừng ghi nhận tín hiệu.

Chiếc Boeing sau đó va chạm với khu ký túc xá của Đại học Y BJ, nằm cách đầu đường băng khoảng 1,6 km. Theo báo cáo, mảnh vỡ văng ra khắp một khu vực rộng khoảng 37.000 m2, ảnh hưởng trực tiếp đến 5 tòa nhà lân cận, gây thiệt hại nghiêm trọng về kết cấu và cháy lớn.

Tại hiện trường, giới chức tìm thấy cả hai công tắc điều khiển nhiên liệu đều đang ở vị trí “Run”.

Vụ việc đang được Cục Điều tra Tai nạn Hàng không Ấn Độ (AAIB) thụ lý. Báo cáo điều tra cuối cùng dự kiến sẽ được công bố trong vòng một năm tới.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/air-india-171-32-giay-dinh-menh-post1568722.html