Iran, Cuba là hình mẫu cho thấy lệnh trừng phạt không tác dụng
Lệnh trừng phạt kinh tế đã xuất hiện từ thời Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte nhưng đến nay không có nhiều dấu hiệu cho thấy chúng đem lại kết quả như mong đợi. Cuba và Iran là một trong những ví dụ của điều này.
Tờ Guardian (Anh) ngày 2/3 cho biết Hoàng đế Pháp Napoleon từng ban hành lệnh cấm vận với hàng hóa xuất khẩu của Anh vào đầu thế kỷ 19. Trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Anh và Pháp đều cố gắng khiến đối phương kiệt quệ.
Từ năm 1945, các lệnh trừng phạt đã được sử dụng với tần suất ngày càng nhiều như một biện pháp cố gắng thay đổi lập trường chính sách hoặc chế độ tại các quốc gia thuộc diện mục tiêu.
Nghiên cứu do Viện nghiên cứu Ifo (Đức) thực hiện nhấn mạnh rằng đã có trên 1.400 trường hợp các quốc gia bị đe dọa hoặc trở thành nạn nhân của lệnh trừng phạt từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Trung bình, mức sống tại quốc gia chịu lệnh trừng phạt kinh tế sẽ giảm 4% trong 2 năm đầu. Nhà kinh tế học Adam Slater tại công ty tư vấn Oxford Economics đánh giá các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga từ năm 2014 đến 2018 đã khiến GDP nước này giảm khoảng 1,2%”.
Cựu Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc Jeremy Greenstock cho rằng có một số trường hợp cho thấy đòn trừng phạt về kinh tế không đem lại tác dụng như mong muốn của phía áp đặt.
Đơn cử như trường hợp của Cuba, đảo quốc Caribe này chịu lệnh trừng phạt của Mỹ trong 6 thập niên qua. Washington phản đối chính quyền của lãnh tụ Fidel Castro do vậy áp đặt hạn chế với hàng hóa được đưa đến Cuba. Tháng 2/1962, Tổng thống Mỹ khi đó John F Kennedy đã ký sắc lệnh 3447 cấm vận mọi hoạt động thương mại giữa Mỹ và Cuba.
Liên hợp quốc và chính phủ Cuba ước tính tổng thiệt hại về kinh tế sau 6 thập niên chịu lệnh trừng phạt là 130 tỷ USD. Mặc dù gây ảnh hưởng về kinh tế nhưng các lệnh trừng phạt không thay đổi được chính quyền lãnh đạo tại Cuba.
Một nghiên cứu bí mật của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) năm 1982 gần đây được công bố kết luận rằng 2 thập niên sau khi áp đặt lên Cuba, các lệnh trừng phạt “không đạt được bất kỳ mục tiêu nào”. Nghiên cứu đánh giá lệnh trừng phạt đã không làm suy yếu được chính phủ Cuba.
Iran cũng từng chịu lệnh trừng phạt của Mỹ trong hơn 40 năm. Nhưng đến 2015, Iran và các nước trong Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đạt được thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Điểm chính của JCPOA là Iran hạn chế phát triển vũ khí hạt nhân để được nới lỏng các lệnh trừng phạt. Đến năm 2016, kinh tế Iran đã có bước tiến.
Nhưng cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA vào năm 2018 đồng thời tái áp đặt các lệnh trừng phạt Iran. Các ngân hàng Iran còn bị cắt khỏi SWIFT (Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu). Khi đó, chính quyền cựu Tổng thống Trump áp dụng chiến lược “gây áp lực tối đa” với Iran bằng việc siết chặt kinh tế nước này. Các lệnh trừng phạt Iran từ thời cựu Tổng thống Trump vẫn có hiệu lực tại chính quyền người kế nhiệm Joe Biden.
Đồng tiền nội địa rial của Iran đã giảm hơn nửa giá trị trong 3 năm qua. Xuất khẩu dầu của Iran cũng giảm từ 2,5 triệu thùng/ngày năm 2017 xuống còn chưa đầy 0,4 triệu thùng/ngày năm 2020. Nhưng nền kinh tế Iran không sụp đổ mà thậm chí quay lại tăng trưởng từ năm 2021 nhờ nới lỏng thương mại xuyên biên giới, giá dầu tăng… Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết kinh tế Iran tăng 2,4% trong giai đoạn 2020-2021 và dự kiến tăng 3,1% trong giai đoạn 2021-2022.
Chính quyền Tổng thống Iran Ebrahim Raisi còn đặt mục tiêu hướng tới tỷ lệ tăng trưởng là 8%. Nhà lãnh đạo này dựa vào học thuyết "nền kinh tế kháng cự" để đạt mục tiêu đề ra. Học thuyết chủ yếu xoay quanh đẩy mạnh khả năng tự cung tự cấp và quan hệ thương mại với các nước láng giềng trong khu vực.
Venezuela cũng chịu tác động của các lênh trừng phạt từ Mỹ. Sau một thời kỳ sản lượng giảm 75% đồng tiền nội địa giảm giá trị nặng nề, năm 2021 Venezuela đã ghi nhận kinh tế tăng trưởng lần đầu trong 7 năm.