Iran điều chỉnh chiến lược răn đe?

Iran hiện đang đối mặt với áp lực từ cả trong và ngoài nước về việc quyết định trả đũa vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh. Dù chính quyền nước này vẫn chưa có hành động cụ thể, các yếu tố phức tạp trong nội bộ và tình hình quốc tế đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến chiến lược của Iran.

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian. Ảnh: THX/TTXVN

Theo nhận định mới đây của cựu nhà ngoại giao Ấn Độ MK Bhadrakumar, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Iran và Israel, thông tin mới từ Tel Aviv cho rằng Tehran đang lúng túng trong việc quyết định liệu có nên trả đũa vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh hay không.

Tuy nhiên, việc Iran chưa có hành động cụ thể đã làm dấy lên nhiều giả thuyết, trong đó có việc Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian có thể đang điều chỉnh chiến lược răn đe và kiềm chế những người theo đường lối cứng rắn của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) cũng như phản đối mọi biện pháp cực đoan nhằm vào Israel.

Mặc dù thông tin này thoạt nhìn có vẻ không hợp lý, nhưng nó lại phù hợp với cách Iran đang xử lý tình hình hiện tại. Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Iran, Ali Bagheri Kani, đã khẳng định rằng Tehran sẽ khiến Israel phải trả giá cho hành động của mình bằng một "động thái hợp pháp và quyết đoán". Những tuyên bố như vậy được lựa chọn đưa ra một cách cẩn thận, cho thấy Iran đang tìm cách duy trì vị thế của mình mà không gây leo thang căng thẳng.

Việc Iran đến nay chưa hành động có thể được giải thích qua nhiều yếu tố. Thứ nhất, chính quyền mới của Tổng thống Pezeshkian vẫn chưa ổn định để đưa ra các quyết định lớn. Ngoài ra, Iran có thể đang tính toán kỹ lưỡng về thời gian và quy mô của phản ứng, thay vì hành động vội vàng.

Tình hình hiện tại ở Israel cũng cho thấy nước này đang lo lắng về khả năng tấn công từ Iran. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã sơ tán các cơ sở tình báo và an ninh quan trọng của Israel tại Tel Aviv, chứng tỏ rằng Israel cũng đang chuẩn bị cho những kịch bản xấu nhất.

Thứ hai, Iran có thể không muốn làm "bên phá đám" khi các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Hamas và Israel đang diễn ra với sự can thiệp của nhiều quốc gia trong khu vực và Mỹ. Việc Israel đồng ý quay lại bàn đàm phán cho thấy ông Netanyahu cũng nhận thấy lợi ích từ việc duy trì ổn định tạm thời. Do đó, Iran có thể đang cân nhắc kỹ lưỡng về quy mô của cuộc tấn công trả đũa, đặc biệt khi thủ lĩnh Hamas Haniyeh bị ám sát trong một hoạt động bí mật mà không gây thương vong cho Iran.

Bên cạnh đó, Tehran hiện cũng đang theo dõi chặt chẽ tiến trình ngoại giao quốc tế. Các cuộc đàm phán để đảm bảo thỏa thuận ngừng bắn và giải cứu con tin ở Gaza có thể là yếu tố quyết định trong việc Iran quyết định hành động. Phái bộ Liên hợp quốc của Iran tại New York đã khẳng định rằng ưu tiên của Iran là thiết lập lệnh ngừng bắn lâu dài ở Gaza. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh rằng nếu cần thiết, Iran sẽ có phản ứng kịp thời và không gây hại đến tiến trình ngừng bắn.

Như vậy, yếu tố then chốt sẽ là tiến triển của các cuộc đàm phán tiếp theo giữa Hamas và Israel. Nếu Israel đưa ra đảm bảo tại các cuộc đàm phán rằng sẽ không tấn công Liban và rút quân khỏi Dải Gaza, Iran có thể hoãn hoặc thậm chí hủy bỏ kế hoạch trả đũa.

Trong bối cảnh đó, Tehran hiểu rõ rằng kết quả của các cuộc đàm phán này có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, đặc biệt là cơ hội của ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris. Iran cũng đã tăng cường đối thoại với Jordan và các quốc gia trong khu vực để đảm bảo lợi ích của mình. Gần đây, Bộ trưởng Ngoại giao Jordan, Ayman Safadi, đã đến Tehran để hội đàm với Ali Bagheri, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã thảo luận với Quốc vương Jordan Abdullah về cách giảm căng thẳng trong khu vực.

Ông Bhadrakumar cho rằng Iran cũng không muốn chiến tranh, đặc biệt là khi nước này đã thành công trong việc giảm tổn thất và đảo ngược tình thế với Israel. Hình ảnh quốc tế của Israel đang bị ảnh hưởng do thương vong dân sự lớn ở Gaza và Tehran có thể tận dụng điều này để đạt được các mục tiêu của mình mà không cần sử dụng đến vũ lực.

Vì vậy, ưu tiên hàng đầu của Iran hiện nay là gỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây và cải thiện nền kinh tế. Tổng thống Pezeshkian đang ưu tiên quan hệ với phương Tây, và các chỉ dấu cho thấy Iran đang hướng tới một chính sách ngoại giao mang tính xây dựng với các cường quốc phương Tây. Trước tình hình trên, Iran có thể sẽ kiềm chế và tiếp tục hành động khôn khéo để duy trì vị thế của mình trên trường quốc tế.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo eurasiareview.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/iran-dieu-chinh-chien-luoc-ran-de-20240821163642937.htm