Trông đợi Chính phủ mới 'cứu' nước Pháp khỏi bế tắc chính trị

Nước Pháp đang trông đợi tân Chính phủ được thành lập trong tuần tới sẽ giúp chấm dứt những bế tắc, bất ổn chính trị kéo dài suốt hơn 2 tháng qua sau khi Tổng thống Emmanuel Macron bất ngờ giải tán Quốc hội, song lại dẫn tới tình trạng Quốc hội 'treo', không chính đảng nào giành được đa số để giành quyền thành lập Chính phủ mới.

Hơn 100.000 người đã biểu tình ngày 7-9 ở nước Pháp để phản đối việc chọn ông Michel Barnier làm Thủ tướng

Hơn 100.000 người đã biểu tình ngày 7-9 ở nước Pháp để phản đối việc chọn ông Michel Barnier làm Thủ tướng

Cơ hội giúp chấm dứt bế tắc thành lập tân Chính phủ

Trong diễn biến chính trị mới nhất, tân Thủ tướng Pháp Michel Barnier ngày 11-9 cho biết, trong tuần tới, nước này sẽ có Chính phủ mới. Hiện ông Michel Barnier đang khảo sát các ứng cử viên để điều hành các bộ và cần nhận được sự ủng hộ của Quốc hội tại nước này. Trước đó, phải mất gần 2 tháng sau vòng hai cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra ngày 7-7, nước Pháp mới có tân Thủ tướng là ông Michel Barnier khi được Tổng thống Emmanuel Macron chỉ định vào ngày 5-9 vừa qua. Sở dĩ phải lâu như vậy là do trong cuộc bầu cử Quốc hội trước đó, không đảng phái hay liên minh nào giành được đủ đa số phiếu cần thiết để đứng ra lập Chính phủ mới.

Liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (gồm 4 chính đảng chính là Đảng Cộng sản - PCF, Nước Pháp Bất khuất - LFI, đảng Sinh thái - EELV và đảng Xã hội - PS) là liên minh giành được nhiều ghế nhất cũng chỉ được 179 ghế, thấp rất xa so với đa số cần thiết 289 ghế trong Quốc hội mới gồm 577 ghế để giành quyền thành lập Chính phủ. Dù vậy, đây là một chiến thắng khá bất ngờ và khẳng định sự hiệu quả Mặt trận Cộng hòa, được huy động để tạo nên "rào cản truyền thống" trong các cuộc bầu cử nhằm ngăn chặn phe cựu hữu lên nắm quyền.

Về thứ hai là Liên minh của đảng cầm quyền Phục hưng của Tổng thống Emmanuel Macron với 164 ghế. Đây được xem là thất bại nặng nề của liên minh cầm quyền khi sụt giảm hơn rất nhiều so với 305/577 ghế vào năm 2017 và 250 ghế vào năm 2022. Tiếp đó là phe cựu hữu với 142 ghế, rất thấp so với mức dự báo trước đó là có thể giành từ 210 - 240 ghế. Dù vậy, đảng cựu hữu Tập hợp Quốc gia vẫn hơn những cuộc bầu cử trước khi trở thành nhóm lớn nhất tại Quốc hội với tổng số 189 ghế. Bởi đồng minh của họ là đảng cánh hữu Những người Cộng hòa và liên minh giành được 45 ghế.

Do rơi vào tình thế hy hữu Quốc hội “treo” sau bầu cử nên không chính đảng hay liên minh nào có thể tự mình đề cử ứng viên Thủ tướng do lập trường xung khắc và cạnh tranh chính trị giữa 3 liên minh giành nhiều ghế nhất trong Quốc hội. Việc ông Michel Barnier được ông chủ điện Elysse chỉ định làm tân Thủ tướng được cho mở ra cơ hội giúp chấm dứt 2 tháng bế tắc trong tiến trình thành lập chính phủ mới sau cuộc bầu cử Quốc hội.

Tân Thủ tướng Michel Barnier, một chính trị gia kỳ cựu 73 tuổi, có nhiệm vụ thành lập chính phủ mới càng sớm càng tốt. Phát biểu trong buổi lễ nhậm chức, tân Thủ tướng Pháp cam kết sẽ hợp tác với “những người có thiện chí” để thúc đẩy sự tôn trọng và đoàn kết tại một quốc gia đang bị chia rẽ chính trị, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu của người dân về hòa bình và sự ổn định. Ông khẳng định ưu tiên của chính phủ mới sẽ là tập trung giải quyết những thách thức mà nước Pháp đang đối mặt, lắng nghe nguyện vọng và giải quyết bất mãn của người dân, cũng như tìm giải pháp để giảm thiểu những khó khăn mà họ đang phải đối mặt. Ông cho biết giáo dục, an ninh và "kiểm soát nhập cư" sẽ là những vấn đề trọng tâm, đồng thời khẳng định sẽ không né tránh mà trực tiếp đối diện với các vấn đề tài chính khó khăn của đất nước, đặc biệt là nợ công.

Câu hỏi để ngỏ trên chính trường Pháp

Việc ông Michel Barnier - cựu Trưởng đoàn cho tiến trình đàm phán Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), sự kiện còn được gọi là Brexit - của EU được bổ nhiệm làm Thủ tướng mới của Pháp đã gây ra những luồng ý kiến khác nhau. Là thành viên của đảng Cộng hòa đại diện cho cánh hữu truyền thống nhưng ông Michel Barnier được biết đến nhiều nhất trên trường quốc tế với vai trò làm trung gian cho việc đàm phán của sự kiện Brexit. Trong đó, các liên minh khác ở Quốc hội đã lên tiếng về việc sẽ không ủng hộ ông Michel Barnier.

Hiện, Quốc hội Pháp có 3 khối chính trị đang nắm giữ số ghế không chênh lệch nhau quá nhiều, gồm nhóm những người ủng hộ đường lối trung dung của Tổng thống

Emmanuel Macron là một liên minh lỏng lẻo với đảng bảo thủ của ông Michel Barnier, liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP) và đảng cánh hữu Tập hợp quốc gia (RN). Trong cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 7, NFP giành được nhiều phiếu nhất nhưng không đủ đa số. Các nhà lãnh đạo NFP đã tuyên bố sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm bất kỳ chính phủ nào không phải do đảng này lãnh đạo. Trong khi đó, RN không phản đối việc Tổng thống Emmanuel Macron chỉ định ông Michel Barnier làm Thủ tướng mới Áp lực sớm hoàn thiện nội các với ông Michel Barnier đang ngày càng lớn khi ngày 1-10 tới là hạn chót để chính phủ đưa ra dự thảo ngân sách cho năm 2025. Kể cả khi đã lựa chọn được các vị trí trong Nội các và được Quốc hội chấp thuận thì Chính phủ của ông cũng sẽ phải bước ngay vào cuộc chiến khốc liệt liên quan các vấn đề thuế và chi tiêu. Đặc biệt, cả NFP và RN đều cam kết trước cuộc bầu cử tháng 7 vừa qua rằng sẽ lật ngược cải cách lương hưu được Tổng thống Emmanuel Macron phát động năm ngoái nhằm tăng tuổi nghỉ hưu chính thức từ 62 lên 64 tuổi và đã vấp phải làn sóng biểu tình phản đối.

Trong phát biểu đầu tiên sau khi nhậm chức mới đây, tân Thủ tướng Michel Barnier nêu rõ, đội ngũ của ông đang làm mọi việc một cách khoa học và nghiêm túc, đồng thời nắm bắt tình hình trong bối cảnh môi trường chính trị trong nước hiện chia thành 3 phe lớn kể từ cuộc bầu cử Quốc hội hồi đầu tháng 7 cho kết quả hy hữu là không có đảng nào chiếm đa số ghế. Ông cũng cho biết, sẵn sàng bổ nhiệm các Bộ trưởng thuộc mọi phe phái chính trị khác nhau, trong đó có “những người thuộc cánh tả” vốn là đối thủ của phe cánh hữu. Tuy nhiên, liên minh cánh tả NFP, liên minh giành được nhiều ghế nhất tại Quốc hội hiện nay, đã lên án quyết định lựa chọn ông Michel Barnier. Liên minh này ủng hộ bà Lucie Castets, nhà kinh tế học 37 tuổi, đảm nhận chức vụ Thủ tướng nhưng bị Tổng thống Emmanuel Macron bác bỏ với lý do bà Lucie Castets “sẽ không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội”.

Ông Jean-Luc Melenchon, người đứng đầu đảng LFI kiêm lãnh đạo liên minh NFP, ngay sau đó đã kêu gọi người ủng hộ xuống đường tuần hành, cáo buộc cuộc bầu cử "đã bị đánh cắp khỏi người Pháp". Ông Jean-Luc Melenchon ngày 7-9 kêu gọi, những người ủng hộ chuẩn bị chiến đấu. Cùng ngày, 110.000 người ủng hộ phe cánh tả tuần hành khắp nước Pháp để phản đối chính trị gia trung hữu Michel Barnier được bổ nhiệm làm Thủ tướng. “Mọi thứ sẽ không ngừng lại. Dân chủ không chỉ là nghệ thuật chấp nhận rằng mình đã chiến thắng, mà còn là sự khiêm nhường khi chấp nhận mình đã thua” - vị lãnh đạo LFI tuyên bố tại cuộc tuần hành ở thủ đô Paris với sự tham gia của 26.000 người. Trong khi đó, bà Marine Le Pen, người đứng đầu nhóm nghị sĩ thuộc đảng cực hữu RN tại quốc hội, tuyên bố đảng của bà sẽ không tham gia nội các mới của ông Miechel Barnier. Người đứng đầu phe cực tả cho biết, bà sẽ chờ đến khi tân Thủ tướng Miechel Barnier có bài phát biểu về chính sách trước quốc hội để quyết định có ủng hộ ông hay không. Ông Michel Barnier do đó sẽ phải cân nhắc tới lợi ích của RN, đảng đơn lẻ lớn nhất trong Quốc hội đang chia rẽ của Pháp, nếu muốn tránh bị bỏ phiếu bất tín nhiệm ở cơ quan lập pháp này.

Nước Pháp có thoát khỏi thế bế tắc, bất ổn chính trị hay không sau khi có tân Thủ tướng và có thể là Chính phủ mới vào tuần tới? Câu hỏi quan trọng này vẫn còn để ngỏ vào lúc này nếu nhìn vào những diễn phiến phức tạp mới đây nhất trên chính trường Pháp.

Hoàng Hà

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/trong-doi-chinh-phu-moi-cuu-nuoc-phap-khoi-be-tac-chinh-tri-post589286.antd