Iran đóng cửa viện tiếng Đức, Nga quyết cấm Deutsche Welle

Viện ngôn ngữ Đức tại thủ đô Tehran của Iran đã bị chính quyền nước này đóng cửa, trong khi đài Deutsche Welle (DW) của Đức cũng bị đưa vào danh sách các tổ chức 'không mong muốn' tại Nga.

Ngày 20/8, các cơ quan tư pháp tại thủ đô Tehran của Iran đã đóng cửa hai chi nhánh của Viện tiếng Đức (DSIT) tại Tehran do được chỉ định là "các trung tâm bất hợp pháp" và đã "vi phạm luật pháp Iran, thực hiện nhiều hành vi bất hợp pháp và vi phạm tài chính nghiêm trọng".

DSIT được Đại sứ quán Đức tại Tehran thành lập vào năm 1995 và tự mô tả mình là "một trong những học viện hàng đầu về đào tạo tiếng Đức", cung cấp các khóa học ở nhiều trình độ khác nhau cho cả trẻ em và người lớn.

Bộ Ngoại giao Đức đã lên án việc đóng cửa viện này và đã triệu tập Đại sứ Iran. "Trao đổi ngôn ngữ tạo thành nền tảng cho sự hiểu biết lẫn nhau", tổ chức này cho biết trong tuyên bố yêu cầu mở lại viện ngay lập tức.

 Iran ra lệnh đóng cửa DSIT vì cho rằng viện này đã "thực hiện nhiều hành động bất hợp pháp". Ảnh: dpa

Iran ra lệnh đóng cửa DSIT vì cho rằng viện này đã "thực hiện nhiều hành động bất hợp pháp". Ảnh: dpa

Trong một diễn biến khác, các nhà lập pháp tại Hạ viện Quốc hội Nga (Duma Quốc gia Nga) đã đề xuất đưa đài Deutsche Welle (DW) và Hội đồng Anh vào danh sách các tổ chức "không mong muốn" tại Nga .

Chủ tịch Ủy ban An ninh và Kiểm soát tham nhũng (Nga) Vasily Piskarev cho biết hôm 20/8 rằng yêu cầu của họ đã được gửi đến Văn phòng Tổng công tố Liên bang Nga.

"Chúng tôi muốn nói đến việc chặn tài khoản của họ, đóng cửa các chi nhánh và văn phòng, cấm phân phối tài liệu thông tin của họ. Đối với những người tiếp tục hợp tác hoặc thiết lập liên lạc với họ, sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính và hình sự", ông nói.

Trước đó vào ngày 3/2/2022, chính quyền Nga đã cấm DW phát sóng tại Nga, đồng thời dán nhãn đài này là "điệp viên nước ngoài" vào tháng 3 cùng năm.

Tháng 8 năm nay, Nga đã thông qua luật mới về các tổ chức "không mong muốn". Theo luật này, việc tham gia vào các hoạt động của các tổ chức "không mong muốn" sẽ bị phạt tù lên đến 4 năm, cùng với việc tước quyền giữ một số chức vụ nhất định. Tài trợ cho các tổ chức như vậy có thể bị phạt tù lên đến 5 năm...

Theo báo cáo, vào năm 2022, chính quyền Nga đã dán nhãn 23 tổ chức là "không mong muốn", và vào năm 2023, con số này là 58. Tính đến ngày 14/8 năm nay, gần 200 tổ chức tại Nga được phân loại là "không mong muốn".

Ngọc Ánh (theo DW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/iran-dong-cua-vien-tieng-duc-nga-quyet-cam-deutsche-welle-post308623.html