Iran huyền bí được pha trộn giữa cổ điển và hiện đại

Iran là quốc gia nằm gọn gàng ở phía Tây Nam của châu Á. Nhiều người biết đến Iran là xứ xở Ba Tư của câu chuyện “nghìn lẻ một đêm” kỳ bí, từ những câu chuyện mơ mộng của Aladdin cùng cây đèn thần bất diệt, đến những chuyến phiêu lưu kiêu hãnh của Sinbad và câu chuyện chàng Alibaba thông minh đối đầu với 40 tên cướp.

Quốc gia phương Đông nổi tiếng với nền văn minh cổ đại này, vẫn giữ nguyên sức hút bí ẩn của mình cho đến ngày nay. Văn hóa truyền thống và phong tục đa dạng của các dân tộc và tôn giáo tại đây vẫn được bảo tồn và thịnh hành.

Tìm về văn hóa - lịch sử độc đáo xứ Ba Tư

Iran hay còn được gọi là Persia (Pārsa) từ thời Achaemenid, theo tiếng Ba Tư cổ nghĩa là họ hàng của Cyrus Đại đế. Với chiều dài lịch sử hơn 5.000 năm, Iran bắt đầu có sự sống từ thời kỳ cổ đại với 2 nền văn minh tiêu biểu là Elam và Medes. Thế kỷ 6 trước Công nguyên, đế chế Achaemenid đánh dấu thời kỳ hoàng kim của Iran hưng thịnh và rộng khắp từ Ai Cập đến Ấn Độ, thủ đô là Persepolis.

Tiếp nối là thời kỳ Sassanid phát triển mạnh mẽ của văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật, đã kiến tạo nên sự tiến bộ của toàn nhân loại thế giới. Nhưng từ thế kỷ 7 đến nay, các cuộc thánh chiến Ả Rập đưa Hồi giáo Islam vào Iran, mở ra một bước ngoặt mới, Iran trở thành trung tâm văn hóa và lịch sử quan trọng nhất của thế giới Hồi giáo.

Cầu Si-o-se Pol thể hiện sự thịnh vượng và sức mạnh văn hóa.

Là một phần của khu vực Trung Đông, Iran chia sẻ biên giới với các nước như Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia, Azerbaijan, Turkmenistan, Afghanistan và Pakistan. Núi và cao nguyên chiếm một phần lớn diện tích đất nước, và là một trong những cao nguyên lớn nhất thế giới. Iran cũng có sa mạc, với điển hình là sa mạc Dasht-e Kavir và sa mạc Dasht-e Lut, 2 trong số những sa mạc lớn nhất châu Á.

Sông hồ lớn và vịnh Ba Tư là những chiếc nôi đầu tiên hình thành nên lịch sử - văn hóa Iran. Có lẽ vì địa hình phức tạp, nên khi đi dọc Iran như đi qua nhiều kiểu khí hậu khác nhau, từ khắc nghiệt đến ôn hòa.

Những “điểm chạm" văn hóa - lịch sử trên hành trình

Trên hành trình tìm về văn hóa - lịch sử xứ Ba Tư, chắc chắn không thể bỏ qua các thành phố Isfahan - “bảo tàng” của những kiến trúc cổ xưa, Persepolis - di tích cổ xưa nhất của vương quốc Achaemenid, Shiraz - thành phố trên cây với ngôi mộ cổ của Cyrus Đại đế, và thành phố Kermanshah - nơi quá khứ sống cùng hiện tại.

Cung điện Persepolis từng là thủ đô của đế chế Ba Tư.

Có một câu nói phổ biến khắp Iran bất cứ ai khi đặt chân đến đều nghe: “Đến thăm Isfahan là đã đi được một nửa thế giới”. Bởi lẽ Isfahan không đơn thuần là một thành phố, mà là một kho báu văn hóa và lịch sử của nhân loại, một điểm đến không thể bỏ qua khi khám phá văn hóa Iran.

Là một trong những thành phố lâu đời nhất của Iran, Isfahan nằm gọn ghẽ trong lòng đất nước, cách thủ đô Tehran 406km về phía Nam, đứng thứ ba về độ đông dân cư tấp nập.

Đằng sau vẻ hiện đại và sôi động, Isfahan mang trong mình một bề dày lịch sử vô cùng phong phú và hùng vĩ chảy qua hàng ngàn năm lịch sử. Isfahan từng là trung tâm của nhiều triều đại, từ những triều đại cổ xưa Elam, cho đến những đế chế lớn và đặc biệt là Hồi giáo cực thịnh trong lịch sử. Và mỗi đế chế, mỗi thời kỳ đều để lại những dấu ấn đậm nét trên nền văn hóa và kiến trúc của thành phố.

Quảng trường Naqsh-e Jahan được UNESCO công nhận Di sản thế giới.

Tại Isfahan, bạn có thể bắt gặp những biểu tượng kiến trúc Hồi giáo Ba Tư, từ những cung điện rộng lớn, những nhà thờ độc đáo, cho đến những đại lộ lịch sử và những quảng trường tráng lệ. Những công trình kiến trúc tại Isfahan không chỉ là nơi thể hiện sức mạnh và sự giàu có của các triều đại qua các thế kỷ, mà còn là biểu tượng của sự sáng tạo và tinh hoa văn hóa của người Iran.

Thành phố Isfahan, “bảo tàng” của những kiến trúc cổ xưa.

Quảng trường Naqsh-e Jahan, hay còn được biết đến với tên gọi Quảng trường Imam, là một trong những Di sản thế giới được UNESCO công nhận. Với diện tích rộng lớn khoảng 160.000m2, là một trong những quảng trường lớn nhất thế giới được xây dựng vào thế kỷ 17 dưới triều đại của vua Shah Abbas I, một trong những vị vua nổi tiếng nhất của Iran.

Tên gọi "Naqsh-e Jahan", có nghĩa là "bức tranh của thế giới", thể hiện ý nghĩa to lớn của quảng trường trong văn hóa và chính trị của đế chế Safavid. Quảng trường này được bao quanh bởi các công trình kiến trúc lịch sử và nghệ thuật, bao gồm Cung điện Ali Qapu, Nhà thờ Shah (Masjed-e Shah), và Bazaar-e Bozorg (chợ lớn) tạo nên một quần thể thịnh vượng và toàn vẹn của đế chế.

Cầu Si-o-se Pol, theo tiếng Ba Tư nghĩa là 33 nhịp cầu, là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng và đẹp kỳ vĩ nhất tại Isfahanl, cũng được xây dựng vào thế kỷ 17 dưới triều đại của vua Shah Abbas I. Cây cầu thể hiện trọn vẹn sự thịnh vượng và sức mạnh văn hóa của Isfahan. Cầu được xây dựng qua sông Zayandeh Rud, tạo ra một bức tranh tuyệt đẹp với cảnh quan thiên nhiên xung quanh. Đặc biệt vào buổi tối khi cầu được chiếu sáng, tạo ra một không gian lãng mạn và huyền bí.

Cung điện Persepolis khám phá sự vinh quang của vương triều Achaemenid.

Nhà thờ Holy Savior có kiến trúc độc đáo, kết hợp giữa phong cách Baroque châu Âu và các yếu tố kiến trúc truyền thống của Iran, tạo ra một diện mạo vô cùng độc đáo và lộng lẫy. Bên ngoài, nhà thờ được trang trí bằng các bức tranh tường màu sắc rực rỡ, thể hiện các cảnh từ Kinh Thánh và lịch sử Công giáo.

Bên trong, Nhà thờ Holy Savior tiếp tục gây ấn tượng với những bức tranh tường phong phú và các tượng Thánh được chạm trổ tinh xảo. Nhà thờ là một minh chứng rõ ràng cho sự đa dạng tôn giáo và văn hóa trong lịch sử của thành phố, thể hiện sự hòa nhập và giao thoa giữa các nền văn hóa khác nhau tại khu vực này.

Bảo tàng Moavenalmolk trưng bày các hiện vật truyền thống và lịch sử dân tộc Iran.

Cung điện Persepolis là điểm đến hàng đầu khi khám phá sự vinh quang của vương triều Achaemenid trong lịch sử đế chế Ba Tư. Đây từng là thủ đô của đế chế Ba Tư, được xây dựng bởi vua Darius I - được biết đến với danh hiệu "Vua của các vị vua" vào năm 520 trước Công nguyên.

Toàn bộ công trình đã được hoàn thành trong 70 năm bởi 3 đời vua khác nhau, nên cung điện Persepolis tập trung tất cả sự phồn vinh thịnh trị của đế chế đến 200 năm sau.

Trong quần thể Persepolis, kiến trúc lộng lẫy nhất khi tận mắt chứng kiến cung điện Apadana. Để xây dựng nên cung điện này, nghệ nhân từ khắp mọi nơi đã đem đến những cột đá trắng phong cách Hy Lạp, những đền đá La Mã, phù điêu khắc nổi trên đá mang phong vị Ba Tư, hòa trộn màu sắc đặc biệt của Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và cả Ai Cập xa xôi.

Khu lăng mộ cổ Naqsh-e Rustam của các vị vua Ba Tư, nằm trên một ngọn đồi đá hùng vĩ. Naqsh-e Rustam theo tiếng Ba Tư có nghĩa là "hình vẽ của Rustam", một nhân vật anh hùng trong văn học Ba Tư.

Các ngôi mộ đá của các vị vua Achaemenid ngự trị ngàn đời tại đây, như ngôi mộ của Darius I, Xerxes I, Artaxerxes I và Darius II. Những ngôi mộ này được khắc trên mặt núi cao, và là những công trình nghệ thuật đáng ngưỡng mộ, thể hiện sự giàu có và quyền lực của các vị vua trong lịch sử Ba Tư.

Shiraz - thành phố trên cây với ngôi mộ cổ của Cyrus Đại đế, là một trung tâm văn hóa và lịch sử vô cùng quan trọng trong lịch sử của đất nước này. Với hơn 4.000 năm lịch sử, Shiraz được coi là một trong những thành phố cổ nhất của Iran, nơi văn hóa và nghệ thuật đã phát triển mạnh mẽ qua nhiều triều đại quan trọng.

Đền Hafez và đền Saadi, là nơi chôn cất nhà thơ Hafez và nhà thơ Saadi, 2 trong những nhà thơ lớn nhất của văn học Ba Tư. Ngôi đền không chỉ là nơi tôn vinh tác phẩm văn học của ông, mà còn là nơi du khách đến để tìm sự yên bình và suy tư trong không gian thiêng liêng. Người dân địa phương thường đến đền Hafez vào buổi tối để đọc thơ và lắng nghe những câu thơ của nhà thơ Hafez, tạo ra một không gian lãng mạn và thơ mộng.

Tác giả bên trong Nhà thờ Hồi giáo Vakil Mosque.

Vakil Mosque và Vakil Bazaar, bộ đôi biểu tượng tín ngưỡng - văn hóa của Shiraz. Vakil Mosque là một trong những công trình tôn giáo nổi tiếng và đẹp nhất của Shiraz, được xây dựng vào thế kỷ 18 dưới thời vua Karim Khan Zand, thể hiện phong cách kiến trúc đặc trưng của triều đại Zand.

Vakil Bazaar là khu chợ truyền thống lớn nhất và sầm uất nhất cùng thời, và hoạt động đến nay có hơn 200 cửa hàng và gian hàng. Vakil Bazaar là nơi bạn có thể tìm thấy mọi thứ từ hàng may mặc, đồ gia dụng, đến thực phẩm và đồ trang sức. Khu chợ cũng là nơi bạn có thể trải nghiệm văn hóa mua sắm truyền thống của Iran và tương tác với người bán hàng địa phương.

Bảo tàng Moavenalmolk, tập trung vào việc giữ gìn và trưng bày các hiện vật về văn hóa, truyền thống và lịch sử dân tộc của Iran, đặc biệt là vùng miền Tây của đất nước. Các bảo vật trong bảo tàng bao gồm các tác phẩm nghệ thuật dân gian, trang phục truyền thống, công cụ và vật dụng hàng ngày của người dân tộc Kurd và các dân tộc khác sống tại khu vực này.

Đặc biệt là những bức tranh tường tường thuật lại bộ sử thi Shahnameh, một trong số các tác phẩm quan trọng nhất của nền văn học Ba Tư. Bảo tàng Zagros đặc biệt thu hút khách du lịch nước ngoài bởi bộ sưu tập công cụ bằng đá và xương của người tiền sử ở khu vực Lưỡng Hà.

Talab-e Hashilan, hay còn được gọi là hòn đảo trôi trên đầm phá Hashilan, là một điểm đến không thể bỏ qua để khám phá hệ sinh thái tự nhiên độc đáo của Iran. Với diện tích khoảng 1.500ha, khu đầm này là nơi bạn có thể thấy gần 200 loài chim và 240 loài thực vật khác nhau.

Cảm giác như mình đang bước vào một thế giới hoàn toàn mới. Gần đầm phá này là dãy núi Prav, với hang đá sâu nhất châu Á, hành trình đi bộ đến hang Prav sẽ được tận hưởng vẻ đẹp của những ngọn núi phủ đầy tuyết trắng, đồng thời thưởng ngoạn những dòng thác nước ấn tượng từ đỉnh núi chảy xuống thung lũng sâu 762m.

Bên trong hang đá, sẽ dễ bị mê hoặc bởi cảnh quan đẹp không tưởng, bởi dưới đáy hang là một con sông trong vắt tưới tắm cho những tâm hồn mát rượi.

FAHOKA Xê dịch

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/iran-huyen-bi-duoc-pha-tron-giua-co-dien-va-hien-dai-post114075.html