Iran, Nga triển khai Hành lang vận tải quốc tế Bắc – Nam
Iran và Nga đã nêu bật sự cần thiết phải hoàn thành kế hoạch triển khai tuyến đường vận tải nối khu vực Nam Á với Bắc Âu, được gọi là Hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam (INSTC).
Hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam là mạng lưới đa phương thức dài 7.200km gồm các tuyến đường thủy, đường sắt và đường bộ để vận chuyển hàng hóa giữa Ấn Độ, Iran, Azerbaijan, Nga, Trung Á và châu Âu.
Trong cuộc họp được tổ chức tại thủ đô Tehran ngày 16-9 với Cố vấn cấp cao của Tổng thống Nga Igor Levitin, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Iran Abdolnaser Hemmati nhận định, tiến độ triển khai nhanh chóng INSTC sẽ góp phần tăng cường hợp tác giữa Iran, Nga, Ấn Độ và các quốc gia Arab trong khu vực.
Ngoài ra, Bộ trưởng Hemmati cho biết, Chính phủ Iran ủng hộ các khoản đầu tư vào INSTC, sẵn sàng tạo điều kiện cho các quốc gia khác tham gia dự án thông qua chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt. Ông Hemmati hy vọng dòng vốn đầu tư của Nga vào Iran, đặc biệt là trong các dự án dầu mỏ, cơ sở hạ tầng và vận tải của Iran, sẽ tăng lên.
Về phần mình, ông Levitin thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phân bổ ngân sách cho dự án xây dựng tuyến đường sắt ở miền Bắc Iran, vốn sẽ trở thành một phần của INSTC sau khi hoàn thiện. Quan chức Nga ước tính 15 triệu tấn sản phẩm có thể được vận chuyển qua tuyến đường sắt này và công suất có thể tăng lên đến 50 triệu tấn. Theo ông Levitin, Tổng thống Putin đã ban hành chỉ thị đặc biệt để nhanh chóng triển khai INSTC.
Theo Tehran Times, ý tưởng hình thành mạng lưới đa phương thức gồm tàu thủy, đường sắt và đường bộ để vận chuyển hàng hóa giữa Đông Âu và Nam Á được Iran, Nga và Ấn Độ đưa ra tại Hội nghị Giao thông vận tải Âu - Á ở St. Petersburg vào tháng 9 - 2000. Sau đó, sự chú ý đến tuyến đường này bị giảm sút do những rào cản địa chính trị bao gồm tình trạng trì trệ kinh tế toàn cầu, lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, đại dịch… Hiện nay, sự leo thang của xung đột ở Ukraine và việc áp đặt các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga đã khiến nhu cầu về một tuyến hậu cần thay thế giữa Đông Âu và Châu Á trở nên cấp thiết hơn.