Iran phản đối các nước Vùng Vịnh can dự vào đàm phán hạt nhân

Cơ sở hạt nhân Natanz của Iran. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 7/12, Iran đã bác bỏ lời kêu gọi của Ả-rập Xê-út rằng các nước vùng Vịnh cần được tham vấn về các cuộc đàm phán có thể diễn ra liên quan tới chương trình hạt nhân của Tehran.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nêu rõ: "Mọi người có quyền được lên tiếng, nhưng sẽ tốt hơn nếu họ không nói quá phạm vi của mình...".

Ông cũng tái khẳng định lập trường của Tehran phản đối việc đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân nước này ký kết với các cường quốc trong nhóm P5+1 (gồm Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Đức), được biết đến với tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Khatibzadeh bác đề nghị mới đây của Đức về một thỏa thuận bao trùm hơn, trong đó có cả hạn chế về chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran. Ông nêu rõ: "Iran sẽ không thỏa hiệp hay đàm phán về an ninh quốc gia của mình", đồng thời nhấn mạnh rằng việc gây áp lực tối đa sẽ không mang lại bất kỳ kết quả gì.

Các tuyên bố trên của quan chức ngoại giao Iran được đưa ra sau khi ngày 5/12, Ngoại trưởng Ả-rập Xê-út, ông Faisal bin Farhan tuyên bố rằng nước này cũng như các nước vùng Vịnh khác cần được tham vấn đầy đủ về những gì diễn ra liên quan tới cuộc đàm phán với Iran.

JCPOA đã được Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) ký năm 2015. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi JCPOA vào tháng 5/2018 và thực hiện chiến dịch "gây áp lực tối đa" chống lại Iran với các lệnh trừng phạt. Để đáp trả lại động thái này của Mỹ, kể từ tháng 5/2019, Iran đã dần từ bỏ các nghĩa vụ quan trọng trong thỏa thuận JCPOA.

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã cho thấy khả năng Washington có thể quay lại JCPOA như là điểm khởi đầu để thực hiện các cuộc đàm phán hạt nhân tiếp theo nếu Iran trở lại tuân thủ thỏa thuận. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif phản đối việc đàm phán lại thỏa thuận này.

Trong diễn biến khác cùng ngày, Pháp, Đức và Anh, hay còn gọi là E3, đã ra tuyên bố bày tỏ lo ngại Iran lên kế hoạch lắp đặt các cụm máy ly tâm tiên tiến để làm giàu urani tại nhà máy dưới lòng đất ở Natanz.

Theo tuyên bố của E3, kế hoạch này của Iran đi ngược lại với thỏa thuận lịch sử được Tehran ký kết với Nhóm P5+1 (Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) ký năm 2015, cũng như các cam kết hạt nhân của Iran. E3 khẳng định thỏa thuận này vẫn là biện pháp tốt nhất để giám sát và kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran.

E3 đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh tháng trước, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố báo cáo cho biết Iran đã lắp đặt và bắt đầu vận hành các cụm máy ly tâm tiên tiến tại nhà máy hạt nhân Natanz dưới lòng đất, vốn được xây dựng để chống chịu được các cuộc không kích.

Trong bức thư đề ngày 2/12, Iran đã thông báo tới IAEA rằng đơn vị điều hành Nhà máy làm giàu nhiên liệu (FEP) tại Natanz định lắp đặt ba cụm máy ly tâm IR-2m tại đây.

Thỏa thuận hạt nhân của Iran với các cường quốc thế giới quy định Tehran chỉ có thể sử dụng các máy ly tâm IR-1 thế hệ đầu tiên, vốn kém hiệu quả hơn, tại nhà máy dưới lòng đất và đó là những chiếc máy duy nhất mà Iran có thể tích trữ urani được làm giàu.

Từ nhiều tháng trước, Iran đã tuyên bố giảm một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân đồng thời tăng giới hạn làm giàu urani nhằm đáp trả việc Tổng thống đương nhiệm của Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran và áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào nhà nước Cộng hòa Hồi giáo.

Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử của Mỹ Joe Biden, người dự kiến sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/2021, đã nói rằng ông sẽ đưa Mỹ trở lại thỏa thuận nếu Iran tiếp tục đầy đủ tuân thủ các cam kết hạt nhân.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/249778/iran-phan-doi-cac-nuoc-vung-vinh-can-du-vao-dam-phan-hat-nhan.html