Iran tung 'đòn chí mạng', thỏa thuận hạt nhân năm 2015 hết cơ hội cứu vãn?
Hồ sơ hạt nhân Iran một lần nữa làm nóng các chương trình nghị sự quốc tế khi Iran đang tiến tới gỡ bỏ toàn bộ các camera giám sát được lắp đặt theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Đây là đòn giáng mạnh vào nỗ lực khôi phục văn kiện vốn đã trở nên lung lay sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi cách đây 4 năm. Theo Chính phủ Iran, việc duy trì những camera này đã trở nên vô nghĩa khi phương Tây luôn tìm cách “chính trị hóa” các cuộc đàm phán.
Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho biết, việc tháo dỡ các camera giám sát đặt ra “thách thức nghiêm trọng” đối với công việc của cơ quan Liên Hợp Quốc tại Iran, cũng như tiến trình đàm phán tại Vienna (Áo) nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015: “Đây là một đòn chí mạng đối với các nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân. Chúng ta đang ở trong một tình huống rất căng thẳng. Trong khi các cuộc đàm phán nhằm khôi phục Kế hoạch hành động chung toàn diện đang ở mức thấp, thì tiến trình song phương của chúng tôi với Iran về việc làm rõ một số vấn đề còn tồn tại cũng không thành công. Nhưng nghĩa vụ của chúng ta là phải kiên trì, tiếp tục đề xuất các giải pháp, cũng như hợp tác với Iran”.
Những camera mà Iran đang loại bỏ thực tế đều đã được lắp đặt theo thỏa thuận năm 2015 tại các cơ sở hạt nhân của Iran, trong đó có nhà máy hạt nhân ngầm dưới lòng đất Natanz, một địa điểm ở Isfahan và một địa điểm khác ở Teheran. Những thiết bị này là thiếu yếu để Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế có thể giám sát hoạt động sản xuất các máy ly tâm tiên tiến của Iran. Trong khi Anh, Pháp, Đức kêu gọi Iran chấm dứt leo thang hạt nhân, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng ngay lập tức chỉ trích các biện pháp mới nhất này của Iran đã cấu thành một hành động khiêu khích, có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng hạt nhân trầm trọng hơn và gia tăng sự cô lập về kinh tế và chính trị của Iran.
Trong bối cảnh thời hạn chót cho việc khôi phục Thỏa thuận hạt nhân chỉ còn 3-4 tuần và Iran được cho là đang tiến gần hơn bao giờ hết đến việc tích lũy đủ urani làm giàu cấp độ cao cần thiết cho việc chế tạo vũ khí hạt nhân, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên kêu gọi các bên ngừng chính trị hóa vấn đề và tạo điệu kiện để tiến trình đàm phán đi đúng hướng: “Trung Quốc phản đối việc các nước liên quan thúc đẩy Hội đồng Thống đốc IAEA thông qua nghị quyết gây sức ép với Iran, vì nó sẽ không giúp giải quyết vấn đề. Thay vào đó, nó sẽ làm gia tăng xung đột, phá hoại các nỗ lực ngoại giao và dẫn đến leo thang căng thẳng. Trong bối cảnh, các cuộc đàm phán về việc nối lại Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA) đang đi đến những giai đoạn cuối quan trọng, cuộc đối đầu tại Hội đồng Thống đốc IAEA sẽ chỉ làm suy yếu sự hợp tác giữa Iran và cơ quan này và tiến trình đàm phán”.
Quyết định của Teheran dỡ bỏ các camera giám sát là nhằm đáp trả một nghị quyết thông qua hôm 8/4 của Hội đồng thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, gồm 35 thành viên. Theo đó, Iran đã không thể giải tỏa những nghi ngại trong hơn 2 năm qua về nguồn gốc của các dấu vết urani được tìm thấy tại một số địa điểm ở nước này. Nước Cộng hòa Hồi giáo đã phản ứng mạnh mẽ nghị quyết, đồng thời khẳng định vẫn luôn hợp tác mang tính xây dựng với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế. Iran hiện vẫn duy trì khoảng 40 camera giám sát đã được lắp đặt theo Thỏa thuận Tự vệ toàn diện. Đây là một văn kiện pháp lý hoàn toàn tách biệt với Kế hoạch hành động chung toàn diện, đảm bảo IAEA vẫn có một số quyền tiếp cận đối với các cơ sở hạt nhân, cũng như chương trình hạt nhân của Iran./.