Iraq bất ổn sau vụ thủ tướng bị ám sát hụt
Ngày 7-11, nhà riêng của Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi đã bị tấn công bằng máy bay không người lái mang thuốc nổ. Đây được coi là một lời cảnh báo, làm dấy lên lo ngại về sự bất ổn khi mà các nhóm Hồi giáo vũ trang đang tranh chấp kết quả bầu cử Quốc hội. Ngay lập tức, cảnh sát và quân đội được triển khai xung quanh Baghdad, gia tăng hoạt động tuần tra.
Màn dạo đầu cho đảo chính?
Ngay trong ngày hôm đó, Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi đã đăng tải dòng trạng thái trên tài khoản cá nhân Twitter chính thức: “Tôi ổn. Tôi kêu gọi mọi người bình tĩnh và kiềm chế, vì lợi ích của Iraq”. Nguồn tin từ Hãng Reuters cho hay, ông Mustafa al-Kadhimi không bị thương nhưng vụ tấn công đã khiến 6 thành viên trong đội vệ sĩ của ông phải nhập viện.
Chiều 7-11, ông Mustafa al-Kadhimi chủ trì một cuộc họp với các quan chức an ninh cấp cao Iraq để thảo luận về vụ việc này. Trong thông báo đưa ra sau cuộc họp, Văn phòng Thủ tướng Iraq cho rằng "vụ khủng bố hèn nhát" tấn công nhà riêng của Thủ tướng al-Kadhimi ở Vùng Xanh là hành động nghiêm trọng nhằm vào nhà nước Iraq. Thông báo cũng cho biết, Thủ tướng Iraq thừa nhận biết kẻ nào đứng đằng sau vụ việc và sẽ vạch trần chúng.
Thủ tướng Iraq chủ trì phiên họp khẩn cấp với giới chức an ninh sau vụ ám sát. Ảnh: Reuters
Thiếu tướng Saad Maan, một quan chức cấp cao trong Bộ Nội vụ Iraq tiết lộ, nhà riêng của Thủ tướng trong Vùng Xanh kiên cố đã bị nhắm mục tiêu bởi 3 máy bay không người lái có vũ trang. 2 trong số 3 máy bay này đã bị bắn hạ. Một nguồn tin khác cho hay, những máy bay này được "triển khai từ một căn cứ gần cầu Cộng hòa" bắc qua sông Tigris ở thủ đô Baghdad, trước khi bay tới Vùng Xanh, nơi Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi sinh sống. Tổng thống Iraq, Barham Salih đã mô tả cuộc tấn công là màn dạo đầu cho một cuộc đảo chính và nhấn mạnh: "Chúng tôi không thể chấp nhận rằng Iraq sẽ bị kéo vào hỗn loạn và một cuộc đảo chính chống lại hệ thống hiến pháp".
Cùng ngày, đăng tải trên tài khoản Telegram, một quan chức an ninh thuộc nhóm dân quân Kataib Hezbollah được Iran hậu thuẫn tại Iraq đã bác bỏ cáo buộc rằng các nhóm vũ trang ở Iraq đứng sau vụ tấn công Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi. Kataib Hezbollah là một trong các nhóm vũ trang Hồi giáo dòng Shiite thân Iran có ảnh hưởng nhất tại Iraq, bên cạnh Asaib Ahl al-Haq và Badr. Trong khi đó, giới chức của một nhóm vũ trang khác mang tên Phong trào kháng chiến Hồi giáo Al-Nujaba lại cáo buộc Mỹ tham gia cuộc tấn công dinh thự của Thủ tướng Iraq.
Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi tại nhà riêng trong Vùng Xanh. Ảnh: Reuters
Nghi vấn về hệ thống C-RAM
Giới chức an ninh Iraq cũng đã đặt câu hỏi về việc hệ thống C-RAM của Mỹ không hoạt động để ngăn chặn cuộc tấn công vào nhà Thủ tướng Iraq. Người phát ngôn Bộ Chỉ huy chiến dịch Liên hợp Iraq, thiếu tướng Tahsin al-Khafaji cho hay, hệ thống phòng không C-RAM của quân đội Mỹ được sử dụng để phát hiện và phá hủy các tên lửa và vật thể bay đang bay tới. “Vậy mà, khi một máy bay không người lái chứa đầy chất nổ nhắm vào tư dinh của Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi ở Baghdad trong Vùng Xanh được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt, C-RAM lại không có động tĩnh gì. Chúng tôi đang thảo luận vấn đề này với Mỹ và các quan chức từ Đại sứ quán Mỹ. Đây là việc mà các chuyên gia nên làm sáng tỏ và giải thích”, Thiếu tướng Tahsin al-Khafaji nói trên trang web Press TV.
Một tuyên bố của khối al-Sadiqoun, cánh chính trị của nhóm kháng chiến Asa'ib Ahl al-Haq, sau đó cũng đăng tải trên Twitter rằng vụ ám sát xảy ra trong khi hệ thống phòng thủ C-RAM của Mỹ bị ngừng hoạt động. Một số nhà quan sát thì nhận định, có những dấu hiệu cho thấy nỗ lực thất bại là không đáng tin cậy. “Đại sứ quán Mỹ kích hoạt hệ thống phòng thủ tên lửa C-Ram và hú còi báo động bất cứ khi nào có cuộc tấn công trong Vùng Xanh của Baghdad. Lần này còi báo động đã vang lên và nó chỉ vang lên sau vụ nổ”, Mohammad al-Hamad, nhà sản xuất và người dẫn chương trình cho mạng vệ tinh Afaq nói tiếng Arab của Iraq, viết trong một loạt bài đăng trên Twitter của mình. Nhưng, một nguồn tin an ninh khác lại cho biết, Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad đã kích hoạt hệ thống phòng thủ C-RAM. Nguồn tin này còn cung cấp cho hãng thông tấn Shafaq rằng đại sứ quán, nằm trong Vùng Xanh kiên cố ở Baghdad, đã kích hoạt hệ thống và còi báo động như một phần của "diễn tập an ninh".
Thủ tướng Mustafa al-Kadhami gặp gỡ Tổng thống Iraq Barham Salih. Ảnh: Getty
Hệ thống C-RAM của Mỹ là một tập hợp các hệ thống được sử dụng để phát hiện hoặc tiêu diệt tên lửa, pháo và đạn cối đang bay tới trong không trung trước khi chúng tấn công mục tiêu trên mặt đất hoặc đưa ra cảnh báo sớm để bảo vệ các khu vực có tầm quan trọng cao. Khả năng đánh chặn của C-RAM được ví là một phiên bản vũ khí trên bộ như súng bắn nhanh điều khiển bằng radar Phalanx CIWS để bảo vệ tầm gần cho tàu thuyền khỏi tên lửa; một trong 2 hệ thống vũ khí cũng sử dụng camera hồng ngoại (FLIR) nhìn về phía trước để cho phép người phòng thủ xác định trực quan các mối đe dọa mục tiêu này trước khi tấn công. C-RAM sử dụng đạn 20mm HEIT-SD (lượng nổ cao, tự hủy), ban đầu được phát triển cho hệ thống phòng không M163 Vulcan. Những viên đạn này phát nổ khi va chạm với mục tiêu hoặc khi phát hiện dấu vết, do đó giảm đáng kể nguy cơ sát thương phụ từ những viên đạn không trúng mục tiêu của chúng. C-RAM từng được hải quân Mỹ trang bị trên tàu chiến nhằm bảo vệ những con tàu này chống lại các tên lửa hoạt động trên biển, sau đó được lục quân Mỹ cải biên để trang bị cho các căn cứ ở Trung Đông. Tại Afghanistan và Iraq, hệ thống này được dùng chủ yếu để chống lại đạn pháo. Hệ thống C-RAM đầu tiên được triển khai ở Iraq vào năm 2006 để bảo vệ Vùng Xanh và đã bắn hạ khoảng 70-80% số đạn pháo.
Nỗi lo an ninh quốc gia
Vụ ám sát bất thành nhằm vào Thủ tướng Iraq tại tư dinh của ông làm gia tăng căng thẳng sau cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng trước, trong đó lực lượng Hồi giáo vũ trang do Iran hậu thuẫn là những kẻ thua cuộc lớn nhất. Những ngày qua, máy bay trực thăng liên tục lượn vòng trên bầu trời Baghdad, trong khi quân đội và lực lượng tuần tra được triển khai xung quanh Baghdad và gần Vùng Xanh kiên cố của thủ đô. Những người ủng hộ lực lượng Hồi giáo vũ trang vẫn “cố thủ” trong các “trại biểu tình” bên ngoài Vùng Xanh để yêu cầu kiểm phiếu lại. Thậm chí, nhiều người trong số các nhà lãnh đạo của những phe phái này đổ lỗi cho ông Mustafa al-Kadhimi về vụ bạo lực giữa lực lượng an ninh với những người biểu tình. Hôm 5-11, tức 2 ngày trước khi xảy ra vụ ám sát hụt, trong các cuộc biểu tình, thành viên của lực lượng vũ trang Hồi giáo đã cố gắng tiến vào Vùng Xanh, buộc cảnh sát phải dùng đến hơi cay và đạn thật. Các nhà lãnh đạo của lực lượng Hồi giáo vũ trang này ngay lập tức đã đổ lỗi cho Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi về việc sử dụng vũ lực làm ít nhất 1 người thiệt mạng.
An ninh được tăng cường ở Vùng Xanh sau vụ ám sát. Ảnh: Getty
Vì thế, các lực lượng này một mặt kêu gọi một cuộc điều tra rõ ràng về vụ ám sát, mặt khác, họ cũng bày tỏ những nghi ngờ của mình. Trong lời chỉ trích mạnh mẽ nhất đối với Thủ tướng, Abu Ali al-Askari, thủ lĩnh cấp cao của nhóm Hồi giáo vũ trang Kataib Hezbollaz, đã đặt câu hỏi, liệu vụ ám sát có thực sự là nỗ lực của ông Mustafa al-Kadhimi để “đóng vai nạn nhân?”. Còn Qais al-Khazali, thủ lĩnh lực lượng dân quân Asaib Ahl al-Haq thì nói rằng Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi đang muốn lấy lại sự ủng hộ của cử tri trước những cáo buộc gian lận bầu cử...
Bassam al-Qizwini, một nhà phân tích chính trị ở Baghdad nhận định, vụ ám sát nhằm cắt đứt con đường có thể dẫn đến nhiệm kỳ tiếp theo cho ông Mustafa al-Kadhimi. “Những người thua cuộc trong cuộc bầu cử gần đây bắt đầu leo thang hoạt động trên đường phố và đụng độ với lực lượng an ninh Iraq và bây giờ là điều này”, Bassam al-Qizwini nói. Bởi lẽ, một trong những mục tiêu chính của Thủ tướng Iraq là kiềm chế lực lượng Hồi giáo vũ trang đang trỗi dậy. Sau năm 2014, khi nhiều nhóm Hồi giáo vũ trang được thành lập để chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, một số nhóm dân quân lớn nhất đã được tích hợp vào lực lượng an ninh chính thức của Iraq. Nhưng, đến nay, các lực lượng dân quân đó chỉ hoạt động trên danh nghĩa cho Chính phủ Iraq và một số bị cho là vẫn tiếp tục tấn công các lợi ích của Mỹ ở Iraq. Vì thế, nhiều nhà phân tích coi vụ tấn công là một lời cảnh báo đối với Thủ tướng Iraq và các đồng minh hơn là một âm mưu ám sát. Hiện ông Mustafa al-Kadhimi vẫn nắm quyền bằng cách cân bằng quan hệ Iraq- Iran và Mỹ, đồng thời tìm kiếm một nhiệm kỳ mới.
Hệ thống phòng thủ C-RAM của Mỹ ở Iraq.
Renad Mansour, người đứng đầu Tổ chức Sáng kiến Iraq thuộc tổ chức tư vấn Chatham House phân tích: “Những gì chúng ta đã thấy trong quá khứ là sử dụng bạo lực không nhất thiết để ám sát mà là để cảnh báo rằng “Chúng tôi đang ở đây”. Tôi nghĩ đây cũng sẽ là một lời cảnh báo. Nhưng, cũng có thể không phải vậy, bởi bạn có thể được nhiều người biết đến và cảm thông hơn một chút với tư cách là thủ tướng sống sót sau một vụ ám sát”. Tuy nhiên, ông Renad Mansour cũng nhấn mạnh, vụ tấn công làm phức tạp đáng kể nỗ lực thành lập chính phủ, dựa trên việc tạo dựng các liên minh giữa các đảng. Trước cuộc bầu cử, ông Mustafa al-Kadhimi đã chủ trì một số vòng đàm phán tại Baghdad với các đối thủ trong khu vực là Iran và Arab Saudi nhằm xoa dịu căng thẳng. Marsin Alshamary, một nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Iraq thuộc Trung tâm Belfer của Trường Harvard Kennedy cho biết, cuộc tấn công làm dấy lên thách thức lâu dài về việc làm thế nào để kiềm chế sức mạnh của dân quân mà không gây ra một cuộc nội chiến.
Đối với ông Mustafa al-Kadhami, vấn đề càng khó hơn nếu ông tiếp tục làm thủ tướng. “Ông ấy không có đảng phái chính trị và dễ bị tấn công trực tiếp mà không có bên nào đàm phán hoặc bảo vệ. Hiện Ủy ban Bầu cử của Iraq vẫn chưa công bố kết quả cuối cùng. Quốc hội sau đó có thể triệu tập, bầu ra tổng thống mới và thành lập chính phủ”, Marsin Alshamary nói.