Iraq vẫn bất ổn 10 năm hậu thời kỳ Hussein

10 năm sau khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ, Iraq vẫn phải đối mặt với nhiều nguy cơ về một cuộc nội chiến mới.

Ngày 13/12 đánh dấu tròn 10 năm chế độ Saddam Hussein tại Iraq sụp đổ, mở ra một bước ngoặt mới trong đời sống chính trị, xã hội tại quốc gia vùng Vịnh này. Song 10 năm sau, Iraq vẫn phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ, từ những xung đột sắc tộc tôn giáo dai dẳng, đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố và những căng thẳng kinh tế, chính trị, xã hội không dễ giải quyết.

Cảnh sát Iraq tăng cường an ninh bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo ở Baghdad trong ngày 13/12 (Ảnh: AFP)

Ngày 13/12/2003, quân đội Mỹ đã bắt giữ Tổng thống Saddam Hussein khi ông này lẩn trốn tại tỉnh Tikrit. Vụ bắt giữ khi đó được miêu tả là sẽ chấm dứt các cuộc nổi dậy ở Iraq. Tuy nhiên, một thập niên sau, người ta vẫn thấy hình ảnh một Iraq vật lộn với các tàn dư của chế độ Hussein.

Thực tế đang diễn ra tại Iraq là tình trạng phân hóa tôn giáo và sắc tộc đã trầm trọng hơn rất nhiều sau khi chính quyền Saddam Hussein sụp đổ và cho đến nay vẫn chưa được giải quyết. Các cuộc tranh giành, phân chia quyền lực vẫn chưa ngã ngũ.

Bất chấp một thỏa thuận chia sẻ quyền lực đạt được hồi năm 2010, những người Sunni, từng thống trị chính trường dưới thời ông Saddam Hussein, luôn phàn nàn rằng chính quyền đương nhiệm đã tìm cách ngăn không cho họ giữ bất kỳ chức vụ quan trọng nào trong chính phủ dân tộc.

Cùng với những mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo dai dẳng là sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố. Được sự hậu thuẫn của các tay súng đang tham chiến ở quốc gia láng giềng Syria, al-Qaeda ở Iraq đang lợi dụng sự sụp đổ về an ninh trên khắp khu vực biên giới để thiết lập một "tiểu vương quốc".

Theo phái bộ Liên Hợp Quốc tại Iraq, từ đầu năm đến nay có hơn 6.000 dân thường bị chết và 14.000 người khác bị thương - hậu quả của các vụ đánh bom xe và đánh bom tự sát tại nước này. Con số này bằng với mức kỉ lục trong giai đoạn 2006 - 2007, khi cuộc nội chiến tại Iraq đang ở cao trào. Tần suất cũng như quy mô của các vụ tấn công này cho thấy tình hình an ninh Iraq đã trở nên nghiêm trọng tới mức người ta đang lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc nội chiến mới ở đất nước này.

Người dân Iraq nói: “An ninh đất nước đang đi xuống, Chúng phủ đã không thể làm gì cho người dân, đặc biệt là người nghèo”.

Về kinh tế, mặc dù Iraq đã đạt được nhiều thành quả trong việc khôi phục nền kinh tế sau nhiều năm chiến tranh, chiếm đóng và bạo lực, nhưng nạn nghèo đói, tham nhũng vẫn còn phổ biến. Sự phục hồi kinh tế Iraq vẫn còn rất mong manh. Theo Liên Hợp Quốc, hiện còn gần 2 triệu người Iraq ở trong tình trạng thiếu ăn. Tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong, người thất học và thất nghiệp vẫn ở mức cao. Tình trạng xung đột bạo lực cũng đang đe dọa nghiêm trọng tới ngành sản xuất dầu lửa của nước này, vốn chiếm một phần lớn trong nguồn thu ngân sách của Iraq.

Với quá nhiều vấn đề cần đối phó như vậy, không có gì khó hiểu trước việc Tổng thống Iraq al-Maliki phải đến Mỹ hồi cuối tháng 10 nhằm tìm kiếm thêm sự hỗ trợ để chống lại chủ nghĩa khủng bố và những lo ngại về an ninh khác.

Tổng thống Maliki nói: “Để bảo vệ không gian và chủ quyền của Iraq, chúng tôi sẽ không ngần ngại yêu cầu những hỗ trợ cần thiết về quân sự, đặc biệt là các loại vũ khí phòng ngự”.

Những thách thức này, cả về an ninh và phát triển, đã và đang đe dọa cấu trúc của xã hội cũng như mức độ gắn kết xã hội của Iraq. Theo các nhà phân tích, tình trạng xung đột dai dẳng như hiện nay tại Iraq sẽ không thể chấm dứt nếu chính phủ không có các biện pháp nhằm giải quyết ổn thỏa những mâu thuẫn giữa các cộng đồng người. Nếu không làm được những điều này, đất nước Iraq sẽ tiếp tục chìm trong bạo lực và những tàn dư từ chính quyền Saddam Hussein sẽ mãi không thể khép lại./.

Thu Hoài/VOV - Trung tâm Tin

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/iraq-van-phai-vat-lon-voi-tan-du-che-do-hussein/297936.vov