Iron Dome đến Guam nhằm tránh gặp lại kịch bản cũ

Trang Daily Mail cho biết, quân đội Mỹ đã hoàn thành việc triển khai hệ thống đánh chặn Iron Dome đến Guam.

Nguồn tin này cho biết, để chuẩn bị cho việc triển khai được thực hiện một cách nhanh nhất, từ tháng 10/2021, các chuyên gia cùng binh sĩ từ Fort Bliss, Texas đã bay đến Guam làm nhiệm vụ.

Ông Tom Karako tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định: "Nếu chúng ta không thể bảo vệ Guam thì thật khó để hướng sức mạnh đến Thái Bình Dương".

Cùng với thông tin hoàn thành gói triển khai, Quân đội Mỹ cũng nói về nhân sự cần thiết vận hành những hệ thống này, song không tiết lộ chi tiết số quân.

Hệ thống Iron Dome.

Hệ thống Iron Dome.

Ban đầu việc triển khai dự kiến sẽ được thực hiện trong khoảng từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 12. Tuy nhiên, công việc đã được hoàn thành ngay trong đầu tháng 11 nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết tại Guam.

"Việc triển khai thử nghiệm này là một cơ hội to lớn để kiểm tra năng lực của hệ thống phòng thủ điểm trên chiến trường, đánh giá hoạt động của Vòm Sắt với các hệ thống hiện có và xác định khả năng vận hành trong tương lai.

Khả năng phòng thủ tên lửa mạnh mẽ sẽ cải thiện đáng kể thế trận quốc phòng và bảo vệ người dân và các tài sản quan trọng của chúng ta trong khu vực", Chuẩn tướng Benjamin Nicholson, chỉ huy căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam nói.

Ông Lou Leon Guerrero, Thống đốc Guam cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với đợt triển khai Iron Dome trên đảo: "Tôi hoàn toàn ủng hộ việc triển khai vũ khí này tới Guam. Việc bổ sung năng lực phòng thủ sẽ tăng cường an ninh quốc gia thông qua việc tăng thêm một lớp bảo vệ cho THAAD.

Năng lực phòng thủ tên lửa thường trực sẽ là sự tiếp nối các khoản đầu tư tại địa phương nhằm đảm bảo một đảo Guam an toàn hơn, với sự hợp tác của Bộ Quốc phòng".

Đánh giá về quyết định triển khai Iron Dome, giới chuyên gia cho rằng, việc tăng cường thêm một lớp phòng thủ cho Guam là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, bản chất của quyết định triển khai này chỉ nhằm mục đích bảo vệ hệ thống đánh chặn tầm cao giai đoạn cuối THAAD khỏi nguy hiểm từ UAV - loại vũ khí THAAD từng nhiều lần bất lực khi đối mặt.

Hồi đầu năm 2019, hệ thống THAAD tại Andersen đã nhiều lần bị cả đàn UAV hỏi thăm. Số lượng lớn UAV được trang bị đèn chiếu sáng từ hướng biển bay tràn qua Andersen. Điều đặc biệt là những chiếc UAV này còn tự do bay lượn ngay phía trên những hệ thống THAAD và ghi hình căn cứ.

"Nếu cuộc xâm nhập của những UAV đó với mục đích tấn công thì toàn bộ hệ thống phòng thủ Mỹ tại căn cứ Andersen có thể đã bị tiêu diệt bằng hệ thống vũ khí rẻ tiền", một chỉ huy tại Guam cho biết sau khi vụ xâm nhập xảy ra.

nhưng việc dùng Iron Dome làm vệ sĩ cho THAAD cũng không thật sự khiến người Mỹ yên tâm bởi độ tin cậy của vũ khí này không cao. Đặc biệt trong cuộc xung đột tại Gaza, Iron Dome đã không thể đối phó hiệu quả khi phải đối đầu với cuộc tấn công của đồng thời nhiều mục tiêu.

Vì vậy, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của Iron Dome khi bảo vệ THAAD vẫn đang là dấu hỏi.

Theo Hòa Bình/Báo Đất Việt

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/iron-dome-den-guam-nham-tranh-gap-lai-kich-ban-cu/20211120094602284