Israel 'chín người mười ý' vì kế hoạch sơ tán 600.000 người Palestine khỏi Gaza
Một đề xuất gây tranh cãi của Israel nhằm di dời khoảng 600.000 người Palestine đến khu vực được gọi là 'thành phố nhân đạo' ở Gaza đã làm bùng nổ những bất đồng sâu sắc trong giới chính trị và quân đội nước này.
Ý tưởng xây dựng “thành phố nhân đạo”
Ý tưởng này được Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Yoav Gallant Katz, khởi xướng vào đầu tháng 7/2025. Thủ tướng Netanyahu đã triệu tập một cuộc họp với các bộ trưởng và giới chức quốc phòng vào cuối tuần trước để thảo luận về vấn đề này. Theo hai quan chức có mặt tại cuộc họp, quân đội được giao nhiệm vụ phác thảo đề xuất chi tiết, nhưng bản dự thảo ban đầu đã bị Thủ tướng bác bỏ vì bị cho là quá tốn kém và thiếu tính khả thi. Ông Netanyahu yêu cầu một phương án thay thế “nhanh hơn và rẻ hơn”.

Người dân ở Dải Gaza. Ảnh: Reuters
Một nguồn tin quân sự cho biết, việc xây dựng “thành phố nhân đạo” đòi hỏi quy trình xây dựng cực kỳ phức tạp, từ hệ thống cấp thoát nước, vệ sinh, y tế, lương thực đến an ninh. Dù mới chỉ ở giai đoạn khởi thảo, nguồn tin nhấn mạnh mục tiêu của kế hoạch là hỗ trợ những người Palestine không muốn tiếp tục sống dưới sự kiểm soát của Hamas.
Một số nhà quan sát cho rằng mục đích sâu xa của sáng kiến này là gia tăng sức ép lên Hamas trong tiến trình đàm phán ngừng bắn, đồng thời xoa dịu các bộ trưởng cánh hữu trong nội các của Thủ tướng Netanyahu - những người kiên quyết phản đối bất kỳ lệnh ngừng bắn nào với lực lượng Hamas.
Trong cuộc họp báo ngày 7/7, Bộ trưởng Katz công khai trình bày kế hoạch này trước giới báo. Đề xuất được đưa ra không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu ý tưởng tái định cư người dân Gaza tại các nước thứ ba – một đề xuất được ông Netanyahu ủng hộ nhưng vấp phải phản ứng mạnh từ cộng đồng quốc tế.
Giao tranh khốc liệt kể từ tháng 10/2023 – thời điểm Hamas phát động cuộc tấn công bất ngờ vào Israel, đã khiến phần lớn trong số hơn 2 triệu cư dân Gaza buộc phải sơ tán.
Theo ông Katz, khoảng 600.000 người sẽ được chuyển đến khu trại tị nạn mới, dự kiến đặt tại Rafah nằm ở phía nam Gaza, sát biên giới Ai Cập - nơi hiện do quân đội Israel kiểm soát và đã bị tàn phá nghiêm trọng.
Các đài phát thanh quốc gia Kan và Đài quân đội Israel dẫn lời ông Katz cho biết khu vực này sẽ không có sự hiện diện của Hamas và sẽ do lực lượng quốc tế chứ không phải Israel quản lý. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định rằng những người chuyển đến đây “sẽ không được phép tự do rời đi”.
Phát biểu trên kênh Kan, Bộ trưởng Nội các An ninh Zeev Elkin lý giải rằng việc tách rời Hamas khỏi dân thường sẽ làm giảm đáng kể năng lực hoạt động của tổ chức này.
“Chừng nào Hamas còn kiểm soát nguồn lực, từ thực phẩm, nước uống đến tiền bạc thì lực lượng này còn có thể tuyển mộ thêm nhân lực”, ông Elkin nói.
Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra là liệu đề xuất di dời này có mang tính bắt buộc hay không và liệu khu vực được gọi là “thành phố nhân đạo” có thực chất là điểm trung chuyển phục vụ kế hoạch trục xuất người Palestine khỏi Gaza hay không. Một quan chức quân sự giấu tên nói với Reuters rằng: “Đó không phải là chính sách của chúng tôi”.
Về phần mình, người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric khẳng định: “Chúng tôi kiên quyết phản đối mọi kế hoạch liên quan đến việc di dời cưỡng bức dân thường ở Gaza hoặc đặt họ trước những lựa chọn bất khả thi”.
Hiện chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu vẫn bảo vệ kế hoạch di dời này, cho rằng mục tiêu là tạo ra khu vực an toàn cho dân thường Palestine và từng bước xóa bỏ quyền kiểm soát của Hamas tại Dải Gaza. Tuy nhiên, chưa rõ liệu đề xuất này có được triển khai trên thực tế hay chỉ dừng lại ở mức độ thử nghiệm.
Nội bộ Israel “chín người mười ý”
Kể từ sau cuộc họp báo của ông Katz, truyền thông Israel liên tục xuất hiện những thông tin rò rỉ cho thấy sự chia rẽ trong nội bộ nước này. Tờ Haaretz dẫn lời các tướng lĩnh quân đội cấp cao cho biết kế hoạch đang vấp phải trở ngại lớn về pháp lý và hậu cần.
Hãng tin N12 News cho biết quân đội phản đối kế hoạch vì lo ngại ảnh hưởng tiêu cực tới các cuộc đàm phán ngừng bắn tại Doha. Trong khi đó, trang tin Ynet dẫn các ước tính cho rằng chi phí có thể dao động từ 10 đến 15 tỷ shekel (tương đương 3–4,5 tỷ USD).
Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich đã lên tiếng bác bỏ các con số này, cáo buộc một số nhân vật trong Bộ Quốc phòng “cố tình phá hoại kế hoạch” bằng cách thổi phồng ngân sách. Văn phòng của ông khẳng định: “Việc thiết lập một khu vực trú ẩn an toàn là hoạt động hậu cần đơn giản, với chi phí chỉ vài trăm triệu USD và Bộ Tài chính sẵn sàng giải ngân”.
Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir thậm chí cho rằng toàn bộ cuộc tranh luận xoay quanh thành phố nhân đạo chỉ là “vỏ bọc truyền thông” nhằm đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những nhượng bộ Israel có thể chuẩn bị đưa ra trong đàm phán với Hamas.
“Thành phố nhân đạo chỉ là màn che cho một thỏa thuận đang thành hình”, ông viết trên mạng xã hội X, đồng thời cho rằng không thể xây dựng được mô hình này trong khuôn khổ thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 60 ngày như đề xuất.
Lãnh đạo đối lập Yair Lapid đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối đề xuất. Phát biểu trước Quốc hội hôm 15/7, ông Lapid nói: “Liệu người dân trong thành phố này có được phép rời đi không? Nếu không, làm thế nào để ngăn họ? Thành phố sẽ có hàng rào? Rào sắt hay rào điện? Bao nhiêu binh sĩ sẽ canh giữ? Và họ sẽ làm gì nếu một đứa trẻ cố gắng vượt rào để rời đi?”
Theo ông Lapid, đây là một kế hoạch “nguy hiểm, phản tác dụng và không có tính khả thi”.