"Bộ trưởng Quốc phòng Israel sẽ nêu đề xuất trị giá một tỷ USD để bổ sung vật tư cho tổ hợp Iron Dome biệt danh Vòm Sắt và một số thứ khác để nâng cấp hệ thống", thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham nói trong cuộc họp báo ngày 1/6 tại Jerusalem, đồng thời dự đoán Tổng thống Joe Biden và quốc hội Mỹ sẽ thông qua yêu cầu.
Thượng nghị sĩ Graham, thành viên Ủy ban Phân bổ ngân sách Thượng viện Mỹ, đã tới Israel gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu cùng Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz. Ủy ban Phân bổ ngân sách Thượng viện Mỹ giám sát các khoản chi tiêu của chính phủ Mỹ, bao gồm viện trợ quân sự nước ngoài.
Thượng nghị sĩ Graham cho biết, tổ hợp Vòm Sắt đã cứu sống hàng nghìn người trong cuộc giao tranh Israel - Hamas hồi tháng 5.
"Có những tranh cãi về đụng độ mới nhất giữa nhóm Hamas và nhà nước Israel tại Mỹ, song tôi muốn nói rằng trong đảng Dân chủ có sự ủng hộ rộng rãi và sâu sắc dành cho Israel", Graham nói trong cuộc họp báo tại Jerusalem.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó nói sẽ cấp ngân sách bổ sung vật tư cho Vòm Sắt, tổ hợp đánh chặn phần lớn trong số hơn 4.300 rocket phóng từ Dải Gaza vào lãnh thổ Israel hồi tháng trước.
Xung đột giữa Israel và dân quân Hamas diễn ra ngày 10-21/5 khiến gần 250 người thiệt mạng.
Phía Hamas tấn công ồ ạt bằng rocket giá rẻ nhằm gây quá tải hệ thống Vòm Sắt, giảm mức độ phòng thủ hiệu quả của nó.
Bộ Quốc phòng Israel cho biết, phong trào Hamas ở Palestine đã phóng khoảng 1.500 quả pháo phản lực (rocket) từ ngày 10/5 đến 13/5, trong đó 1.050 quả bay vào lãnh thổ Israel và khoảng 350 quả gặp sự cố khi phóng.
Hệ thống phòng không Iron Dome đã đánh chặn hàng trăm quả rocket, nhưng số lượng đầu đạn khổng lồ được sử dụng trong đòn tập kích đã phơi bày nhiều hạn chế của lá chắn này và bị Hamas tận dụng triệt để.
Cuộc tấn công này cũng có nguy cơ thúc đẩy các đối thủ của Israel mở rộng kho vũ khí để dễ dàng xuyên thủng hệ thống Vòm Sắt, theo giới chuyên gia quân sự nhìn nhân.
Một tổ hợp Vòm sắt hoàn chỉnh gồm 3-4 bệ phóng, mỗi bệ trang bị 20 tên lửa đánh chặn Tamir, cùng với đó là radar cảnh giới và dẫn bắn, hệ thống điều khiển và quản lý tác chiến.
Phần lớn hoạt động của Vòm sắt được tự động hóa để rút ngắn thời gian phản ứng và giảm yêu cầu về nhân lực vận hành.
Tên lửa đánh chặn Tamir có khả năng cơ động cao, được trang bị đầu dò radar chủ động và đường truyền dữ liệu hai chiều để nhận thêm thông tin mục tiêu sau khi rời bệ phóng, tăng độ chính xác khi đánh chặn.
Ngòi nổ cận đích trên quả đạn sẽ kích hoạt đầu đạn nổ mảnh định hướng khi ở gần mục tiêu, phá hủy quả rocket mà không cần đánh trúng đích.
Bộ Quốc phòng Israel cho biết Vòm Sắt đã đánh chặn thành công 85% mục tiêu kể từ khi triển khai chiến đấu năm 2011.
Hồi đầu năm ngoái, nhà sản xuất Rafael tuyên bố phiên bản Vòm Sắt cải tiến chưa bắn trượt phát nào trong quá trình thử nghiệm.
Dù vậy, quân đội Israel cũng thừa nhận không đủ khả năng đánh chặn mọi quả rocket phóng từ Dải Gaza vào Israel.
Phong trào Hamas hồi năm 2019 từng tuyên bố tìm ra cách vô hiệu hóa Vòm Sắt bằng chiến thuật phóng lượng lớn rocket vào một mục tiêu duy nhất.
Tướng Yaakov Amidror, cựu Cục trưởng Cục Nghiên cứu Tình báo Quân đội Israel, khi đó thừa nhận lá chắn này đã thất bại trước loạt "mưa rocket" của Hamas khi chỉ hạ được 240 trong tổng số 690 quả đạn.
Chiến thuật này dường như đã được Hamas áp dụng trong đợt tập kích vừa qua. Truyền thông Israel hôm 12/5 cho hay lá chắn Vòm Sắt đã gặp trục trặc khi phải đối phó với một loạt rocket số lượng lớn phóng về phía thành phố Ashkelon.
Hãng tin Times of Israel cho biết nhiều khu dân cư ở miền nam nước này đã phát còi báo động, sau khi lượng lớn rocket được phóng tới khu vực nhằm gây quá tải hệ thống phòng không.
Ngoài mối đe dọa từ chiến thuật của dân quân Palestine, các hệ thống Vòm Sắt cũng gặp giới hạn về năng lực hậu cần khi phải chống chịu những đợt tập kích quy mô lớn trong thời gian ngắn.
Hiện chưa rõ Israel triển khai bao nhiêu khẩu đội Vòm Sắt, nhưng nước này từng tiết lộ kế hoạch biên chế tổng cộng 15 hệ thống hoàn chỉnh.
Một khẩu đội Vòm Sắt đầy đủ chỉ có khoảng 60-80 quả đạn Tamir sẵn sàng chiến đấu, khiến tổng số đạn đánh chặn của Israel không quá 1.200 quả. Các khẩu đội được phân bố dàn trải để có thể trợ chiến cho nhau, nhưng điều này cũng khiến chúng không thể cùng đối phó một cuộc tấn công áp đảo từ hướng cố định.
Quân đội Israel thường dùng hai quả đạn Tamir cho một mục tiêu để tăng tỷ lệ đánh chặn thành công. Chiến thuật này phù hợp để đối phó các cuộc tập kích lẻ tẻ với lượng ít rocket, nhưng không thể áp dụng với những đợt tấn công có số mục tiêu vượt xa đạn đánh chặn.
Israel không tiết lộ chi phí chính xác của mỗi quả đạn, nhưng thông tin trước đây cho thấy tên lửa Tamir có giá 40.000-100.000 USD/quả. Trong khi đó dòng rocket Qassam đời cũ của Hamas sử dụng tấn công Israel chỉ có giá 500-600 USD/quả.
Mức giá này thấp hơn nhiều so với các tên lửa phòng không hiện đại, nhưng vẫn đặt ra gánh nặng không nhỏ về chi phí vận hành. Israel phải tốn ít nhất 8-20 triệu USD cho 200 lần đánh chặn thành công rocket của Hamas trong vòng một ngày, con số này có thể nhanh chóng tăng vọt lên 40-100 triệu USD nếu xung đột tiếp diễn ở cường độ cao.
Trong cuộc chiến Israel - Palestine năm 2014, Tel Aviv đã nhận viện trợ khẩn cấp 225 triệu USD từ Washington để tích trữ tên lửa Tamir. Nếu gói hỗ trợ 1 tỷ USD thông qua, Israel sẽ gia tăng đáng kể hệ thống Iron Dome cũng như tích trữ số lượng cực lớn tên lửa Tamir đề phòng các cuộc tấn công nhằm vào nước này trong tương lai.
Việt Hùng